Thứ Bảy, 14/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

VCCI: Giảm thuế VAT sẽ tác động tới quản lý giá một số loại hàng hóa, dịch vụ

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc giảm thuế giá trị gia tăng nếu không có hướng dẫn cụ thể sẽ tác động tới quản lý giá một số loại hàng hóa, dịch vụ. Bởi từ 1-7, khi thuế này giảm từ 10% xuống 8%, doanh nghiệp đã kê khai giá, đăng ký giá (đã bao gồm thuế) không biết có cần giảm giá tương ứng với phần giảm thuế 2% không, doanh nghiệp có cần làm thủ tục kê khai, đăng ký giá đã điều chỉnh không…

VCCI cho rằng, việc giảm thuế VAT cần được hướng dẫn cụ thể hơn, nếu không sẽ tác động đến việc thực hiện các biện pháp quản lý giá – Ảnh minh họa: TTXVN

Theo TTXVN, một số loại hàng hóa, dịch vụ đang được áp dụng các biện pháp quản lý giá: Nhà nước định giá, đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá. Nên khi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% vào ngày 1-7-2023 và tăng từ 8% lên 10% vào ngày 1-1-2024 sẽ tác động đến việc thực hiện các biện pháp quản lý giá.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia, cho rằng với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp doanh nghiệp đã kê khai giá, đăng ký giá (đã bao gồm thuế) không biết có cần phải giảm giá tương ứng với phần giảm thuế 2% không, hay vẫn áp dụng giá cũ? Bên cạnh đó doanh nghiệp có cần làm thủ tục kê khai, đăng ký giá đã điều chỉnh không?

Một số loại hàng hóa, dịch vụ có thể giảm giá 2% khá dễ dàng, nhưng một số loại hàng hóa, dịch vụ khác có giá đã được làm tròn để dễ thanh toán thì việc điều chỉnh giá biên độ nhỏ (2%) sẽ không khả thi.

Với các lý do đó, VCCI có văn bản đề nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định hướng dẫn các trường hợp đang được quản lý giá khi giảm thuế giá trị gia tăng theo hướng doanh nghiệp không cần làm thủ tục điều chỉnh giá và được phép áp dụng giá đã đăng ký, kê khai.

Liên quan tới trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nội dung văn bản Bộ Tài chính tham vấn quy định, các bộ theo chức năng, nhiệm vụ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định.

VCCI đề nghị nói rõ quy định các bộ và UBND cấp tỉnh sẽ kiểm tra, giám sát xem doanh nghiệp có giảm giá hàng hóa tương ứng với mức giảm thuế hay không… Theo VCCI, điều này không khả thi và cũng không hợp lý bởi giá cả trên thị trường sẽ được quyết định bởi sự thỏa thuận giữa người mua và người bán.

Cổng thông tin VCCI cho biết, riêng về danh mục hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, phần đánh giá tình hình thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, việc giảm thuế đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như cách xác định hàng hóa, dịch vụ giảm thuế giá trị gia tăng; mô tả hàng hóa tại Phụ lục kèm Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Thực tế, các doanh nghiệp cũng phản ánh với VCCI rằng việc phân loại hàng hóa, dịch vụ nào được hưởng thuế suất 8% hay 10% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP rất phức tạp và quá nhiều rủi ro. Các doanh nghiệp không biết mình thực hiện đúng hay sai.

Nhiều trường hợp hai doanh nghiệp mua bán hàng hóa với nhau nhưng không thống nhất được áp dụng thuế suất 8% hay 10% khiến hợp đồng không thể thực hiện được. Bản thân cơ quan thuế, hải quan cũng lúng túng trong việc phân loại hàng hóa, dịch vụ để áp dụng. Điều này thậm chí còn gây nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực khi doanh nghiệp bị thanh kiểm tra do cơ quan nhà nước có thể diễn giải quy định theo nhiều cách khách nhau.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên sử dụng bảng phân loại hàng hóa nhập khẩu theo pháp luật hải quan làm cơ sở để xây dựng Phụ lục I và Phụ lục III của nghị định, thay cho việc sử dụng Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Giải pháp này có thể giúp hàng hóa nhập khẩu dễ dàng xác định được thuế suất, thay vì tình trạng hiện nay là cả hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa trong nước đều gặp khó khăn khi xác định thuế suất.

Trong trường hợp không kịp sử dụng bảng phân loại hàng hóa nhập khẩu thì cần liệt kê đầy đủ các mã HS hàng nhập khẩu áp dụng thuế 10%. Nói cách khác, cần loại bỏ toàn bộ các trường hợp ngoại lệ được ký hiệu, VCCI đề xuất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới