Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vào vạch xuất phát “cuộc đua 3G”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vào vạch xuất phát “cuộc đua 3G”

MobiFone hiện là một trong những ứng viên sáng giá nhất của đợt cấp giấy phép 3G lần này.

(TBVTSG) – Dự kiến đến tháng 5-2008, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ mở cuộc thi để cấp giấy phép mạng 3G cho các nhà khai thác viễn thông Việt Nam.

Sẽ có bốn doanh nghiệp được cấp giấy phép triển khai công nghệ mới này. Và các doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị cho chuyến “vượt vũ môn” sắp đến…

Cuối tháng Ba vừa qua, Bộ Thông tin-Truyền thông đã phát hồ sơ thi tuyển để các doanh nghiệp có thời gian hai tháng hoàn thiện hồ sơ. Tháng Năm, bộ sẽ “chấm điểm” và dự kiến đến tháng Tám sẽ cấp giấy phép 3G cho những nhà khai thác đạt yêu cầu.

“Chiếu trên”

Theo đánh giá của giới chuyên môn và xét theo năng lực của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, thì MobiFone, Viettel và VinaPhone là những ứng viên sáng giá nhất của đợt cấp giấy phép 3G lần này. Nói một cách khác, ba nhà khai thác này được xếp vào “chiếu trên”.

Với 15 năm hoạt động và cũng là nhà khai thác mạng di động đầu tiên ở Việt Nam, MobiFone tự tin vào khả năng giành được giấy phép 3G đầu tiên. Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone, cho biết : “Chúng tôi đã hoàn tất về mặt đội ngũ nhân lực, tài chính, dịch vụ và phương án kinh doanh để tham gia cuộc thi tuyển 3G.” Ông Minh khẳng định, MobiFone sẽ quyết tâm “làm bài” ở mức cao nhất để có được giấy phép này.

Xét theo nhiều yếu tố khác nhau, Viettel xứng đáng được xếp ở vị trí ứng viên số hai. Dù ra đời sau MobiFone và VinaPhone nhưng Viettel có thế mạnh là có vùng phủ sóng rộng nhất so với các mạng di động hiện nay. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, cho biết khi các nhà khai thác mạng 2G bị quá tải về tần số, việc có giấy phép 3G là cơ hội phân tải tần số chống nghẽn.

3G (Third Generation Mobile Technology) là công nghệ di động thế hệ thứ ba có tốc độ băng thông lên tới 2,4Mbps. Công nghệ này cho phép truyền thoại và dữ liệu các dịch vụ phi thoại như tải dữ liệu, gửi e-mail, tin nhắn nhanh, hình ảnh… 3G có nhiều điểm nổi trội so với công nghệ di động hiện hành tại Việt Nam là GSM và CDMA

Nếu có giấy phép 3G, các mạng sử dụng công nghệ GSM hiện nay sẽ cung cấp thêm dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao, nhờ đó năng lực cạnh tranh sẽ đa dạng hơn. “Nếu các nhà khai thác Việt Nam tiến lên công nghệ 3G, họ sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Nếu được cấp giấy phép, Viettel cam kết rằng chỉ trong một thời gian ngắn sẽ tiến lên 3G,” ông Hùng nói.

Tuy không mạnh như MobiFone và Viettel, nhưng trong những nhà khai thác dịch vụ viễn thông di động hiện nay, VinaPhone vẫn là “ứng viên sáng giá” vì họ đang chiếm giữ vị trí thứ ba trên thị trường thông tin di động cả về số lượng thuê bao lẫn vùng phủ sóng. Ông Hoàng Trung Hải, Giám đốc VinaPhone nói : “Chúng tôi quyết tâm có được giấy phép 3G. Với nhu cầu sử dụng cũng như yêu cầu phát triển về công nghệ, 3G là giải pháp tích cực để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiều dịch vụ và cũng là giải pháp để bảo đảm chất lượng dịch vụ cho khách hàng.”

Trong bốn nhà khai thác viễn thông còn lại, S-Fone có nhiều ưu thế hơn. Hiện nay, số lượng thuê bao của họ nhiều hơn, hạ tầng mạng cũng mạnh hơn. Đặc biệt, S-Fone đã sử dụng một chuẩn của công nghệ 3G là CDMA 2000-1x EVDO.

Một chuyên gia về công nghệ 3G cho rằng, nếu có được giấy phép 3G, S-Fone sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn các nhà khai thác khác về công nghệ lẫn khả năng khai thác các ứng dụng trên hạ tầng mạng băng thông rộng vì công nghệ EVDO là một chuẩn của công nghệ 3G. “Chúng tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng S-Fone đáp ứng được những yêu cầu của Bộ Thông tin-Truyền thông về kinh nghiệm, nguồn vốn cũng như cách khai thác các dịch vụ trên nền công nghệ 3G,” ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc S-Fone, cho biết.

“Chiếu dưới”

Có thể xem MobiFone, Viettel và VinaPhone đã gần như “chắc suất”. Ẩn số có lẽ là S-Fone. Dù có nhiều ưu thế hơn so với những nhà khai thác còn lại nhưng nếu không chứng minh được thế mạnh của mình về kinh nghiệm hoạt động trên mạng 3G bằng những dịch vụ giá trị gia tăng, thì có khả năng S-Fone phải “nhường” tờ giấy phép thứ tư cho EVN Telecom hoặc HT Mobile hoặc “tân binh” GTel.

Nếu xét ở góc độ ưu tiên “vùng sâu vùng xa”, có lẽ EVN Telecom có nhiều thuận lợi hơn. Đến nay, sau VinaPhone, EVN Telecom là nhà cung cấp mạng chịu đi về vùng sâu, vùng nông thôn. Tưởng chừng như vậy sẽ là khó cho nhà cung cấp này nhưng theo một vị lãnh đạo của EVN Telecom, chỉ số ARBU (thu nhập tính trên khách thuê bao/tháng) của họ bình quân là 10 đô-la Mỹ/tháng/khách thuê bao.

Nhưng hiện nay, do tần số 450 MHz mà EVN Telecom được cấp rất hẹp, sự hạn chế trong việc phát triển số lượng thuê bao vì băng tần bị can nhiễu nặng đã gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Chính vì yếu tố này mà ông Ngyễn Mạnh Bằng, Giám đốc EVN Telecom, cho rằng một giấy phép 3G chính là cơ hội để EVN Telecom giải quyết được những khó khăn của mạng chạy trên băng tần 450 MHz.

Dù đang trong quá trình chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang eGSM nhưng theo ông Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hanoi Telecom, HT Mobile vẫn rất quan tâm đến việc thi tuyển để lấy giấy phép 3G. Không biết nhà cung cấp này sẽ tính như thế nào nếu như họ có được giấy phép 3G trong khi giấy phép mạng 2G vẫn chưa có cơ hội triển khai.

Còn GTel, dù chưa có trạm phát sóng nào nhưng vẫn có khả năng nhận được giấy phép 3G nếu họ quyết tâm cũng như hào hứng thuyết minh rằng sẽ theo mạng 3G khi dựng trạm BTS đầu tiên. Lúc đó, sẽ thuận lợi cho họ hơn vì mọi việc với mạng mới sẽ được xây dựng đồng bộ từ số thuê bao đầu tiên. Tất nhiên, để thực hiện được điều này, quá trình đàm phán cũng không phải dễ dàng khi đối tác cũng là nhà khai thác mạng GSM. Chỉ ngại rằng, GTel sẽ đi tiếp con đường từ 2G sau đó mới chuyển lên 3G! Bài toán này chưa được các chuyên gia về viễn thông đồng thuận vì mỗi người đều có lý lẽ riêng của mình. Hướng đi thẳng lên 3G có ưu điểm lẫn nhược điểm. Và hướng đi từ 2G lên 3G cũng như vậy!

Chưa biết hiệu quả thực tế của việc triển khai mạng 3G như thế nào nhưng về mặt lý thuyết, giấy phép 3G như là “lá bùa” để các nhà khai thác mạng di động Việt Nam có nhiều cơ hội hơn, nhất là trong việc mời gọi sự hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài. Còn trước mắt, giấy phép 3G sẽ có tác dụng hỗ trợ tích cực cho hoạt động tiếp thị, quảng bá.

LÂM NHƯ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới