Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vàng nhảy vọt, tiền châu Á giảm giá bởi Covid-19 diễn biến phức tạp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vàng nhảy vọt, tiền châu Á giảm giá bởi Covid-19 diễn biến phức tạp

Ngọc Ánh

(TBKTSG Online) – Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đã góp phần làm cho các đồng tiền ở châu Á đã giảm giá trong ngày 24-2, khi giới đầu tư đổ xô vào vàng và đồng đô la Mỹ để đảm bảo an toàn. Điều này tác động đến kim loại quý, đẩy giá vàng thế giới cán mốc 1.680 đô la/ounce, làm giá vàng trong nước cũng tăng mạnh và lên mức kỷ lục 49 triệu đồng/lượng.

Vàng nhảy vọt, tiền châu Á giảm giá bởi Covid-19 diễn biến phức tạp
Giá vàng trong ươớc đã tăng vọt lên 49 triệu đồng/lượng, trước những lo lắng về sự lan nhanh của Covid-19 tại một số quốc gia và lãnh thổ ngoài Trung Quốc. Ảnh minh họa: TTXVN

Vàng trong nước vượt mốc 49 triệu đồng/lượng

Tại Việt Nam, trong ngày 24-2, đà tăng giá của vàng trong nước liên tục được nới rộng từ sáng đến chiều, nhiều doanh nghiệp đã treo biển bán ra vượt xa mốc 49 triệu đồng/lượng.

Tính đến 16 giờ, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC từ 47,80-49,00 triệu đồng/lượng, tăng thêm 1,2 triệu đồng/lượng trong vòng 2 giờ giao dịch phiên chiều. Các doanh nghiệp khác như Công ty Doji Hà Nội và Công ty Phú Quý cũng đẩy giá vàng SJC lên mức rất cao, giá mới từ 47,70-49,20 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh lên mức mới là 49,04 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, chênh lệch giá mua/giá bán được nới rất rộng. Nếu như tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn là 1,2 triệu đồng/lượng thì tại Công ty Doji, mức chênh lên tới 1,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, chênh lệch giữa chiều mua và bán của vàng Rồng Thăng Long là 1,3 triệu đồng/lượng.

Theo TTXVN, đại diện một doanh nghiệp vàng tại Hà Nội cho biết ngoài tác động tâm lý do dịch bệnh Covid-19, thì nguyên nhân quan trọng hơn chính là diễn biến của giá vàng thế giới.

Hãng tin Reuters dẫn chứng các dự báo của giới phân tích cho rằng đồng kim loại quý này sẽ sớm chạm tới ngưỡng 1.700 đô la Mỹ/ounce.

Trong ngày 24-2, giá vàng thế giới giao dịch tại ngưỡng 1.680 đô la Mỹ/ounce. Mức giá này tương đương 47,2 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá đô la Mỹ (USD) trong nước

Các đồng tiền châu Á giảm giá

Ngược lại với sự "nhảy múa" của giá vàng, các đồng tiền ở châu Á đã giảm giá trong ngày 24-2 sau những thông tin về sự lây lan nhanh chóng của bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) bên ngoài Trung Quốc. Điều này gây lo ngại về sự bùng phát dịch và giới đầu tư đổ xô vào vàng và đồng USD để đảm bảo an toàn.

Các đồng nội tệ của Trung Quốc, Úc, New Zealand, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) đều có chiều hướng giảm giá, trong đó đồng đô la Úc (AUD) ghi nhận mức thấp mới trong vòng 11 năm qua. Đồng won của Hàn Quốc cũng giảm gần 1%, xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua.

Trong khi đó, bất ổn chính trị tại Malaysia đã gây áp lực lên đồng nội tệ nước này và khiến đồng ringgit giảm 0,6%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9-2019. Đồng yen của Nhật Bản sau khi phục hồi nhẹ vào cuối tuần trước, hiện đang giao dịch không đổi ở mức 111,55 yen/USD do các nhà đầu tư châu Á lo ngại tính an toàn của đồng tiền này trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại đất nước hoa anh đào.

Theo Reuters, các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Barclays của Anh cho biết phản ứng của các thị trường đối với dịch bệnh Covid-19 đang phân biệt các đồng tiền "dễ nhiễm virus" với các đồng tiền còn lại. Theo đó, tài sản được định giá bằng đồng USD có sức hấp dẫn. Các chuyên gia nhận định trên thực tế Covid-19 không tác động đến tăng trưởng của Mỹ vì nước này có ít ca nhiễm và mức độ phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc thấp.

Hiện đồng USD đang tăng giá trở lại, theo đó, tỷ giá so với đồng euro ổn định ở mức 1,0827 USD đổi 1 euro và đồng bảng Anh ở mức 1,2946 USD đổi 1 bảng.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Theo số liệu của Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), trong ngày 23-2, tại Trung Quốc đại lục có 409 ca nhiễm mới và 150 ca tử vong do Covid-19. NHC cho biết số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục trong ngày 23-2 đã giảm so với 648 ca trong ngày 22-2. Ngoài ra, ngày 23-2 cũng là ngày thứ 6 liên tiếp tỷ lệ khỏi bệnh và được xuất viện tính trong một ngày nhiều hơn số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, số ca mắc bệnh tại Ý, Hàn Quốc và Iran lại tăng mạnh cuối tuần qua. Tính đến ngày 24-2, Ý có hơn 150 người nhiễm. Cùng ngày, hãng thông tấn bán chính thức Iran (ISNA) dẫn lời người phát ngôn Quốc hội Iran, Assadollah Abbassi cho biết, đã có thêm 4 ca tử vong mới do nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca tử vong tại Iran đến thời điểm này là 12 trường hợp. Đây là quốc gia có số ca tử vong cao nhất ngoài lục địa Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại.

Chính quyền Tehran đã triển khai hàng loạt biện pháp dự phòng khẩn cấp, trong đó có quyết định tạm thời đóng cửa các trường học và trung tâm văn hóa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ quan ngại về số ca nhiễm tăng không có mối liên hệ rõ ràng với tâm dịch ở Trung Quốc.

Trong ngày 24-2, theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc đã xác nhận thêm 231 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, nâng tổng số ca nhiễm loại virus này ở đây lên 833 người. Đây là con số "kỷ lục" tính theo ngày, với các ca nhiễm mới chủ yếu là ở thành phố Daegu, nơi cơ quan y tế đang tập trung nhân lực ngăn dịch lan rộng khắp cả nước. Trường hợp tử vong thứ 7 ở Hàn Quốc cũng diễn ra ở gần Daegu khi nam bệnh nhân 62 tuổi qua đời ở bệnh viện Cheongdo vào hôm Chủ Nhật (23-2).

Chiều 24-2, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe (CHP) Đặc khu hành chính Hồng Kông cho biết có thêm 4 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại vùng lãnh thổ này lên 79 người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới