Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vào vụ nhưng vẫn thiếu tôm xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vào vụ nhưng vẫn thiếu tôm xuất khẩu

T.Hằng

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh : TL

(TBKTSG Online) – Theo một số doanh nghiệp thủy sản, giá tôm xuất khẩu trong quí 3 tiếp tục ở mức cao và các tỉnh ĐBSCL đã vào vụ thu hoạch tôm công nghiệp, nhưng việc kinh doanh xuất khẩu vẫn không hiệu quả vì thiếu nguyên liệu.

Theo ông Lý Phước An, Giám đốc doanh nghiệp Phú Cường Jostoco, Cà Mau, hiện nay ở các tỉnh ĐBSCL đã vào vụ thu hoạch tôm công nghiệp, tuy nhiên tôm cỡ lớn để xuất khẩu đi Mỹ vẫn không nhiều mặc dù đơn hàng cho loại này kể từ sau sự cố tràn dầu ở vịnh Mehico, Mỹ tăng rõ rệt. Nhà máy chế biến của doanh nghiệp hoạt động chỉ khoảng từ 50 – 60% công suất.

Tình hình thiếu nguyên liệu có phần do việc tôm nuôi ở Sóc Trăng hồi đầu tháng 7 đã bị chết hàng loạt, trong khi đây là tỉnh cung cấp lượng tôm nguyên liệu chính cho các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ.

“Vì thiếu tôm sú cỡ lớn, trong khi đây là mặt hàng tiêu thụ chính ở Mỹ, nên các doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng cách đẩy giá lên cao mới có tạm đủ nguồn cung để giữ chân khách hàng trong khi chờ các đợt thu hoạch tôm quảng canh tới. Thực tế này đã làm cho việc kinh doanh thiếu hiệu quả”, ông An nói.

Giá tôm thương phẩm ở ĐBSCL vẫn đang đứng ở mức khá cao, loại 20 con/kg giá 180.000 đồng/kg, 30 con/kg 140.000 đồng/kg. Đối với tôm xuất khẩu, giá xuất khẩu trung bình tôm Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng từ 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù giá tôm xuất khẩu tăng mạnh, chỉ những doanh nghiệp tự túc được nguồn nguyên liệu, nói cách khác là tự túc được chuỗi nuôi trồng, sản xuất, là đạt được lợi nhuận cao, trong khi phần lớn doanh nghiệp hiện nay vẫn chỉ thu mua lại từ nguồn tôm nuôi trong dân.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), dự báo trong các tháng còn lại, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung cấp từ vịnh Mexico vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn từ sau vụ tràn dầu hồi tháng 4. Thị trường Nhật Bản với các loại tôm cỡ nhỏ hơn sẽ tiếp tục được doanh nghiệp quan tâm, khi giữ mức tăng trưởng ổn định về giá lẫn số lượng nhập khẩu. Thị trường Mỹ và Nhật Bản hiện chiếm tổng cộng gần 50% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng tôm trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 717 triệu đô la Mỹ, chiếm trên 35% giá trị xuất khẩu của toàn ngành và tăng 22% so với cùng kỳ.

Công ty Minh Phú, một trong cách doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam vừa công bố tình hình xuất khẩu 7 tháng đầu năm với số lượng gần 10.000 tấn tôm, giá trị trên 102 triệu đô la Mỹ, tăng gần 37% về lượng và 36,5% về giá trị so với cùng kỳ. Trong tháng 7 năm 2010, Minh Phú xuất được lượng tôm thu về trên 23 triệu đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới