Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vào Myanmar: cần chuẩn bị kỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vào Myanmar: cần chuẩn bị kỹ

Hồng Phúc

Vào Myanmar: cần chuẩn bị kỹ
Myanmar là một thị trường có nhiều thuận lợi đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh: www.citypictures.org)

(TBKTSG Online) – Đang có những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Myanmar, song các doanh nghiệp có ý định đầu tư nên chuẩn bị kỹ trước khi bước chân vào thị trường này. Đó là lời khuyên của ông Vương Thành Long – Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar (AVIM).

TBKTSG Online: Thưa ông, các doanh nghiệp muốn xin cấp phép đầu tư vào Myanmar cần chuẩn bị gì?

– Ông Vương Thành Long: Để đầu tư vào Myanmar, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ trước tiên là kiến thức, hiểu biết chung về đầu tư nước ngoài: khả năng giao tiếp tiếng Anh, văn hóa và cách thức làm việc của người Myanmar, hiểu biết sâu về cách thức, trình tự chung về đầu tư ra nước ngoài (phải xin phép đầu tư tại Việt Nam, cách thức lập báo cáo khả thi dự án, v.v.).

Sau đó tiến hành nghiên cứu thị trường kỹ trong lĩnh vực quan tâm đầu tư, trên cơ sở đó, vạch được chiến lược đầu tư phù hợp: phải cử cán bộ có năng lực sang tìm hiểu thị trường, khung pháp lý và pháp luật liên quan, điều kiện thực địa của thị trường, đánh giá xu hướng, tiềm năng, lấy số liệu, lập nghiên cứu báo cáo tiền khả thi cụ thể. Nếu cần thuê luật sư hoặc các công ty tư vấn địa phương để tìm hiểu quy định luật pháp liên quan.

Công ty phải chuẩn bị đầy đủ về nhân lực (cán bộ có quyết tâm, có trình độ chuyên môn, trình độ kinh nghiệm quản lý, sẵn sàng bám địa bàn), đủ về năng lực tài chính (vốn tự có và định hình được vốn vay nếu cần), và có đủ kinh nghiệm, trình độ công nghệ trong lĩnh vực dự kiến đầu tư. Cần tiến hành tìm và lựa chọn đối tác phù hợp (về độ tin cậy, về năng lực tài chính, về kinh nghiệm, v.v.) nếu muốn thành lập công ty liên doanh.

Doanh nghiệp nên thông qua các kênh phù hợp (Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, phối hợp với AVIM) tiến hành tiếp xúc với các cơ quan quản lý nhà nước, đặt vấn đề xin đầu tư. Sau đó, tiến hành thủ tục xin phép đầu tư (lập bộ hồ sơ xin đầu tư tuân thủ đúng quy định của cơ quan quản lý đầu tư Myanmar), thường xuyên thực hiện bám sát tình hình, yêu cầu phản hồi của cơ quan quản lý đầu tư Myanmar về bộ hồ sơ đầu tư.

Đã có những bài học nào xảy ra mà ông cho rằng doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý?

– Myanmar là quốc gia có nhiều dân tộc theo đạo Phật, có chiều sâu văn hóa lâu đời nên về cơ bản luôn trung thực, khiêm tốn, điềm đạm, từ tốn, kiên nhẫn trong cuộc sống cũng như  chu đáo trong việc lập và thực hiện các kế hoạch. Tuy nhiên, cũng như ở bất cứ quốc gia nào, Myanmar cũng tồn tại những doanh nghiệp mang tính chất cò mồi, trục lợi.

Một số doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự hiểu được quy trình đầu tư nước ngoài, và chưa thực sự hiểu Myanmar cũng như những khó khăn đặc thù của quốc gia này (về thủ tục đầu tư rườm rà, về cơ sở hạ tầng thông tin yếu kém, v.v.) khi đầu tư. Quá vội vã sau khi thấy đất nước này nhiều tiềm năng, họ bỏ qua khâu lập kế hoạch đầu tư, nghiên cứu khả thi, kế hoạch kinh doanh và tài chính mà thực hiện đầu tư ngay theo kiểu ngẫu hứng, dẫn đến những rắc rối trong đầu tư cả về vốn lẫn thủ tục kéo dài.

Có doanh nghiệp lại chưa cẩn thận trong lựa chọn đối tác, nên dẫn đến những xung đột về cách nhận thức và giải quyết vấn đề nên dự án không tiến triển hoặc tiến triển chậm. Có doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực và vật lực cần thiết nên sau khi thực hiện tiến trình đầu tư thấy khó kham nổi đã bỏ giữa chừng. Có doanh nghiệp không tìm được đầu mối đề cập xin phép đầu tư (do chưa hiểu khung pháp lý, pháp luật liên quan) nên dù đã đi lại nhiều lần nhưng chưa đạt được kết quả cụ thể.

Không hiếm những doanh nhân sang Myanmar nhưng lại không có khả năng giao tiếp tiếng Anh, hoặc không hiểu văn hóa nước bạn mà hành xử kiểu “quán bia” như ở “quê mình”, rất không đẹp mắt.

Cụ thể, có những thuận lợi gì khi doanh nghiệp tiếp xúc, tìm hiểu thị trường này?

Thuận lợi khá nhiều. Myanmar trước đây là thuộc địa của Anh, đất nước bước đầu xây dựng được những cơ sở hạ tầng nhất định. Chính quyền và người dân sử dụng tiếng Anh phổ biến, nền tảng về pháp luật được xây dựng theo tinh thần của luật Anh nên các doanh nghiệp dễ tiếp cận.

Myanmar hiện đã trở thành một quốc gia dân chủ đa đảng (khoảng gần 40 đảng phái chính trị), hệ thống chính trị tam quyền phân lập theo chế độ tổng thống, lưỡng viện. Theo ông Soe Thein, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban đầu tư Myanmar, Myanmar hoan nghênh đầu tư của tất cả các nước vào Myanmar trên cơ sở hai bên cùng có lợi, tuân thủ luật pháp quốc gia và quốc tế. Như vậy, nhìn về tổng thể, Myanmar đón chào đầu tư nước ngoài mang tính chất bình đẳng, không thiên vị.

Riêng với Việt Nam, do hai nước có những bước thắt chặt quan hệ trong thời gian trước thời gian Myanmar tổ chức tổng tuyển cử và chuyển giao chính phủ dân sự, nên hai nước cũng có những ưu đãi riêng nhất định cho nhau. Chính phủ hai nước đã ký tuyên bố chung về thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước trong 12 lĩnh vực (tham khảo tại các trang web với keyword “Vietnam Myanmar Joint Statement”). Với những lĩnh vực nêu trong tuyên bố chung này, hoặc những thỏa thuận riêng biệt trong các cuộc gặp của lãnh đạo các cấp hai nước, Myanmar xem xét quyền ưu tiên cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư Việt Nam trước các nhà đầu tư nước ngoài  khác (ưu tiên về thứ tự cấp phép) trong một số lĩnh vực trên cơ sở các điều kiện khác bình đẳng.

Về kinh tế, Myanmar là quốc gia có tài nguyên phong phú, có thể coi là mảnh đất vàng cuối cùng chưa bị khai thác của châu Á. Sau khi chuyển thành công sang chính quyền dân sự, đầu tư trực tiếp nước ngoài hứa hẹn sẽ tăng mạnh, tiềm năng tăng trưởng kinh tế nhanh, như đã từng chứng kiến tại Việt Nam những năm 90.

Myanmar còn có dân số khoảng hơn 60 triệu người, lực lượng lao động trẻ, chi phí lao động hiện khá thấp (lương người lao động thông thường chỉ khoảng 70-120 đô la Mỹ/tháng). Người dân Myanma cơ bản chăm chỉ và có tinh thần trách nhiệm với công việc.

Bên cạnh đó, Chính phủ Myanmar đã đề ra nhiều chủ trương nhằm khuyến khích thương mại và hỗ trợ đầu tư. Một số luật như Luật Đầu tư nước ngoài với các sửa đổi liên quan đến vấn đề thuê đất và sử dụng ngoại tệ, Luật Đặc khu kinh tế, v.v đã mở ra những cánh cổng đối với đầu tư nước ngoài tại Myanmar.

Về mặt thị trường, Myanmar là một thị trường có nhiều thuận lợi đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường Myanmar không đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng sản phẩm tương đương với hàng từ Nhật, Mỹ, nên hàng hoá của Việt Nam có khả năng sẽ thâm nhập tốt và mở rộng được tại Myanmar. Qua các đợt triển lãm và hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar năm 2009, 2010 và 2011, hàng của Việt Nam đưa sang đều được người tiêu dùng Myanmar đón nhận rất tích cực.

Mối quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Myanmar đã được các thế hệ lãnh đạo hai nước xây dựng, có tính truyền thống, tin cậy. Myanmar đã ký với Việt Nam nhiều thỏa thuận và bản ghi nhớ (MOU) quan trọng trong các lĩnh vực hợp tác nông, lâm, ngư nghiệp, đầu tư, thương mại, ngân hàng-tài chính, v.v, là căn cứ pháp lý để hai nước xác lập và xúc tiến các hoạt động hợp tác kinh tế. Chúng ta đã có đường bay thẳng Hà Nội – Yangon và TPHCM – Yangon. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đã mở văn phòng đại diện tại Yangon, xây dựng các kênh hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại giữa hai nước.

Những điểm còn khó khăn của thị trường?

– Một số khó khăn cần lưu ý, cơ sở hạ tầng và thông tin hạn chế, mức sống của người dân còn thấp nên sức tiêu dùng thấp. Myanmar hiện vẫn là một trong những nước mới phát triển trong khối ASEAN. GDP bình quân đầu người chỉ đạt 442 đô la Mỹ/năm (Nguồn: Niên giám thống kê Myanmar năm 2008). Cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được cho yêu cầu phát triển kinh tế (hệ thống đường giao thông kém phát triển, hàng không nội địa, điện, viễn thông, internet kém, v.v.).

Sự khác biệt về văn hóa làm việc có thể xảy ra. Thực tế, thương nhân Myanmar làm việc bài bản, có kế hoạch, chắc nhưng rất chậm. Trong giới thương nhân có cả những người được đào tạo tại các nước phát triển, cách làm việc rất hiện đại, song lại có những người chỉ quen theo cách làm cũ, không chấp nhận cái mới. Về phía doanh nhân Việt Nam, đa phần rất năng động, linh hoạt, nhưng lại rất kém trong việc lập và tuân thủ kế hoạch đã đặt ra, bám sát mục tiêu thống nhất, thường làm việc kiểu ngẫu hứng. Vì sự khác biệt văn hóa kinh doanh này, đôi khi hai bên còn chưa tìm được tiếng nói chung, thiếu thông cảm cho nhau, dẫn đến những đổ vỡ chủ yếu do không thực sự hiểu được nhau.

Tại Myanmar, do quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường diễn ra quá lâu, bị trói buộc bởi cơ chế quản lý hành chính tập trung, quan liêu, hành chính, v.v., nên tính minh bạch chưa cao, thủ tục hành chính nhiều và mất thời gian do quản lý chồng chéo. Chính phủ Myanmar vẫn còn bao cấp giá đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nhà ở cho công chức, điện, nước sinh hoạt, cước phí điện thoại, giá xăng dầu, cước phí vận tải công cộng, v.v. Tồn tại cơ chế hai giá đối với một số mặt hàng (điện, điện thoại, nước sinh hoạt, khách sạn, giá thuê nhà, vận tải…) phân biệt đối xử giữa người cư trú và người không cư trú với sự chênh lệch cao.

Một số chính sách về đầu tư nước ngoài của Myanmar chưa ổn định, minh bạch, dẫn đến thủ tục rườm rà, không thông thoáng và có thể tiềm ẩn nhiều tiêu cực, các doanh nghiệp Chính phủ vẫn giữ độc quyền trên nhiều lĩnh vực. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào kinh tế còn thấp. Hiện các điều luật liên quan đến phát triển kinh tế vẫn chưa được kiện toàn, thậm chí vẫn áp dụng các luật đã được ban hành từ rất lâu, trở nên lạc hậu. Những quy định còn thiếu rõ ràng, thiếu tính hệ thống và chồng chéo dẫn tới những phức tạp trong thủ tục, gây phiền nhiễu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, vấn đề giấy phép con trong thương mại quốc tế là vấn đề rất nhức nhối cản trở sự phát triển thương mại quốc tế của Myanmar, vừa buộc các công ty phải áp dụng hai hệ thống sổ sách, vừa gây thất thoát cho Chính phủ trong việc thu thuế, và nguồn thu ngoại hối.

Hệ thống ngân hàng và thanh toán tại Myanmar rất kém phát triển. Ở đây chưa có thị trường liên ngân hàng, chưa xây dựng được hệ thống bù trừ điện tử thanh toán giữa các ngân hàng nội địa. Thị trường ngoại hối gần như không có, người dân rất mất niềm tin vào ngân hàng, sử dụng chủ yếu tiền mặt. Hiện tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các ngân hàng thương mại Chính phủ và các ngân hàng tư nhân: chỉ có 3 ngân hàng thương mại Chính phủ được thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế. Nhiều ngân hàng tư nhân chỉ tồn tại dưới hình thức ngân hàng chuyên biệt (hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định).

Có thể nhận thấy, chính hệ thống ngân hàng chưa phát triển đã khiến nền kinh tế thiếu nguồn vốn trầm trọng cho sự cất cánh. Hiện tượng hai tỷ giá (với khoảng cách hàng trăm lần khác biệt) dẫn đến việc khó khăn trong hạch toán kế toán, làm nảy sinh tình trạng “hai sổ” trong tài chính doanh nghiệp. Từ tháng 9-2011, Chính phủ Myanmar đã cho phép các ngân hàng tư nhân và quốc doanh mở các điểm giao dịch ngoại tệ theo giá thị trường tự do và cho phép các doanh nghiệp được tự chủ trong việc trao đổi ngoại tệ thanh toán.

Myanmar hiện vẫn duy trì chế độ visa đối với công dân các nước trong khu vực ASEAN. Và thương mại nội địa không cấp cho các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa được thực hiện dịch vụ bán lẻ. Dù không quy định trong luật, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không được cấp giấy phép hoạt động thương mại tại thị trường nội địa.

Các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này sẽ phải cạnh tranh với doanh nghiệp của các nước khác và đang tham gia thị trường Myanmar, nhất là Trung Quốc, trong khi khả năng về vốn, công nghệ của một số doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.

Hiện có khoảng 20 công ty/dự án của Việt Nam đang quan tâm và xúc tiến đầu tư vào thị trường Myanmar. Hầu hết các công ty này đều trong giai đoạn thăm dò, tìm hiểu thị trường. Song, có thể kể đến Tập đoàn dầu khí Việt Nam được cấp giấy phép đầu tư (giai đoạn thăm dò, khảo sát); Hoàng Anh Gia Lai Land, Công ty ASV Holdings/Dược phẩm Sài gòn được cấp giấy phép đầu tư về nguyên tắc; Viettel, BIDV, Hàng không Việt Nam được cấp giấy phép văn phòng đại diện để chuẩn bị và chờ thời cơ đầu tư. Một số các công ty khác đang trong quá trình xin cấp phép tại Myanmar như Viettranimex (nông nghiệp), Simco Song Da, v.v.

Ngoài các công ty đã và đang chờ đầu tư nêu trên, có thể kể đến các doanh nghiệp lớn khác như Công ty CP Động lực, Vinaxuki, Viglacera, Tập đoàn cao su Việt Nam, Vinacafe… và nhiều các doanh nghiệp nhỏ hơn tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong sản xuất hàng tiêu dùng, sắt thép, vật liệu xây dựng, thực phẩm.

Những đầu mối thông tin hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vào Myanmar:

+ Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar (bao gồm tham tán thương mại, tùy viên quốc phòng)
Số 70-72 Than Lwin Road, Bahan Township, Yangon, Myanmar.
Đại sứ: ông Chu Công Phùng.
Tham tán: ông Trần Phước Anh.
Tel: 0095-1-511305.

+ Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar (AVIM).
Tại Việt Nam: Văn phòng AVIM tại Tháp A, Vincom, số 191 Bà triệu, Hà Nội.
Tại Myanmar: Số 629-631, Pyay Road, Kamayut Township, Yangon, Myanmar.
Trưởng Văn phòng: ông Vương Thành Long
Tel: 0095-1-534439/505400, email: vtlong@bidv.com.vn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới