Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VCCI Cần Thơ: Vì sao kinh tế ĐBSCL “ngược chiều cả nước”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VCCI Cần Thơ: Vì sao kinh tế ĐBSCL “ngược chiều cả nước”?

Trung Chánh

VCCI Cần Thơ: Vì sao kinh tế ĐBSCL “ngược chiều cả nước”?
Kinh tế ĐBSCL phát triển chậm lại do cấu trúc quá phụ thuộc vào nông nghiệp. Trong ảnh là ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ trình bày tại hội thảo hôm nay, 30-3, ở Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2015 tiếp tục thấp hơn so với năm trước đó và đây cũng là năm thứ tư liên tiếp – kể từ năm 2011 – kinh tế khu vực này đi xuống. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của ĐBSCL đang nghịch chiều với tốc độ tăng trưởng của cả nước, mà nguyên nhân chính là do phụ thuộc quá nhiều vào nông nghiệp.

Số liệu báo cáo tại Chương trình họp mặt hội viên năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức hôm nay 30-3, ở Thành phố Cần Thơ với chủ đề  “AEC, TPP: Các tác động đến nền kinh tế và doanh nghiệp ĐBSCL, những vấn đề nổi bật cần quan tâm” cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực ĐBSCL đang đi xuống một cách nhanh chóng.

Cụ thể, nếu như giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng đạt 10%/năm, thì bình quân giai đoạn từ 2011-2014 giảm xuống chỉ còn 8,8%/năm. Riêng năm 2015, con số này của vùng ĐBSCL tiếp tục giảm xuống chỉ còn 7,8% so với 8,9% của năm 2014.

Điều đáng quan tâm ở đây là trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL đi xuống thì của cả nước lại đi lên.

Theo đó, nếu như năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước là 5,3%, thì sang năm 2013 đạt 5,4% và hai năm tiếp theo lần lượt đạt 6 và 6,68%.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao kinh tế ĐBSCL lại đi ngược chiều với kinh tế cả nước như vậy?

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề Chương trình họp mặt nêu trên, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho biết con số thống kê của ĐBSCL là con số thống kê của địa phương, cho nên không thể nói nó cao hay thấp hơn cả nước. “Nhưng xu thế thì đã thấy rõ, là những năm gần đây ĐBSCL đi xuống, trong khi của cả nước đi lên, tức chúng ta (ĐBSCL) đi nghịch chiều cả nước”, ông cho biết.

Theo ông Dũng, trong giai đoạn năm 1997-2001, khi kinh tế cả nước khó khăn và suy giảm, thì khu vực của ĐBSCL tăng trưởng tốt hơn, nhưng sau đó, khi cả nước tốt hơn, thì ĐBSCL lại giảm xuống. “Bây giờ tình hình cũng lặp lại như vậy và điều này có nghĩa là gì?”, ông Dũng đặt vấn đề và tự trả lời rằng, đó là do cấu trúc ĐBSCL dựa chủ yếu vào nông nghiệp.

“Những năm kinh tế khó khăn lại là những năm nông nghiệp thuận lợi. Còn những năm kinh tế phục hồi, thì nông nghiệp rơi vào suy thoái, và chiều hướng suy thoái của nông nghiệp ngày càng dài ra, biên độ để nông nghiệp tăng trưởng trở lại không còn cao nữa”, ông Dũng nhận xét.

Đi sâu vào phân tích, ông Dũng của VCCI Cần Thơ cho rằng cấu trúc nông nghiệp của ĐBSCL dựa chủ yếu vào cá, tôm, lúa gạo và cây ăn trái, nhưng sau một thời gian tăng trưởng nhờ mở rộng diện tích, tăng sản lượng, thì nguồn lực đầu vào để nó phát triển hầu như đã cạn.

“Lúa gạo tăng 5-7%/năm thì cũng chỉ một thời gian nào đó thôi, chứ đâu thể tăng trưởng mãi như vậy được, cá tôm cũng vậy”, ông nói.

Trong khi đó, theo ông, khu vực dịch vụ thì yếu; còn công nghiệp thì cũng chỉ có chế biến, mà chủ yếu cũng dựa vào nông nghiệp, cho nên rõ ràng cấu trúc quá phụ thuộc vào nông nghiệp đã “cản bước” đi lên của ĐBSCL.

Nhìn lại quá khứ, theo ông Dũng, từng có hai nhóm quan điểm “thịnh hành” được nêu ra để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế ĐBSCL.

Nhóm quan điểm thứ nhất “thịnh hành” vào những năm 2000 là phải đầu tư mạnh vào công nghiệp, chuyển dịch mạnh vào lĩnh vực công nghiệp để có tốc độ tăng trưởng cao và lúc bấy giờ người ta đã làm mọi cách để đầu tư xây dựng khu, cụm công nghiệp, nhưng sau đó thất bại.

Nhóm quan điểm thứ hai “thịnh hành” từ sau năm 2005 khi phong trào xây dựng khu, cụm công nghiệp thất bại, đặc biệt là sau suy thoái kinh tế vào những năm 2009-2010, nông nghiệp trở thành “cứu cánh” cho nền kinh tế, thì lúc bấy giờ lại tập trung mạnh vào nông nghiệp.

Theo ông Dũng, thật ra cả hai nhóm quan điểm ở trên đều cực đoan. “Anh không thể làm công nghiệp ồ ạt, trong khi năng lực của anh hạn chế và cũng không thể mãi dựa trên nền nông nghiệp, mà anh phải có sự chuyển đổi hợp lý”, ông cho biết.

Theo ông, muốn chuyển đổi, thì phải có sự thay đổi cấu trúc hạ tầng, chẳng hạn, muốn chuyển sang công nghiệp, thì phải tạo hệ thống hạ tầng liên quan phục vụ cho phát triển công nghiệp như đô thị, hạ tầng giao thông, điện, nước, cảng, dịch vụ logistic…, để có thể kết nối được từ ĐBSCL đến các kho lớn hoặc từ ĐBSCL ra thế giới.

“Phải đầu tư hạ tầng như vậy, thì các nhà đầu tư mới thấy cơ hội, người ta mới đầu tư và rút được bớt lao động nông nghiệp ra, chứ như trước đây hạ tầng chưa có mà ồ ạt mở khu, cụm công nghiệp, rồi chịu thất bại là phải thôi”, ông nhận xét.

Trong khi đó, với nông nghiệp, thay vì phải tập trung nguồn lực vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh học, thì khu vực ĐBSCL lại mất quá nhiều thời gian, ít nhất 10 năm, tính từ năm 1995 đến nay, chỉ lo chạy theo tăng sản lượng, tăng diện tích để xuất khẩu bao nhiêu triệu tấn gạo, bao nhiêu triệu tấn cá.

“Những cái như vậy (đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, sinh học) chúng ta không nghe nói đến, mà chỉ nghe tự hào năm nay tỉnh này xuất khẩu bao nhiêu triệu tấn gạo, tỉnh kia bán bao nhiêu cá”, ông nói.

Chính những vấn đề được nêu ở trên đã khiến tốc độ phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL đi xuống, đặc biệt là khi nông nghiệp không còn khả năng phát triển nhờ mở rộng diện tích, tăng sản lượng như trước kia được nữa.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới