(KTSG Online) – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và ngành tôm Việt Nam đã có thông tin phản đối về báo cáo gần đây của Sustainability Incubator về tình trạng lạm dụng lao động trong ngành tôm. VASEP cho rằng, những cáo buộc của báo cáo này là vô căn cứ, gây hiểu lầm và gây tổn hại đến danh tiếng của ngành tôm Việt Nam.
- Mô hình nuôi tôm xen canh trồng lúa tại Cà Mau đạt chuẩn quốc tế
- Mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ đô la tôm năm 2025 đang khó về đích
Mới đây, VASEP phát đi thông cáo báo chí nhằm phản đối trước những thông tin được đăng tải từ Sustainability Incubator với cáo buộc Việt Nam đã lạm dụng lao động trong ngành nuôi tôm.
Theo VASEP, các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội là những nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản đáng tin cậy, chiếm 80-84% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các công ty thành viên VASEP hoạt động theo luật pháp và quy định quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Đó là lý do tại sao các sản phẩm thủy sản của Việt Nam có số lượng thị trường nhập khẩu ngày càng tăng trong những năm qua.
Đối với mặt hàng tôm, hàng năm ngành này đóng góp khoảng 40-45% giá trị của toàn ngành thuỷ sản, tương đương 3,5-4 tỉ đô la Mỹ. Hiện nay, tôm được xuất khẩu từ Việt Nam sang 100 thị trường khác nhau, trong đó, 5 thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện Việt Nam là một trong 4 nước xuất khẩu khẩu tôm lớn nhất thế giới khi chiếm 10-13% giá trị thị trường tôm thế giới.
“Để có thể xuất khẩu đến các thị trường, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện tiêu chuẩn lao động và điều kiện làm việc trong mọi ngành, bao gồm cả sản xuất tôm. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các luật và quy định lao động, thiết lập các cơ chế thực thi hiệu quả và thúc đẩy các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có trách nhiệm”, một đoạn trong thông cáo báo chí nêu rõ.
Trao đổi với KTSG Online chiều ngày 3-9 về vấn đề này, một thành viên của VASEP (dấu tên) cho rằng, báo cáo của Sustainability Incubator trích dẫn thông tin trong một nghiên cứu về lao động trẻ em năm 2018 giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Con số nêu trong báo cáo này là nói đến trẻ em lao động tự do, phụ giúp gia đình. Đó là chuyện bình thường tất cả con nhà nghèo ở Việt Nam chứ không phải là vấn đề lao động trẻ em ở trong chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu. Vì thế, những cáo buộc này không có cơ sở thuyết phục và đã không phản ánh được sự tiến bộ của Việt Nam trong việc chăm lo trẻ em từ đó đến nay.
VASEP cũng cho biết, ngành tôm Việt Nam là động lực kinh tế chính, mang lại sinh kế cho hàng triệu người, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Ngành này đã trải qua quá trình hiện đại hóa đáng kể và cam kết đảm bảo các hoạt động có đạo đức và bền vững. Cho đến nay, có hơn 200 nhà máy chế biến tôm được Ủy ban châu Âu chấp thuận với các cuộc thanh tra định kỳ tại địa điểm này ở Việt Nam.
Theo VASEP, bằng chứng đáng tin cậy nhất cho thấy nuôi tôm vừa an toàn vừa bền vững có thể được tìm thấy thông qua sự tồn tại của số lượng ngày càng tăng các chương trình chứng nhận do các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế đưa ra về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất (BAP), chứng nhận Global Gap, hay chứng nhận ASC của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản….
Để đạt được các chứng nhận này, các trang trại phải được xây dựng và vận hành dựa trên các tiêu chí như trách nhiệm xã hội (bằng việc không sử dụng lao động trẻ em, sức khỏe và sự an toàn của người lao động, tự do hội họp, quan hệ cộng đồng); Tuân thủ pháp luật (tuân thủ pháp luật, đúng pháp luật); Bảo tồn môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học…
Về vấn đề lao động, theo VASEP, hiện giờ làm việc của người lao động tại các công ty tôm Việt Nam được áp dụng theo Bộ luật Lao động năm 2012, Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10-5-2013 của Chính phủ.
Với trách nhiệm và kinh nghiệm của một tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP khẳng định ngành tôm Việt Nam có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển theo hướng bền vững hơn, tuân thủ mọi luật pháp, quy định quốc gia và quốc tế về điều kiện lao động, trách nhiệm xã hội và an toàn thực phẩm.
“Với những thông tin trên, VASEP một lần nữa khẳng định những thông tin, phát hiện trong báo cáo của tổ chức Sustainability Incubator về ngành tôm Việt Nam là không đúng sự thật, không có căn cứ và không khách quan”, một đoạn trong thông cáo báo chí của VASEP nêu rõ.
Báo cáo của Sustainability Incubator liên quan đến ngành tôm Việt Nam dài 36 trang. Nội dung theo Sustainability Incubator, đó là một nghiên cứu thực địa về ngành tôm Việt Nam, được thực hiện từ tháng 7-2023 đến tháng 5-2024 do ba nhóm nghiên cứu độc lập tại Việt Nam thực hiện. Những nhóm nghiên cứu này được Sustainability Incubator ẩn danh trong phần tác giả. Báo cáo được hoàn thành bởi một thành viên khác thuộc Sustainability Incubator.