Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Vành đai’ chống dịch và ‘luồng xanh’ hàng hóa cho TPHCM

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Vành đai’ chống dịch và ‘luồng xanh’ hàng hóa cho TPHCM

T.H

(KTSG Online) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 vào chiều ngày 9-7 đã họp với các địa phương lân cận TPHCM (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) để triển khai công tác phòng, chống dịch.

'Vành đai' chống dịch và 'luồng xanh' hàng hóa cho TPHCM
Hình ảnh tại một chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 hướng từ tỉnh Đồng Nai vào Bình Dương vào tháng 6-2021. Ảnh: TTXVN

Hình thành "vành đai" chống dịch quanh TPHCM

Đến nay, tỉnh Đồng Nai, các địa bàn của Bình Dương, Long An tiếp giáp với TPHCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16).

Báo cáo Phó Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm ngày 9-7 Đồng Nai đã ghi nhận 160 ca mắc. Sau khi TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Đồng Nai xác định nếu không tận dụng được cơ hội này cùng với TPHCM, thì sau này tỉnh cũng trở thành nguy cơ. Tận dụng 15 ngày để quyết liệt truy vết, dập dịch trong thời gian sớm nhất.

Trong những ngày tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục kiểm soát chặt người về từ TPHCM, Bình Dương, dự báo số ca mắc Covid-19 mới có thể tăng thêm, tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ chỗ cách ly F1, chuẩn bị cơ sở điều trị các F0 (đã chuẩn bị được khoảng 1.600 giường),…

Đồng Nai kiến nghị Trung ương hỗ trợ máy xét nghiệm; ưu tiên phân bổ thêm vaccine; đề nghị Bộ Y tế đứng ra mua sinh phẩm cho các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương,… 

Lãnh đạo Tây Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại (9-7) tỉnh đã ghi nhận 176 ca Covid-19, trong đó có 17 ca nhiễm trong cộng đồng, cơ bản đã khống chế được các chuỗi lây nhiễm, hiện chưa phát sinh vấn đề gì lớn.

Tỉnh cũng đã phân tích các nguy cơ dịch bệnh để xây dựng các phương án phòng chống dịch chủ động, linh hoạt với các tình huống, đảm bảo chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ, thực hiện mục tiêu kép.

Thời gian tới, Tây Ninh sẽ kiểm soát chặt người từ các địa phương ra vào tỉnh, thực hiện khai báo y tế, lịch trình di chuyển, số điện thoại liên hệ,…

Đối với công nhân từ các địa phương khác ra vào Tây Ninh làm việc hằng ngày, Tây Ninh đã giao trách nhiệm cho doanh nghiệp trong thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, đồng thời đề nghị các địa phương cùng phối hợp để quản lý hiệu quả…

Tỉnh Tây Ninh cũng đang triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực lấy mẫu, xét nghiệm,… để ứng phó với các tình huống dịch bệnh nhưng gặp khó khăn trong việc mua vật tư, sinh phẩm (không tìm được nguồn cung ứng kịp thời), tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ hoặc giới thiệu nguồn cung ứng mua máy, sinh phẩm xét nghiệm nhanh,…

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đến thời điểm hiện tại Bình Dương đã ghi nhận 1.118 ca trong cộng đồng với 17 ổ dịch. Thời gian qua, tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Y tế và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phân tích, dự báo tình hình diễn biến dịch… Trên cơ sở đó, Bình Dương đã tăng cường năng lực cách ly, điều trị, xét nghiệm, chuẩn bị kế hoạch ứng phó tình huống 2.000 ca F0; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách địa bàn; đồng thời đẩy mạnh thành lập các Tổ Covid cộng đồng; Tổ an toàn Covid trong doanh nghiệp; tập trung thực hiện theo Chỉ thị 16 tại 5 đơn vị phía Nam, khu vực ít nguy cơ hơn thì thực hiện theo Chỉ thị 15…

Xác định nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn rất cao, Bình Dương kiến nghị hỗ trợ trang thiết bị, nhân lực, gỡ vướng về cơ chế mua sắm máy xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch.

Theo lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, từ ngày 27-5 tỉnh ghi nhận ca nhiễm đầu tiên đến 9-7 đã có tổng số 412 ca Covid-19 trong cộng đồng, đặc biệt từ ngày 29/6 đến nay ghi nhận 335 ca,… qua phân tích các yếu tố dịch tễ, tỉnh đã quyết liệt triển khai các phương án truy vết, khoanh vùng, khống chế các ổ dịch trong bệnh viện, khu/cụm công nghiệp.

Tỉnh đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 theo từng địa bàn, đảm bảo giao lưu hàng hóa bình thường, phối hợp với các địa phương, giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý chuyên gia, nhà quản lý, công nhân lao động tại tỉnh,…

Tuy nhiên, số lượng người hằng ngày đi qua địa bàn tỉnh rất lớn, Long An có tới hơn 36.000 người làm việc tại TPHCM. Số công nhân từ TPHCM làm việc tại tỉnh cũng trên 20.000 người,… Thời gian tới, tỉnh nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo, khuyến cáo của trung ương, phối hợp với các địa phương quản lý chặt người lao động qua lại.

Long An kiến nghị trung ương hỗ trợ y bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp dịch bệnh nghiêm trọng hơn. Tỉnh cũng đề nghị hỗ trợ, gỡ vướng trong việc mua sinh phẩm xét nghiệm nhanh…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng về cơ bản đã hình thành "vành đai chống dịch" xung quanh TPHCM. Các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm soát người ra, vào TPHCM, bảo đảm lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc.

Trong 15 ngày tới, các tỉnh cùng với TPHCM cố gắng tranh thủ thời gian, thực hiện quyết liệt các giải pháp đề ra để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm của dịch bệnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì vướng mắc thì kịp thời phản ánh để tháo gỡ ngay.

Phó Thủ tướng đề nghị đối với những khu vực đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải làm rất nghiêm, tuyệt đối tránh tình trạng ngoài chặt, trong lỏng. Khi đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các địa phương cần tập trung kiểm soát hoạt động của các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp theo hướng duy trì sản xuất nhưng phải tuyệt đối an toàn. Chính quyền địa phương vừa kiểm tra giám sát, vừa vận động người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Khoanh hẹp mà chặt, thì chống dịch vất vả, kinh tế đỡ thiệt hại. Khoanh rộng và chặt thì chống dịch đỡ vất vả nhưng ảnh hưởng đến kinh tế nhiều hơn. Song nếu khoanh mà không chặt thì thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó, các đồng chí đã khoanh là khoanh cho chặt. Sau khi đã khoanh vùng, phải điều chỉnh truy vết, xét nghiệm phù hợp…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công tác lấy mẫu, xét nghiệm cũng phải có sự điều chỉnh phù hợp ở những địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các tỉnh phải kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa việc triển khai xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR phù hợp với từng tình huống, điều kiện cụ thể của diễn biến dịch bệnh, kết hợp với điều tra dịch tễ có trọng tâm trọng điểm, hiệu quả.

Việc tổ chức lấy mẫu phải có trọng tâm, trọng điểm, đến tận thôn, xóm, khu phố, tổ dân thậm chí đến từng gia đình. Các địa phương cần có hệ thống nắm bắt, tiếp nhận thông tin sức khỏe của từng người dân, nhất là người già có bệnh nền, người có triệu chứng, cử lực lượng đến xét nghiệm tại nhà. Tuyệt đối không để tình trạng tập trung đông người khi lấy mẫu xét nghiệm hay điểm tiêm vaccine.

Thực hiện nghiêm nguyên tắc đảm bảo tốc độ lấy mẫu phải đồng bộ với tốc độ xét nghiệm. Lấy mẫu về phải trả kết quả xét nghiệm trong 24h, “không chạy theo phong trào”, không để tồn đọng mẫu.

Các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở điều trị theo mô hình 3 cấp, thiết lập các bệnh viện dã chiến trên cơ sở vật chất, hạ tầng sẵn có dành cho các trường hợp F0 mà không có triệu chứng, có cơ chế theo dõi những F0 có triệu chứng nặng lên thì chuyển ngay lên cơ sở điều trị có năng lực tốt hơn.

Các cơ sở cách ly tập trung phải bảo đảm chống lây nhiễm chéo nhất là biến chủng mới của virus có tốc độ lây lan rất mạnh. Trong tình huống có quá nhiều F1, các địa phương sẵn sàng phương án phân loại gia đình theo đối tượng, nơi ở phù hợp để tổ chức cách ly F1 tại nhà dưới sự giám sát của cơ quan y tế địa phương và tổ Covid cộng đồng, tránh cách ly quá nhiều F1 vào khu cách ly tập trung không bảo đảm điều kiện, để xảy ra lây nhiễm chéo.

Tạo "luồng xanh" đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm về TPHCM

Một trong những nội dung chính tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các nội dung liên quan đến việc giãn cách xã hội toàn Thành phố Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố tổ chức chiều tối 9-7 được quan tâm nhiều đó là vấn đề cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân thành phố trong thời gian tới.

Trao đổi về phương thức cung ứng hàng hóa cho người dân trong điều kiện nhiều chợ truyền thống đóng cửa, việc bán hàng mang đi bị tạm ngưng, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết hiện 151 chợ truyền thống trên địa bàn đã tạm ngưng hoạt động, chiếm hơn 50% số chợ của thành phố. Điều này ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa, đặc biệt với những người dân có thu nhập thấp, không có khả năng dự trữ mà phải mua thực phẩm sử dụng hằng ngày.

“Sở Công Thương đã hướng dẫn các quận huyện rà soát lại các chợ đóng cửa nhằm xem xét khắc phục các điều kiện để có thể sớm mở cửa lại chợ. Nếu chợ nào có nguy cơ phải báo sớm với sở để xem xét, nếu còn khả năng khắc phục thì khắc phục để không phải đóng. Nhờ chỉ đạo này, số lượng chợ phải đóng cửa giảm hẳn, thay vì trước đây có hàng chục chợ đóng cửa mỗi ngày", ông Phương cho biết.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã yêu cầu các quận huyện phải tổ chức lực lượng như Hội phụ nữ, đoàn thanh niên… tiếp nhận nguồn hàng các doanh nghiệp cung ứng để phân phối tới tận từng khu phố, từng hộ dân theo đúng yêu cầu.

Mặt khác, Sở Công Thương quy định trong trường hợp quận, huyện muốn đóng một chợ truyền thống thì phải tìm một mặt bằng phù hợp quanh đó để cơ quan này chỉ đạo các hệ thống phân phối tổ chức điểm bán hàng lưu động, hàng đồng giá phục vụ người dân.

Thông tin tại cuộc họp, đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết qua số liệu của hệ thống giám sát, ngày 9-7, lượng phương tiện tại các tuyến đường chính trên địa bàn đã giảm khoảng 15%. Xe chở hàng hóa ra vào các cảng cũng giảm 10% so với những ngày trước. Một số thời điểm, cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây ùn tắc khoảng 2km, nhiều xe phải quay đầu khiến giao thông ùn ứ. Nguyên nhân có thể do người dân chưa chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo quy định mới.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cơ quan này đã làm việc với các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ cùng các bộ, ngành về việc tạo điều kiện cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu của Thành phố.

Thời gian qua, một số phương tiện chở hàng hóa từ các tỉnh, thành miền Tây về TPHCM bị giữ lại tại các tỉnh do yêu cầu mới về giấy xét nghiệm. Để tháo gỡ khó khăn này, Sở đã báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế về các phương án như thay đổi thời hạn quy định đối với giấy xét nghiệm, tạo luồng vận chuyển thông thoáng hàng hóa về TPHCM.

"UBND TPHCM cũng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp hỗ trợ tạo 'luồng xanh' cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu. Hy vọng thời gian tới, phương án mới sẽ khiến hàng hóa chuyển về Thành phố thuận lợi, đáp ứng nhu cầu người dân trong thời gian giãn cách xã hội", đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố nói.

Tổng hợp từ Baochinhphu.vn, TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới