Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VCCI bảo lưu quan điểm chỉ tăng lương 10%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VCCI bảo lưu quan điểm chỉ tăng lương 10%

Tư Hoàng

VCCI bảo lưu quan điểm chỉ tăng lương 10%
VCCI muốn tăng lương ỏ mức 10%. Ảnh TL

(TBKTSG Online) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – tổ chức đại diện người sử dụng lao động – tái khẳng định quan điểm mức lương tối thiểu vùng năm 2016 chỉ nên được điều chỉnh lên tối đa 10%.

Trong bản thông cáo ngày hôm nay, 6-8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đây là mức tối đa để doanh nghiệp có thể đảm bảo tồn tại, chiếm lĩnh thị trường và phát triển bền vững.

Bản thông cáo được đưa ra sau khi cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia giữa ba bên là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, VCCI, và Bộ Lao động, Thương binh, và Xã hội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Trong cuộc họp, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho người lao động đã gửi kiến nghị đến Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng trong khoảng từ 350.000 đồng đến 550.000 đồng/tháng so với năm 2015, tương đương tăng trung bình khoảng 17% so với năm 2015.

Tuy nhiên, VCCI, tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động, khẳng định rằng chỉ nên tăng mức này lên 10% vì những lý do sau:

Trước tiên, các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, và gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.

Trong 7 tháng đầu năm 2015 đã có gần 38.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng 1,2% so với cùng ký năm ngoái, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm và tỷ lệ người có việc làm giảm xuống.

Bên cạnh đó, để có thể tăng lương và cải thiện đời sống cho người lao động thì yếu tố quyết định dựa vào việc tăng năng suất lao động và chất lượng công việc như quy định tại mục 2 điều 90 của Bộ Luật lao động: “Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc”.

VCCI cho rằng, hiện nay năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực, vì vậy trong bối cảnh 70% doanh nghiệp làm ăn không có lãi thì khả năng đầu tư của doanh nghiệp vào việc đổi mới thiết bị công nghệ nhằm tăng năng suất lao động sẽ bị hạn chế.

Hơn nữa việc tận dụng một số cơ hội khi hội nhập cũng cần phải có thời gian.

VCCI cho rằng, với mức tăng 10% thì thực tế người lao động ngoài mức lương tăng thêm 10% còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội cao hơn như chế độ nghỉ phép năm, thai sản, ốm đau, tiền làm thêm giờ…

Trong khi đó, từ 1-1-2016 người sử dụng lao động phải đóng các khoản chi phí cho người lao động tăng thêm 35% – 40% so với năm 2015 vì từ 1-1-2016 mức lương làm căn cứ đóng các chế độ bảo hiểm và kinh phí công đoàn cho người lao động sẽ bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp.

Ngoài ra, năm 2016, doanh nghiệp cũng sẽ phải đóng thêm các chi phí liên quan tới lao động nữ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động…

Tất cả những chi phí này doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu, do đó với mức tăng lương tối thiểu vùng thêm 10% như đề xuất của giới sử dụng lao động thì thực tế chủ lao động đã phải trả lương và đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cho người lao động tăng lên từ 17-18%.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói, đây thực sự là cú sốc lớn đối với doanh nghiệp, nếu không đưa ra mức điều chỉnh hợp lý khả năng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản sẽ tiếp tục gia tăng.

Tại cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia ngày 5-8 vừa qua, VCCI ban đầu đưa ra mức tăng trong khoảng  6-7%. Tuy nhiên, mức này đã không được chấp nhận.

Dự kiến, cuộc họp kế tiếp của Hội đồng sẽ diễn ra sau vài tuần nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới