Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VCCI: Sửa đổi điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay hỗ trợ lãi suất 2%

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Chính phủ sửa đổi điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%.

VCCI cho biết đã ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp nhiều ngành nghề, qua đó cho thấy việc tiếp cận khoản vay với hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP là khá khó khăn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế gần như không tiếp cận được. Trong khi đây là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch, doanh nghiệp rất mong chờ và kỳ vọng có thể tiếp cận được vốn tín dụng. Do đó, VCCI đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu để sửa đổi quy định về điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay được hỗ trợ lãi suất 2% để chính sách thực sự đi vào thực tế.

Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Đề nghị trên được VCCI gửi bằng văn bản đến Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Góp ý đối với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI cho rằng cần có cơ chế tăng quy mô vốn cho Quỹ ngoài việc tiếp nhận và quản lý nguồn vay từ ngân sách. Thiết lập các chế độ phù hợp để kêu gọi các nguồn tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác từ các tổ chức, cá nhân… Bên cạnh đó cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vay vốn của Quỹ dễ dàng hơn như điều kiện yêu cầu tài sản thế chấp, hạn mức vay, lãi suất… Vấn đề các doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu tài sản thế chấp nên Quỹ cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Góp ý về các mục tiêu cụ thể trong dự thảo, VCCI cho rằng hiện nay có nhiều điểm chưa rõ. Đơn vị soạn thảo nên cân nhắc hoàn thiện, bổ sung theo hướng đề ra các chỉ tiêu mang tính tiêu chí tương ứng với mục tiêu phát triển của đất nước vào năm 2025, hướng tới 2030 và 2045.

Cụ thể, dự thảo nghị quyết đặt ra chỉ tiêu 30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số. VCCI cho rằng số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ theo dự thảo là quá nhỏ. Bởi với con số mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động đạt được vào năm 2025, cộng với số hợp tác xã và hộ kinh doanh, thì chỉ tiêu này chiếm một tỉ lệ rất thấp. Mặt khác, theo VCCI, dự thảo cũng không nêu rõ mức độ chuyển đổi số như thế nào. Do vậy, VCCI đề nghị nâng chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số và làm rõ mức độ chuyển đổi số.

Dự thảo đặt ra chỉ tiêu “đạt 1,5 triệu doanh nghiệp”. VCCI cho biết chưa rõ số doanh nghiệp này là đăng ký thành lập hay là đang hoạt động. Bởi VCCI cho rằng xác định số doanh nghiệp đang hoạt động có thể phản ánh sát hơn về “sức khỏe” của nền kinh tế, mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh… Hơn nữa, Nghị quyết 10 cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động. Vì vậy, VCCI đề nghị quy định rõ về mục tiêu này theo hướng: đạt 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động.

Thêm nữa, VCCI cho rằng dự thảo chưa thể hiện rõ nội dung về giải pháp để thúc đẩy đạt được mục tiêu về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập. Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển doanh nghiệp (cả về số lượng và chất lượng) là việc nâng cấp, phát triển doanh nghiệp từ các hộ kinh doanh. Với hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đây vẫn là nguồn lực quan trọng để phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa có giải pháp nào liên quan đến đến các chủ thể này.

Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung các giải pháp để thúc đẩy khởi nghiệp, gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh; cần có giải pháp để khuyến khích, thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành doanh nghiệp; đồng thời có các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với các nhóm doanh nghiệp mới thành lập, để các doanh nghiệp này có thể trụ vững và duy trì hoạt động trên thị trường.

Ngoài những nội dung góp ý cụ thể trên, VCCI nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế của đất nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới