Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vật lộn với cơn bão giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vật lộn với cơn bão giá

Nhiều công nhân không thể xoay sở với đồng lương eo hẹp trước tình hình giá cả hiện nay và phải bỏ việc về quê -Ảnh minh họa: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online)- Vật giá leo thang đang gia tăng áp lực lên đời sống của những người dân có thu nhập thấp. Giá các mặt hàng gần như tăng gấp đôi, nên mỗi sự mua sắm, tiêu dùng đều phải được cân nhắc, tính toán cẩn thận.

Gắp cầm chừng

Bà Nguyễn Thị Hà, tiểu thương chợ Tân Bình, TPHCM, trước đây mỗi ngày dành 40.000 đồng tiền đi chợ, lo cơm nước cho cả nhà 4 miệng ăn. Giờ thì số tiền ấy không còn đủ nữa, trung bình bà phải mất từ 60.000 đến 70.000 đồng cho bữa ăn mỗi ngày.

Bà Hà so sánh: “Một nải chuối cúng ông Địa lúc trước chừng 3.500 đến 4.000 đồng, giờ phải đến 7.000 đồng mới mua được. Mới hôm qua thôi, tui mua chai dầu ăn Nevada phải hết 26.000 đồng trong khi mọi lần chỉ có 18.000 đồng”.

Giá cả nhảy vọt buộc bà Hà phải cân đối lại bữa ăn: Thịt cá giảm một nửa, trái cây thỉnh thoảng mới mua, và nhất là không tiêu vặt. Gần đây gia đình bà không còn có nhiều dịp thưởng thức những bữa ăn “xa xỉ” như bánh canh, bún riêu, súp cua mà trước đây bà hay trổ tài đãi cả nhà khi có thời gian rảnh. Thậm chí, trong bữa ăn ngày thường, mọi người cũng phải gắp cầm chừng!

Không chỉ tiết kiệm trong bữa ăn, bà Hà còn thắt lưng buộc bụng trong nhiều chi tiêu khác. Trước đây, để giặt một thau đồ, bà thường ngâm một nước xà phòng trước rồi đổ đi, pha nước khác mới giặt. Giờ bà chỉ dùng một nước xà phòng, đã vậy còn nhẹ tay khi xài.

Trước đây – Bây giờ

Những ngày này, đi đến đâu cũng dễ dàng nghe thấy cụm từ “trước đây – bây giờ”. Nhất là các bà, các chị nội trợ, dường như ai cũng có sẵn một biểu giá các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm ngày trước và bây giờ để thường xuyên đem ra so sánh, cân nhắc.

Để cân đối bữa ăn của gia đình với 6 miệng ăn, trung bình từ 50.000 đến 100.000 đồng/ngày, chị Thanh Nga, nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM, luôn phải so sánh giá món này với món kia, giá ở siêu thị với ở chợ…

“Chai dầu ăn ở siêu thị giá mắc hơn ở ngoài chợ thì mình mua ở chợ, thịt ngoài chợ và trong siêu thị bằng giá nhưng thịt trong siêu thị sạch sẽ hơn thì mình mua ở siêu thị… Nói chung là mình phải so sánh, cân nhắc mọi lúc, mọi nơi”, chị tâm sự.

Không chỉ có vậy, chị Nga còn phải thay đổi món ăn cho đỡ tốn kém. Như trước đây, bữa ăn có nửa ký thịt thì giờ chị chỉ dám mua chừng 2 lạng, rồi thêm vào đó ít tép khô kho cho đủ ăn. Tuy không ngon bằng trước nhưng đối với gia đình chị, có ăn như vậy mới cầm cự được qua mỗi tháng.

Chồng chị tàn tật, con còn nhỏ, lại nuôi thêm 2 người em không có khả năng lao động. Cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.

Năm trước, gia đình chị Thanh Nga còn có của ăn của để, năm nay tháng nào cũng phải loay hoay, tiết kiệm từng li từng tí.

Vừa trò chuyện chị Nga vừa chỉ đôi dép lê đã mòn vẹt. Chị nói không dám mua dép mới vì nghĩ còn có thể dùng được, hơn nữa, như vậy có thể tiết kiệm được một khoản, dù là nhỏ, để bù cho khoản khác. “Chừng nào nó đứt hẳn rồi tính”, chị cười mà như mếu.

Lương ì ạch đuổi theo giá

Điều đáng nói là lương lại không “leo thang” tương xứng. Lanh, nhân viên một công ty truyền thông, cho rằng phải chấp nhận chuyện tăng giá: “Bây giờ ai cũng chịu vậy thôi, chứ đâu chỉ riêng mình”. Nhưng cô phàn nàn về chế độ lương bổng của công ty. Lương sau Tết tăng từ 1,3 triệu đồng lên 1,4 triệu đồng nhưng tiền thưởng cho nhân viên lại giảm từ 250.000 xuống còn 150.000 đồng. “Tính ra mình bị lỗ 50.000 đồng chứ đâu phải được thêm 100.000 đồng”, Lanh ngao ngán.

Ngoài chuyện ăn uống, tiền phòng trọ khó giảm xuống được, Lanh chỉ còn biết giảm chi tiêu bằng cách bớt các dịp vui chơi, hội hè. Xe máy của cô thường chỉ để đi, về giữa nhà trọ và công ty. Làm việc hơn một năm, giá cả mỗi ngày mỗi tăng, hầu như chưa tháng nào Lanh tiết kiệm được một khoản nhỏ.

Lê Thị Minh Thi, công nhân Công ty da giày Huê Phong, quận Gò Vấp, TPHCM, cho biết sau Tết lương cơ bản của công nhân được tăng lên thêm 200.000 đồng/tháng nhưng mức tính lương tăng ca lại giảm (làm từ 6 đến 8 giờ tối, trước tính 1 tiếng trả lương 2 tiếng nhưng giờ 1 tiếng chỉ trả lương 1 tiếng rưỡi). Thi lắc đầu: “Thà không tăng lương, mà vật giá đừng leo thang như giờ thì còn dễ sống hơn”.

Hiện Thi phải ở ghép với 4 chị em khác trong một căn phòng trọ chừng 16m2, tiền ăn mỗi ngày là 45.000 đồng/5 người (trước chỉ có 25.000 đồng/5 người). Ngày nào Thi cũng cố gắng mang sản phẩm về làm tại nhà để có thêm chút đỉnh thu nhập. Khâu mỗi đêm được 2 đôi giày, Thi kiếm được 6.000 đồng, chẳng thấm vào đâu nhưng đó cũng là phương cách mà cô công nhân trẻ có thể đối phó với chuyện giá cả. Lương hằng tháng của Thi là 1,2 triệu đồng, ăn uống hàng ngày, trả tiền nhà và mua vài bộ đồ rẻ tiền là hết sạch, không còn dư để tiết kiệm hay gửi về cho gia đình ở quê.

Tìm trăm phương nghìn kế để vật lộn với cơn bão giá tại thành phố không được, bao nhiêu công nhân đã phải nghỉ việc, về quê hoặc chuyển sang Bình Dương làm việc.

HẠNH CHÂU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới