Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VASEP: Hầu hết sản phẩm thủy sản đều qua quy trình chế biến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VASEP: Hầu hết sản phẩm thủy sản đều qua quy trình chế biến

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Vụ việc các sản phẩm thủy sản qua “chế biến” bị xem là “sơ chế” trong thời gian vừa qua đã khiến doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp gấp đôi. Liên quan việc này, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, hầu hết sản phẩm thủy sản đều qua quy trình chế biến.

Thuế thu nhập doanh nghiệp tăng gấp đôi vì sản phẩm chế biến bị xem ‘sơ chế’

VASEP: Hầu hết sản phẩm thủy sản đều qua quy trình chế biến
Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin được VASEP công bố vào hôm nay, 31-8, cho thấy, đơn vị này vừa có phản hồi với Tổng cục thuế thuộc Bộ Tài chính về giải quyết các vướng mắc trong chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chế biến thủy sản.

Theo đó, đơn vị này khẳng định, hầu hết các sản phẩm thủy sản đều phải qua quy trình chế biến, chứ không phải là sản phẩm “sơ chế” như Tổng cục thuế đưa ra trước đó để áp thuế thu nhập doanh nghiệp cao gấp đôi so với sản phẩm "chế biến".

Minh chứng được VASEP dẫn ra để khẳng định, chẳng hạn, đối với quy trình chế biến tôm tươi đông block, thì sau khi tiếp nhận tôm nguyên liệu, sẽ thực hiện rửa nguyên liệu, lặt đầu, rửa, phân cỡ, lột vỏ và rửa, xử lý phụ gia – gia vị (nếu có), cân – xếp khuôn, chờ đông, cấp đông, tách khuôn – mạ băng – vô túi PE, dò kim loại, bao gói, bảo quản và xuất hàng.

Trong khi đó, đối với quy trình chế biến tôm tươi hấp chín, thì sau khi tiếp nhận tôm nguyên liệu, sẽ qua công đoạn rửa, sơ chế, rửa, phân cỡ, ngâm muối, hấp chín, làm lạnh, lột vỏ, xé mở, đo chiều dài, rửa, xếp khay, cấp đông, bao gói – hút chân không, dò kim loại, đóng thùng và bảo quản.

Tương tự, đối với mặt hàng cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể hai mảnh vỏ (nghêu, sò), nhuyễn thể chân đầu (mực bạch tuộc) và các loại thủy hải sản khác theo VASEP đều phải qua quy trình chế biến, chứ không phải là sản phẩm sơ chế.

Trước đó, trao đổi với TBKTSG Online, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đề nghị không nêu tên cho rằng, theo quy định hiện nay, đối với sản phẩm chế biến, doanh nghiệp chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10-15%, trong khi hàng sơ chế bị áp loại thuế này đến 20%.

Theo vị này, có không ít sản phẩm của doanh nghiệp dù đã qua chế biến, tức đã trở thành sản phẩm chế biến, nhưng quy định vẫn bị xếp vào loại sản phẩm sơ chế. “Chính vì vậy, doanh nghiệp bị áp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn”, vị này cho biết.

Còn thông tin từ VASEP cho rằng, đơn vị này đã nhận được nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp thủy sản hội viên về việc họ gặp vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành chế biến thủy sản liên quan đến quy định và việc thực thi Thông 26/2015/TT-BCT ngày 27-2-2015 và Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22-6-2015 của Bộ Tài chính.

Theo đó, VASEP cho biết, đa số mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu bị áp dụng sang là hàng sơ chế khiến doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, với hàng sơ chế, doanh nghiệp thủy sản đang bị áp mức thế thu nhập doanh nghiệp là 20%, trong khi các mặt hàng đã qua chế biến được phép áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10-15%.

Liên quan vấn đề nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có ý kiến với Bộ Tài chính về xử lý vướng mắc trong việc áp thuế đối với sản phẩm thủy sản chế biến và sơ chế.

VASEP cho biết, các văn bản hướng dẫn của ngành thuế vẫn “chưa có cơ sở” thế nào là sản phẩm sơ chế, thế nào là sản phẩm chế biến; chưa giải thích được sản phẩm như thế nào sẽ được coi là “sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào”.

VASEP cho rằng, việc áp mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho hàng thủy sản là sơ chế với mức 20%, trong khi các mặt hàng đầu ra của các doanh nghiệp đa số là các sản phẩm đã qua chế biến.

Cơ sở để VASEP khẳng định không phù hợp với thực tiễn, đó là hoạt động chế biến của các doanh nghiệp thủy sản gồm ba dạng: chế biến từ sản phẩm tươi sống để xuất khẩu; chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín và chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị, phụ liệu để cho ra hàng giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, khi quyết toán thuế hoặc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp chế biến thủy sản, các sản phẩm của cả ba dạng chế biến trên đều không được các cơ quan ngành thuế công nhận là sản phẩm “chế biến” mà chỉ là ‘sơ chế”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới