Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vay mượn vaccine để chạy đua với chủng Delta đang hoành hành

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trừ các trường hợp quyên tặng, thỏa thuận vay vaccine đầu tiên được ghi nhận là giữa Hàn Quốc và Israel vào tháng 6-2021. Nhưng chỉ có rất ít quốc gia đạt được nghệ thuật đàm phán bậc thầy, bởi không phải ai cũng đi vay được và ai cũng có thể cho vay dù nguồn vaccine dự trữ khá phong phú. Kế đến là kinh nghiệm “trông mặt mà bắt hình dong” bởi khả năng nợ xấu hay chơi xấu vẫn có.

Hợp đồng giữa hai nhà giàu

Úc sẽ nhận được 500.000 liều Pfizer từ Singapore trong tuần này sau khi hai nước đã đạt được thỏa thuận vay mượn vaccine chính thức hôm 31-8 – Thủ tướng Scott Morrison phát biểu với báo chí tại Canberra. Thỏa thuận này sẽ giúp Canberra đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quốc gia khi số ca nhiễm tăng cao kỷ lục trong những ngày qua. Canberra sẽ trả lại số lượng này vào tháng 12 sắp tới.

Lệnh phong tỏa đã được áp dụng từ năm tuần qua tại thành phố Melbourne – thủ phủ của bang Victoria. Ảnh: EPA/EFE

“Điều này đồng nghĩa là chúng ta có thêm 500.000 liều ngay trong tháng 9 này, nếu không chúng ta sẽ phải đợi thêm nhiều tháng nữa. Thỏa thuận giúp chương trình tiêm chủng của chúng ta tăng tốc vào thời điểm quyết định này bởi chúng ta đang bước dần đến mục tiêu 70-80%”, Thủ tướng Morrison giải thích với từ “bước dần” được nhấn mạnh.

Úc đã khống chế thành công dịch bệnh trong thời gian đầu với hệ thống phong tỏa và cách ly nghiêm ngặt. Nhưng tốc độ tiêm chủng chậm đã khiến quốc gia này trở thành mục tiêu dễ tổn thương trước chủng Delta có sức lây lan mạnh.

Với tỷ lệ dưới 28% dân số Úc được tiêm ngừa đầy đủ – so với tỷ lệ 80% của Singapore, nhiều bang và lãnh thổ ở Úc đã phải thực hiện phong tỏa khắc nghiệt khi số ca nhiễm mới tăng mạnh, khiến doanh nghiệp và nền kinh tế nội địa thêm điêu đứng.

Thủ đô Canberra hôm qua đã kéo dài lệnh phong tỏa thêm hai tuần nữa. Lệnh phong tỏa được ban hành sau khi có ca bệnh đầu tiên lây nhiễm từ tâm dịch của New South Wales. Hôm qua, Canberra có 13 ca nhiễm mới, trong khi New South Wales có 1.164 ca, giảm nhẹ so với kỷ lục 1.290 ca của ngày hôm trước.

Victoria cũng sẽ sớm hành động tương tự. Tiểu bang đông dân thứ hai ở Úc đã phong tỏa trong năm tuần qua. Thủ hiến bang Dan Andrews nói rằng hiện còn quá nhiều người dân chưa được tiêm vaccine. Victoria sẽ công bố kế hoạch nới lỏng các hạn chế khi số ca nhiễm đang giảm đi và tỷ lệ tiêm chủng tăng dần.

Kể từ khi dịch bùng phát đầu năm ngoái, Úc đã ghi nhận gần 54.000 ca nhiễm và có 1.006 ca tử vong, vẫn còn thấp hơn hầu hết các nước trên thế giới.

Trò chơi cân não

Cho đến thời điểm này, ý tưởng vay mượn hay đổi vaccine hoàn toàn không mới. Nhưng đây là bàn cờ, thế trận về ngoại giao, chính trị và kinh tế mà không phải ai cũng chơi được và thắng cuộc.

Hồi tháng 2, Nam Phi đã thảo luận với chương trình Covax về việc đổi 500.000 liều AstraZeneca do Viện Serum quốc tế của Ấn Độ sản xuất để lấy một vaccine khác. Bộ trưởng Y tế Weli Mkhize đã nói rằng Covishield – vaccine do Serum sản xuất nhượng quyền từ AstraZeneca và Đại học Oxford – có hiệu quả bảo vệ rất thấp với chủng virus ở Nam Phi trong các thử nghiệm lâm sàng ở đất nước này. Sau đó, Nam Phi quyết định dừng chương trình tiêm chủng với vaccine của Serum.

Chủ động tìm người vay vaccine là một chiến thuật mà Israel áp dụng đối với vaccine Pfizer chuẩn bị hết hạn và phải tiêu hủy khi đến hạn. Với dân số gần 9 triệu người, Israel đã đặt mua nhiều hơn mức cần thiết. Sau khi chiến dịch tiêm chủng đạt được tỷ lệ 60% thì mọi thứ bắt đầu chậm lại trong tháng 5.

Đầu tháng 6, Israel đã thảo luận với chính quyền Palestine trong việc cho mượn ít nhất là một triệu liều Pfizer. Tuy nhiên, phía Palestine đã hủy bỏ hợp đồng này bởi số vaccine này sẽ hết hạn vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.

“Nhưng khi số vaccine này đến tay chúng tôi, hạn ghi trên nhãn là tháng 6. Có nghĩa là chúng tôi không đủ thời gian để tiến hành tiêm chủng. Vì thế, chúng tôi từ chối”, Bộ trưởng Y tế Palestine Mai Alkaila phát biểu. Tuy nhiên, sau đó Palestine đã nối lại thảo luận với Israel để đạt thỏa thuận mới.

Chiến dịch tiêm chủng cho thanh niên ở Petah Tikva, Israel vào đầu tháng 6. Ảnh: Times of Israel

Hôm 30-6, tờ Times of Israel tường thuật rằng chính phủ nước này đã thảo luận với Anh về việc cho vay một triệu liều vaccine. Tuy nhiên, vài ngày sau báo này loan tin thỏa thuận đã thất bại vì “một vài vấn đề kỹ thuật”. Trong khi đó, kênh truyền hình Kan News tường thuật: Vào thời điểm cuối tháng 6, Israel còn tồn 1,4 triệu liều vaccine. Nếu không kịp tiêm chủng, ngành y tế Israel có thể sẽ hủy đến 800.000 liều vaccine đến hạn vào ngày 9-7. Báo chí Israel đã thúc giục người trưởng thành đi tiêm trước thời điểm này.

Một tuần sau khi thỏa thuận với Palestine bị đình trệ, chính phủ Israel đã tìm được “con nợ” mới: Hàn Quốc muốn mượn 700.000 liều và sẽ hoàn trả lại trong tháng 9. Đây là hợp đồng mượn vaccine đầu tiên trên thế giới chính thức được ghi nhận.

Số vaccine này ngay lập tức được chuyển giao cho thủ đô Seoul tiến hành tiêm từ ngày 13-7. Cơ quan ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) nói rằng các đối tượng ưu tiên trong đợt tiêm này là nhân viên quét dọn đường phố, tài xế giao hàng và nhân viên ngành bán lẻ.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã gọi đây là “hợp tác đôi bên cùng có lợi” để “thu hẹp dần lỗ hổng” của tình trạng thiếu hụt vaccine trên toàn cầu. Riêng Giám đốc KDCA Jeong Eun-kyeong lại nhấn mạnh rằng số liều vaccine mượn từ Israel không phải là số vaccine từ hợp đồng “hụt” của Palestine.

Cuối tuần rồi, KDCA cũng loan báo chính phủ Hàn Quốc đang thảo luận với Romania về hợp đồng trao đổi vaccine. Tuy nhiên, cơ quan này cũng bác bỏ tin của báo chí địa phương là chính phủ Romania đã chuẩn thuận việc quyên tặng 450.000 liều Moderna cho Hàn Quốc. KDCA không công bố chi tiết hợp đồng vay mượn và nói rằng sẽ công bố khi các thảo luận thành công.

Hàn Quốc đang đẩy nhanh tốc độ để có thể đạt mục tiêu tiêm 36 triệu người trên tổng số dân 51,3 triệu trước kỳ nghỉ Tết Trung thu từ ngày 20 đến 22-9 sắp tới. Số ca nhiễm ở nước này đang xuống dần mức 1.500 – 1.600 ca mỗi ngày, so với đỉnh trên 2.000 cách đây hơn một tuần.

Hôm 20-8, Bhutan cũng đã cho chính phủ Thái Lan mượn tạm 150.000 liều AstraZeneca. Đây là nỗ lực nhằm bịt lỗ hổng trong chiến dịch tiêm chủng đầy rối loạn ở Thái Lan vào thời điểm số ca nhiễm cao hơn 20.000 ca mỗi ngày.

Hợp tác bình đẳng để chống dịch trong tương lai

Các hợp đồng vay mượn vaccine có những đặc điểm chung gì và có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh dịch bùng phát và khan hiếm vaccine trên thế giới?

Đó là cột mốc tỷ lệ tiêm chủng trên 60-70% để đạt miễn dịch cộng đồng. Tốc độ tiêm chủng ở nhiều nước chậm lại sau khi cán đích này, bởi tâm lý an tâm của người dân, hoặc trong chiều hướng khác là phong trào chống vaccine. Nguồn vaccine dự trữ giờ có nguy cơ bị tiêu hủy. Cho vay số vaccine chuẩn bị hết hạn, và rồi sau đó người mượn sẽ trả lại sau vài tháng số vaccine có hạn sử dụng mới hơn.

Điều này đúng với tất cả các trường hợp vay mượn từ đầu tháng 6 đến nay.

Nhân viên y tế đang chuẩn bị đợt xét nghiệm ở khu dân cư Jordan của Hồng Kông vào tháng 2-2021. Đặc khu này cũng đương đầu với tình trạng tiêu hủy vaccine vào tháng 7 vừa rồi, buộc chính quyền phải đưa ra các giải thưởng may mắn như căn hộ, xe hơi hay học bổng. Ảnh: Reuters

Nhưng một khi sân chơi không bình đẳng thì khó đạt được sự chân thành của cả hai bên vay và mượn. Đó chính là trường hợp giữa Israel và Palestine do những khác biệt về địa chính trị và kinh tế khi Palestine nghèo hơn và tiếng nói trên trường quốc tế yếu hơn.

Kế đến là sự tương đồng về năng lực của hệ thống y tế và quy mô kinh tế tính theo GDP đầu người. Các thỏa thuận của Hàn Quốc với Israel và Romania, hay giữa Thái Lan và Bhutan khớp đúng tiêu chí này. Singapore sẽ không thể cho Úc vay vaccine nếu Úc là một nước đang phát triển và nghèo hơn, cho mượn đồng nghĩa tặng hay viện trợ không hoàn lại.

Thế giới trong cơn bất định do Covid-19 gây ra, không ai an toàn cả, cho đến khi tất cả đều là an toàn. Dùng vaccine làm công cụ hay chính sách ngoại giao vào những thời điểm này sẽ hoàn toàn phản tác dụng.

Đó chính là tinh thần mà Ngoại trưởng Marise Payne của Úc phát biểu hôm qua: “Thỏa thuận này thể hiện năng lực ngoại giao của chúng ta nhằm giúp bảo vệ sức khỏe người dân và tăng cường an ninh và thịnh vượng quốc gia. Chúng ta đang cùng với Singapore và các đối tác khác trong khu vực để cứu người, đẩy mạnh hồi phục kinh tế và xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ứng phó với các đại dịch trong tương lai”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới