Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VBF: Ổn định kinh tế vĩ mô là tiên quyết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VBF: Ổn định kinh tế vĩ mô là tiên quyết

Tư Hoàng

VBF: Ổn định kinh tế vĩ mô là tiên quyết
Doanh nghiệp kiến nghị duy trì ổn định kinh tế vĩ mô – Ảnh HG.

(TBKTSG Online) – Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, yếu tố gây lo ngại nhất trong các rào cản kinh doanh hiện nay ở Việt Nam.

Đây là tinh thần chung của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong cuộc thảo luận trực tiếp với đại diện của Chính phủ trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2011 (VBF) diễn ra ngày 2-11 tại Hà Nội.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại TPHCM, ông Christopher Twomey nói: “Chúng tôi khuyến khích Chính phủ tiếp tục tâp trung vào Nghị quyết 11 về duy trì ổn định kinh tế vĩ mô hơn là tăng trưởng”.

Ông cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ủng hộ Nghị quyết 11 và chương trình tái cơ cấu nền kinh tế tập trung vào ba trụ cột là đầu tư công, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước.

Ông nói: "AmCham ủng hộ định hướng mới này và kỳ vọng nền kinh tế vĩ mô được ổn định trở lại. Chúng tôi mong chính phủ tiếp tục kiên trì với những nổ lực tích cực đảm bảo sự ổn định dài hạn”.

Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany đồng tình và cho rằng trước hết cần phải ổn định môi trường kinh tế vĩ mô tại Việt Nam. "Việt Nam duy trì sức cạnh tranh và giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định trong thời gian dài phụ thuộc vào việc liệu Chính phủ Việt Nam có hành động ngay lúc này với một số lĩnh vực trọng yếu không".

Ông Alain nói thêm EuroCham ủng hộ Nghị quyết 11 mà Chính phủ đang theo đuổi, và ủng hộ việc duy trì chiến lược này đủ lâu để bảo đảm rằng việc ổn định cả giá cả và tiền đồng được tái thiết lập.

*

Theo Báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh 2011 thực hiện với 240 doanh nghiệp trong và ngoài nước, quản lý kinh tế vĩ mô lần đầu tiên được xếp vào nhóm 3 lĩnh vực đáng lo ngại nhất của môi trường kinh doanh năm nay. Báo cáo cũng cho thấy chỉ số cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh giảm xuống thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại nay, bằng một nửa so với một năm trước đó.

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, tình trạng lạm phát vẫn chưa thật sự được khống chế về cơ bản nên việc thắt chặt tiền tệ trong giai đoạn hiện nay vẫn cần thiết. Lạm phát vài tháng gần đây đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, có nguy cơ bùng phát trở lại, đặc biệt các tháng cuối năm.

Đa số các doanh nghiệp qua điều tra vẫn cho rằng Chính phủ thời gian tới nên kiên trì thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Các yếu tố cần cải thiện khác bao gồm cải cách thủ tục hành chính, giảm rào cản gia nhập thị trường, cải thiện hệ thống hạ tầng vận tải, năng lượng…

*

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, người thay mặt Chính phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, cho biết, Chính phủ nhận thức rõ bất ổn kinh tế vĩ mô là do yếu kém nội tại của nền kinh tế là chủ yếu, bên cạnh tác động của kinh tế thế giới suy giảm. Theo ông Vinh, Chính phủ cũng nhận thức sâu sắc những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải chịu đựng do bất ổn kinh tế vĩ mô, thủ tục hành chính rườm rà, và nhiều các rào cản kinh doanh khác.

Ông nói thêm rằng, dự thảo tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được các cơ quan chức năng hoàn thành vào tháng 1 này, và dự kiến sẽ đưa ra Quốc hội vào giữa năm sau.

*

Theo Báo cáo “Môi trường kinh doanh 2012” của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tụt 8 bậc trong báo cáo  xếp vị trí thứ 98 trong tổng số 183 nước.

Nguyên nhân cơ bản nhất của suy giảm lòng tin của doanh nghiệp, theo Eurocham, là tỉ lệ lạm phát cao, kèm theo sự khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng và các gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới