Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vay gói 30.000 tỉ đồng vẫn vướng nhiều thủ tục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vay gói 30.000 tỉ đồng vẫn vướng nhiều thủ tục

Mạnh Tùng

Vay gói 30.000 tỉ đồng vẫn vướng nhiều thủ tục
Ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển Nhà và Thị trường Bất động sản – Sở Xây dựng TPHCM (giữa) tại buổi tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

(TBKTSG Online) – Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 32/2014 và Bộ Xây dựng ban hành thông tư 17/2014, đều có hiệu lực từ nagỳ 25-11 thì các đối tượng được vay gói 30.000 tỉ đồng được mở rộng nhưng vướng mắc thủ tục vay vốn vẫn còn.

Đây là những vấn đề được ghi nhận tại buổi tọa đàm “Lựa chọn căn hộ – Kết nối gói 30.000 tỉ đồng” do Báo Bưu điện Việt Nam tổ chức tại trụ sở Cục Công tác phía Nam – Bộ Thông tin và Truyền thông, TPHCM.

Vướng mắc thủ tục chứng minh tình trạng nhà đất, khả năng trả nợ

Nhiều người có nhu cầu vay gói 30.000 tỉ đồng cảm thấy mâu thuẫn khi gói tín dụng này cho đối tượng thu nhập thấp, khó khăn vay nhưng khi làm thủ tục xin vay thì ngân hàng thì vẫn bắt phải chứng minh thu nhập đủ khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, khi người vay có thu nhập cao đủ để chứng minh khả năng trả nợ không được giải quyết cho vay vì không được xác định là người có thu nhập thấp.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM lại cho rằng điều các quy định trên là hợp lý.

Ông Lệnh giải thích, vì đây là gói tín dụng cho vay nên người vay không chỉ đảm bảo đáp ứng các điều kiện về đối tượng vay, mục đích vay và các điều kiện theo quy định tại mà còn phải đảm bảo đủ điều kiện tín dụng. Các quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng có yêu cầu người vay đảm bảo điều kiện về khả năng trả nợ vay ngân hàng.

Do đó, ông Lệnh khuyên người dân cần tính toán khả năng tài chính để xem xét lựa chọn các hình thức thuê, thuê mua hoặc mua cũng như thỏa thuận với ngân hàng về thời gian vay dài hơn 15 năm… để số tiền trả nợ hàng tháng thấp, dễ trả nợ hơn.

Còn theo quan điểm của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (HoREA), Bộ Tư pháp – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho phép thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai thì ngân hàng không cần đòi hỏi thêm thủ tục chứng minh thu nhập để vay tiền.

Theo ông Châu, người vay đã phải ứng trước 20% giá trị căn hộ mới được vay 80% giá trị còn lại và phải thế chấp căn hộ đó để đảm bảo khoản vay. Như vậy, tài sản đảm bảo người vay đã cao hơn giá trị khoản tiền họ vay. Vì vậy, ông Châu đề nghị không cần thiết phải thêm thủ tục chứng minh thu nhập.

Cũng theo ông Châu, người vay vốn 30.000 tỉ đồng hiện còn vướng thủ tục xác nhận tình trạng nhà ở hiện tại. Hiện tại, nhiều địa phương cấp xã, phường vẫn còn nhiêu khê trong việc chứng thực tình trạng nhà ở của người dân, từ đó khiến họ không đủ thủ tục pháp lý để vay vốn. 

Ông Châu đề nghị đơn giản hóa thủ tục xác nhận tình trạng nhà đất của người xin vay trên cơ sở người xin vay cam kết chịu trách nhiệm về việc khai trình nhà đất của mình.

Doanh nghiệp cũng khó

Trao đổi với báo chí bên lề tọa đàm, ông Lê Trọng Khương, Phó tổng giám đốc tài chính Công ty Cổ phần Địa ốc Hưng Thịnh cho hay, doanh nghiệp này có nhiều sản phẩm phù hợp với gói 30.000 tỉ đồng nhưng người mua khó vay gói này để mua.

Ông Khương cho biết Hưng Thịnh thường mua lại các dự án dở dang từ các chủ đầu tư khác để tiếp tục triển khai, mở bán. Từ đó, Hưng Thịnh đóng vai trò là chủ đầu tư cấp 2. Điều này khiến các ngân hàng băn khoăn và hạn chế cho khách hàng vay gói 30.000 tỉ đồng để mua nhà từ chủ đầu tư dạng này.

Ông Khương cho biết, công ty này đã có công văn gửi Bộ Xây dựng về vấn đề này và được trả lời không hề có quy định chủ đầu tư ký hợp đồng phải là chủ đầu tư cấp 1. Bộ Xây dựng còn cho rằng các khách hàng thuộc đối tượng vay theo quy định được vay gói tín dụng này với chủ đầu tư cấp 2 như Hưng Thịnh là hợp lý.

Về việc phát triển nhà ở xã hội, ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển Nhà và Thị trường Bất động sản – Sở Xây dựng TPHCM cho TBKTSG Online biết, thành phố hiện có 3 mảng chính của nhà ở xã hội là nhà phục vụ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhà lưu trú cho công nhân và ký túc xá sinh viên.

Theo ông Sơn, hiện loại hình nhà ở xã hội do ngân sách đầu tư tại thành phố bao gồm chung cư Tô Hiến Thành và chung cư Đông Hưng 2 đã hoàn thành cùng với bốn dự án đang thi công.

Bên cạnh đó, có bốn dự án không sử dụng vốn ngân sách đang triển khai xây dựng là: chung cư phường Thảo Điền, quận 2; chung cư Thạnh Lộc, quận 12; chung cư CC1 – HQC và chung cư lô A, khu dân cư lô số 4 xã Bình Hưng cùng tại huyện Bình Chánh.

Đường dây nóng hỗ trợ vay vốn 30.000 tỉ đồng

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, nếu khách hàng có vướng mắc về thủ tục vay gói 30.000 tỉ đồng có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng (08) 38211230 của cơ quan này để được hỗ trợ.

Ông Lệnh cho biết thêm, tính đến 15-11-2014, tại TPHCM, đã có 1.658 hợp đồng được ký kết với hạn mức tín dụng là 1.392 tỉ đồng. Trong đó, có 1.521 khách hàng (gồm 2 khách hàng doanh nghiệp và 1.519 khách hàng cá nhân) được giải ngân với tổng số tiền 823 tỉ đồng.

 

Mời đọc thêm:

>> Từ 25-11: mua nhà dưới 1,05 tỉ được vay gói 30.000 tỉ đồng

>> Được vay gói 30.000 tỉ đồng để tự xây nhà

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới