Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vàng trong thống kê xuất nhập khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vàng trong thống kê xuất nhập khẩu

LTS: Trên số báo 15-2009 ra ngày 2-4-2009, trong bài ý kiến “Đừng lảng tránh bức tranh thực”, chúng tôi cho rằng không nên đưa xuất khẩu vàng vào kim ngạch xuất khẩu của quí 1-2009 vì như thế sẽ dẫn đến hiện tượng xuất siêu và không phản ánh chính xác tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Số báo này chúng tôi đăng bài phản hồi của bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả thuộc Tổng cục Thống kê, giải thích quan điểm của Tổng cục về vấn đề này để bạn đọc tham khảo, đồng thời có bổ sung ý kiến của TS. Vũ Quang Việt nêu lên cách làm theo thông lệ của quốc tế.

Vàng trong thống kê xuất nhập khẩu

Sản xuất vàng miếng ở Công ty SJC. – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Sự khẳng định tính khách quan của số liệu Số liệu ước tính xuất nhập khẩu quí 1-2009(1) của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong khi nhập khẩu đạt 11,8 tỉ đô la Mỹ – giảm 45% thì xuất khẩu (đạt 13,5 tỉ đô la Mỹ) tăng 2,4% so cùng kỳ. Biến động trái chiều và bất thường đã đưa đến kết quả xuất siêu 1,647 tỉ đô la Mỹ.

Qua số liệu và phân tích chi tiết xuất nhập khẩu theo từng nhóm mặt hàng cho thấy, nguyên nhân xuất siêu là do tái xuất vàng. Nếu tách riêng yếu tố này, xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt 11,2 tỉ đô la Mỹ – giảm 15% so với cùng kỳ, cán cân thương mại nhập siêu 641 triệu đô la Mỹ.

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước, đã có những ý kiến nghi ngờ tính minh bạch, chuẩn mực của phương pháp thống kê, thậm chí nghi ngờ tính khách quan của Tổng cục Thống kê khi công bố số liệu.

Để làm rõ vấn đề này, cần xem xét phương pháp thống kê hiện hành có dựa trên các chuẩn mực quốc tế và đặc thù của nước ta hay không. Phương pháp luận về thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa, thống kê tài khoản quốc gia (SNA), cán cân thanh toán quốc tế (BOP) của Liên hiệp quốc và Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF(2) đều thống nhất khái niệm và cách tính: vàng được chia làm hai loại: vàng tiền tệ (monetary-gold) và phi tiền tệ, hay còn gọi là vàng hàng hóa (non-monetary gold).

Vàng tiền tệ là vàng do các cơ quan có chức năng điều hành chính sách tiền tệ (ở Việt Nam là Ngân hàng Nhà nước – NHNN) sở hữu và nắm giữ làm tài sản dự trữ. Khi cơ quan này mua (nhập khẩu) hoặc bán (xuất khẩu) vàng với cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của một nước khác hoặc một tổ chức tiền tệ quốc tế (như IMF) thì đó là giao dịch xuất nhập khẩu vàng tiền tệ, được hạch toán cả hai bút toán trong cán cân tài chính/tài sản dự trữ trong BOP.

Theo đó, tài sản dự trữ không thay đổi, chỉ chuyển từ việc giảm ngoại tệ và tăng phần nắm giữ bằng vàng (nếu mua vàng), ngược lại là chuyển từ việc tăng ngoại tệ và giảm phần nắm giữ bằng vàng (nếu bán vàng). Xuất nhập khẩu vàng tiền tệ không được thống kê vào xuất nhập khẩu hàng hóa.

Vàng phi tiền tệ là vàng được xuất nhập khẩu bởi các doanh nghiệp/ngân hàng thương mại cho mục đích sản xuất, kinh doanh, lưu giữ giá trị và xuất nhập khẩu vàng loại này được thống kê vào xuất nhập khẩu hàng hóa, ngay cả trong trường hợp do cơ quan điều hành chính sách tiền tệ nhập/xuất khẩu với một doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại nước ngoài là người không thường trú để làm tài sản dự trữ, đây là quá trình tiền tệ hóa/phi tiền tệ hóa vàng (monetization/demonetization).

Từ năm 1998, phương pháp thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa do Tổng cục Thống kê ban hành, phối hợp với Tổng cục Hải quan thực hiện đã dựa trên các chuẩn mực quốc tế nói trên, theo đó xuất nhập khẩu vàng phi tiền tệ được tính vào số liệu thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa và công bố định kỳ hàng tháng, quí, năm.

Hai năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu vàng phi tiền tệ gắn liền với những biến động trong, ngoài nước và được NHNN quản lý trên nguyên tắc bảo đảm quyền và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp/tổ chức tín dụng, ổn định thị trường trong nước.

Lượng vàng hàng hóa đã thống kê vào nhập khẩu và đóng góp vào mức nhập siêu, khá cao trong năm 2007, những tháng đầu năm 2008. Vào thời điểm giá vàng thế giới cao hơn giá trong nước (có lợi về giá), lại được các doanh nghiệp tái xuất một phần, đương nhiên cần được thống kê vào xuất khẩu.

Cũng cần lưu ý: hàng xuất khẩu nói chung không chỉ gồm hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam mà còn bao gồm cả hàng đã nhập khẩu để tiêu dùng trong nước nhưng vì nhiều lý do lại được tái xuất nguyên dạng hoặc qua gia công sơ chế. Trong khi đó các hàng hóa tạm nhập và phải tái xuất sau thời gian quy định đã không thuộc phạm vi thống kê.

Nhiều nền kinh tế, đặc biệt với Singapore, Hồng Kông, giao dịch loại này khá lớn và được thống kê vào xuất khẩu, phù hợp với chuẩn mực, thể hiện đúng sự cân đối vào/ra của luồng hàng lưu chuyển giữa nước ta với thế giới. Bức tranh về cán cân thương mại sẽ méo mó nếu như nó không phản ánh tác động của luồng hàng hóa vật chất đã nhập vào trước đó, chu chuyển trong khu vực sản xuất kinh doanh nội địa và lại được đưa ra khỏi phạm vi quốc gia.

Ở nước ta, đông đảo người sử dụng số liệu, trong đó có cơ quan tổng hợp cán cân thanh toán quốc tế và thống kê tài khoản quốc gia – đều được cung cấp đầy đủ thông tin để tính toán, phân tích tác động của các luồng hàng hóa xuất nhập khẩu đối với nền kinh tế, cụ thể là số liệu và phân tích tình hình quí 1-2009 của Tổng cục Thống kê công bố trên các báo cáo và trang tin điện tử www.gso.gov.vn.

Ở Việt Nam, cũng như các nước vàng được sử dụng cho nhiều mục đích: sản xuất, kinh doanh và lưu giữ giá trị. Không chỉ với chức năng duy nhất là phương tiện thanh toán, thường hay diễn ra ở khu vực tiêu dùng của dân cư. Vàng được mua đi bán lại phổ biến giữa các doang nghiệp, tổ chức tín dụng và cá nhân trên thị trường, tạo ra giá trị tăng thêm cho hoạt động thương nghiệp.

Ở khía cạnh vật chất nó cũng giống như các hàng hóa thông thường, nhưng ở khía cạnh chủ thể nắm giữ giá trị, không thể coi lượng vàng do doanh nghiệp/tổ chức tín dụng xuất nhập khẩu, không do NHNN (cơ quan điều hành chính sách tiền tệ) nắm giữ, nằm trong khối lượng tiền tệ quốc gia.

Ngay cả khi NHNN có mua lại số ngoại tệ do các đơn vị tái xuất vàng bán lại (nếu có) – tương tự việc các doanh nghiệp xuất khẩu thu ngoại tệ và bán cho NHNN – thì đây cũng là giao dịch mua bán thông thường giữa hai thực thể pháp nhân thường trú của Việt Nam, không liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa và cán cân thanh toán quốc tế để coi là số vàng phi tiền tệ sau khi tái xuất đã biến thành vàng tiền tệ.

Phương pháp thống kê dựa trên các chuẩn mực quốc tế, phản ánh đúng thực tiễn Việt Nam luôn được ngành thống kê coi là cơ sở cho sự thống nhất và khả năng so sánh quốc tế của số liệu, cũng chính là giữ được tính khách quan, đặc biệt khi số liệu thống kê của Việt Nam đã tham gia hòa nhập với các hệ thống phổ biến số liệu chung của thế giới.

LÊ THỊ MINH THỦY

(1) Là số liệu thực hiện từ 1-1 đến 15-3-2009 của Tổng cục Hải quan và ước tính 15 ngày còn lại của tháng 3-2009.

(2) Cẩm nang Thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa, bản sửa đổi lần 2 do Liên hiệp quốc ban hành năm 1998 (IMTS. Rev2), Hệ thống tài khoản quốc gia, Liên hiệp quốc ban hành năm 1993 (SNA 1993), đoạn 14.92, trang 332.

                                                                                   o0o

Vàng phải được xử lý như tiền

Ở Việt Nam, vàng thường được dùng làm hàng hóa, hay giữ làm của quý, chứ không dùng làm tiền tệ. – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Đây là vấn đề phức tạp cần giải thích. Vàng thường được dùng để làm hàng hóa, hay giữ làm quý kim để dành, gọi là vàng không dùng làm tiền tệ.

Ở Việt Nam khác hẳn các nước khác, một phần quan trọng lượng vàng và đô la Mỹ được dùng làm tiền để chi trả, thanh toán mua bán do đó cần được xử lý như tiền, chứ vàng không chỉ được lưu giữ, hoặc được ngân hàng trung ương lưu giữ làm dự trữ (gọi là tiền vàng) hay dùng chế tạo trang sức.

Tiền được định nghĩa là vật lưu giữ giá trị và dùng làm trao đổi. Do đó trường hợp vàng chủ yếu dùng để thanh toán ở Việt Nam phù hợp với định nghĩa trên nên tôi cũng xếp nó vào tiền vàng, dù không được giữ làm dự trữ. Định nghĩa và sử dụng định nghĩa cần nhằm diễn tả đúng mục đích kinh tế nhất định của thanh toán.

Nếu như vàng chỉ được dùng làm phương tiện lưu trữ giá trị, thì khi mua vào qua biên giới có thể ghi nhập khẩu, nhưng đã là nhập khẩu thì phần cung này phải được quân bình với cầu. Mà cầu ở đây là tăng tích lũy gộp (trong phần tăng tài sản có giá trị lưu giữ – valuables). Nếu không làm thế thì để quân bình cung cầu hàng hóa trong nền kinh tế, các khoản cầu khác như tiêu dùng cuối cùng sẽ phải dội lên, không đúng thực tế.

Trong trường hợp bán tài sản có giá trị lưu giữ ra nước ngoài chẳng hạn, thì ghi là xuất khẩu đồng thời phần mất đi này phải có nguồn quân bình, nên phải ghi là giảm tích lũy gộp (trong mục tài sản có giá trị lưu giữ). Đây chỉ là cách ghi nhằm quân bình cung cầu tài sản có giá trị lưu giữ không được nền kinh tế sản xuất.

Nhưng đối với vàng dùng như tiền, thì để nắm bắt được sự chuyển biến của tiền tệ, tức là phương tiện thanh toán, dù nhập vào Việt Nam không thông qua ngân hàng, thì những ngoại tệ này vẫn phải coi là nằm trong khối lượng tiền tệ. Điều này tất nhiên không dễ đo lường nên các nhà thống kê thường lờ đi. Tuy nhiên khi chúng lớn, thì các nhà kinh tế đều tìm cách đo lường chúng, để có thể điều động chính sách tiền tệ.

Ở trường hợp Việt Nam, rõ ràng phần lớn vàng được dùng làm thanh toán và có thể đo lường được thì không thể lờ đi. Chính việc lờ đi này làm sai lạc sự hiểu biết về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, và làm giảm khả năng nắm bắt ảnh hưởng của chúng với sản xuất. Rõ ràng là việc loại vàng dùng làm tiền khỏi xuất khẩu, vì không từ sản xuất mà ra, cho phép ta hiểu đúng về tình hình xuất khẩu hàng hóa hiện nay.

VŨ QUANG VIỆT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới