Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vật trôi nổi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vật trôi nổi

Lý Lan

(TBKTSG) – Khi nhìn đăm đăm rất lâu một cái gì đó, bầu trời, ngôi sao, mặt biển, viên sỏi, hạt muối, hay giọt nước chẳng hạn, người ta thấy gì?

Người ta thường thấy cái mà người ta muốn thấy. Người bạn nghiên cứu tâm lý học có sẵn câu trả lời. Gương mặt một người thân, hình ảnh của tuổi thơ hạnh phúc, thiên đàng với nhã nhạc và hoa thơm, hay cõi trống vắng bình yên của tâm hồn mình. Có điều, tôi không luôn luôn nghiệm đúng điều đó.

Nhiều khi tôi thức giấc nửa đêm, ngước nhìn bầu trời đầy sao, muốn nhìn thấu lòng mình như khoảng không lặng lẽ, nhưng cứ lơ lửng trước mắt là những ngổn ngang của cơn ác mộng đột ngột vỡ òa khi tôi choàng tỉnh giấc. Tôi càng chăm chú nhìn bầu trời, càng nghe lòng mình xáo động, như thể những mảnh vỡ không ngừng trôi nổi quanh mình, liên tục va đập trái tim mình.

Những ngày trời không giông bão tôi thường đi dọc bờ biển. Đây là bờ Tây nước Mỹ, chiều chiều nhìn mặt trời lặn xuống Thái Bình Dương tôi hình dung ánh ban mai sắp ló dạng trên biển Đông ở quê nhà. Tôi ngồi trên một mõm đá nhìn đăm đăm mặt biển đỏ sậm chuyển màu tím rồi xanh lam sậm, hy vọng sẽ nhìn thấy tuổi trẻ đầy hoang tưởng của mình ở bờ bên kia đại dương. Khoảng năm 1982 tôi sống ở Vũng Tàu mấy tháng, quãng đường vòng qua Ô Quắn rất vắng vẻ, đi dạo gặp xác người vượt biên tấp vào ghềnh đá là chuyện thường.

Hồi đó tôi mới tốt nghiệp đại học, bạn bè có đứa nhận nhiệm sở ở tuốt miền Trung, miền Tây, có đứa vượt biên đến những xứ sở xa lạ, có đứa ra đi mà không có tin tức gì. Tuổi đôi mươi phơi phới, rạo rực trong người bao năng lượng và khát khao. Tôi muốn làm cái gì đó lớn lao có ý nghĩa. Tôi muốn sống cách nào đó cho cuộc đời thú vị đáng sống. Tôi tưởng mình có thể thực hiện những câu thơ lời nhạc: đi từ Nam ra Bắc thăm hết mọi nhà, kết tình anh em, xây dựng lại quê hương sau chiến tranh tàn khốc, đâu biết nghệ thuật chỉ là ước mơ mà nghệ sĩ gửi gắm vu vơ. Nhưng tôi vẫn sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu và sẵn sàng chấp nhận những hậu quả mà tôi lường trước. Chỉ có điều phần lớn những cuộc phiêu lưu đưa tới những hậu quả mình không lường được.

Bây giờ là cuối tháng 3-2012, báo địa phương đăng tin một con tàu ma đang từ từ trôi giạt vào bờ biển Canada, phía bắc chỗ tôi đang ngồi chừng hơn trăm dặm. Ảnh chụp con tàu trơ trụi bộ khung gỉ sét không người lái nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Con tàu được xác định là xuất phát từ Hokkaido, Nhật Bản, có lẽ là một tàn tích trôi nổi vì sóng thần sau trận động đất hồi tháng 3-2011 đã giết hơn 19.000 người và biến hàng chục ngàn ngôi nhà và cơ sở doanh nghiệp thành 20 triệu tấn mảnh vỡ bị cuốn ra biển. Những mảnh vỡ này theo dòng hải lưu trôi nổi trên Thái Bình Dương. Cái gì có thể tan rã thì đã tan rã theo sóng nước, cái gì đủ nặng để chìm thì đã chìm xuống đáy biển. Dù vậy vẫn còn một “nghĩa địa” khổng lồ những thứ không tan rã không chìm, như tivi, tủ lạnh, giường nệm, bàn ghế và vật dụng bằng nhựa tổng hợp, đang bồng bềnh vượt qua đại dương trên một diện tích lớn hơn nước Việt Nam, trải dài 2.000 dặm.

Dòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương chảy theo chiều kim đồng hồ, từ xích đạo lên phía Bắc rồi vòng trở xuống, tốc độ chừng ba bốn dặm, tương đương tốc độ người đi bộ nhanh trên mặt đất. Vật trôi nổi theo dòng hải lưu có thể trôi nhanh chậm tùy những điều kiện khác như gió hay kích thước và chất liệu vật đó. Người ta dự tính đến mùa thu năm 2013 thì những vật trôi nổi từ bờ biển Nhật sẽ bắt đầu giạt vào bờ biển Bắc Mỹ. Con tàu ma đã đến sớm hơn người ta mong đợi.

Nhưng người ta cũng đã chuẩn bị đón chúng từ tháng 11 năm ngoái. Trước đó một tàu Nga trên đường từ Honolulu, đảo Hawaii, về cảng Vladivostok, đã phát hiện “nghĩa địa” trôi nổi này, và chính quyền các bang miền Tây Bắc Mỹ phải tính đến ngân sách dọn dẹp chúng. Báo đài địa phương cũng thông báo cho dân chúng biết là khả năng chúng nhiễm phóng xạ không cao, mối nguy hiểm chủ yếu là chúng có thể gây trở ngại việc giao thông đường thủy và trở thành rác khó tiêu hủy. Báo cũng chỉ dẫn cách xác định một vật trôi nổi từ đại dương giạt vào bờ có phải từ Nhật không, và nếu mình phát hiện thì làm gì với chúng.

Làm gì với những vật trôi nổi? Có thể một chiếc giày thể thao còn xương bàn chân trong đó. Có thể một món đồ chơi trẻ con có tên đứa bé. Có thể một cái tủ chứa những đồ gia bảo và những album gia đình đã nhòa nhoẹt. Những thứ đơn giản là “rác” với kẻ nhàn du bên này bờ đại dương. Nhưng bên kia bờ, nơi 2.000 người sống sót qua trận thiên tai ấy vẫn đăm đăm nhìn ra biển, đó là những kỷ vật thiêng liêng. Dòng hải lưu có thể sẽ mang một số vật trôi nổi quay về Nhật sau khoảng sáu năm, các chuyên gia nói vậy, mặc dù có khả năng phần lớn chúng sẽ dần dần chìm xuống hay giạt vào đâu đó.

Tôi không trông mong một di vật trôi nổi nào đó tấp vào tảng đá mình đang ngồi chiều nay. Nhưng dường như tôi thấy lại những xác người đang tấp vào chân mình ngày xưa ở bãi biển Vũng Tàu. Một trận động đất, một con sóng thần, bỗng nhiên nhà tan cửa nát, hàng chục ngàn người bị cuốn ra biển khơi. Ai biết con Tạo chơi trò gì? Ba mươi năm trước có người đã liều sống liều chết lao ra đại dương, bảy nổi ba chìm, bây giờ tóc bạc da mồi, ky cóp tiền hưu trở về quê cũ. Ba mươi năm trước có người khăng khăng chọn mảnh đất bên này đại dương làm quê hương, ba chìm bảy nổi, bây giờ cũng tóc bạc da mồi, chiều chiều ngồi ở bên kia đại dương đăm đăm nhìn ra biển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới