Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Về Cà Mau tìm điểm cực Nam tổ quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Về Cà Mau tìm điểm cực Nam tổ quốc

Đoàn du khảo băng qua rừng cây đước và cây mắm trên bãi biển Khai Long, Cà Mau để tìm điểm cực Nam đích thực của đất nước – Ảnh: Thùy Nguyên

(TBKTSG Online) – Chắc hẳn khi nhắc đến điểm cực Nam nước ta, bạn đọc sẽ nghĩ ngay đến mảnh đất tận cùng đất nước là mũi Cà Mau tại tọa độ 8° 37’ 30’’ độ vĩ bắc và 104° 43’ độ kinh đông.

Tuy vậy, bằng thiết bị định vị vệ tinh GPS, chương trình địa cầu ảo Google Earth và tập bản đồ Giao thông đường bộ Việt Nam của NXB Bản đồ năm 2004, đoàn du khảo do Công ty Vietmark tổ chức lại xác định điểm cực Nam ở một vị trí khác, cách mũi Cà Mau cũng không xa.

Sau khi chia tay các cư dân mến khách của vùng đất cù lao Dung hiền hoà, đoàn du khảo của Công ty Vietmark và các phóng viên báo đài TPHCM lại tiếp tục hành trình tìm đến điểm cực Nam của đất nước.

Điểm cực Nam theo lý thuyết mà đoàn đo được bằng các các thiết bị nêu trên là tại tọa độ 8° 33’ 903’’ độ vĩ bắc và 104° 50’ 798’’ độ kinh đông tại bãi biển Khai Long thuộc địa phận xóm Dãy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, chỉ cách mũi Cà Mau không xa về phía đông nam.

Về Khai Long

Rời Sóc Trăng, đoàn du khảo đi thẳng qua Cà Mau, tại đây, đoàn tìm đến bến tàu trên đường Trương Phùng Xuân thành phố Cà Mau, lên ca nô khởi hành đến bãi biển Khai Long.

Trời lúc này đã gần về chiều, gió sông lồng lộng thổi cộng với cảnh vật tươi đẹp xanh mát hai bên bờ sông làm lòng người thêm vui vẻ. Thi thoảng, vài con thuyền chất đầy những mặt hàng nông sản, trái cây và những chậu hoa tết đầy màu sắc lướt dọc dòng sông làm mọi người cảm nhận thêm một không gian thanh bình ngày cuối năm ở miền sông nước Nam bộ mênh mông.

Sau gần ba tiếng đồng hồ lênh đênh trên sông nước, đoàn đến được Khai Long khi trời sụp tối và dừng chân nghỉ tại khu du lịch Lý Thanh Long ngay sát bãi biển. Lúc này trời trở lạnh và các thành viên trong đoàn không khỏi xuýt xoa trước ngọn gió biển lạnh buốt và tiếng sóng rì rầm xa xa.

Khu du lịch mùa này thật vắng vẻ với những chiếc chòi chơ vơ ngoài bãi biển nhưng không khí ấm áp đã trở lại với cả đoàn khi giờ ăn tối đã đến cùng những món hải sản ngon lành và những chung rượu nếp thơm thơm, cay nồng mà nhà hàng khu du lịch mời khách. Cả đoàn nghỉ ngơi sớm, mong sáng mai thức dây vừa kịp lúc đón bình minh với cảnh mặt trời mọc thật đẹp trên bờ biển cực Nam của đất nước;  và cũng để bắt đầu hành trình khám phá của mình.

Cuộc tìm kiếm

Anh Phương cài đặt tọa độ điểm cực Nam vào các máy định vị vệ tinh GPS chuẩn bị cho chuyến truy tìm thú vị – Ảnh: Thùy Nguyên

Một ngày mới đã đến. Các thành viên trong đoàn sau khi ăn sáng tập trung bên anh Trương Hoài Phương, giám đốc tiếp thị Công ty Vietmark để nghe anh Phương hướng dẫn cách truy tìm điểm cực Nam. Bắt đầu cài đặt tọa độ điểm cực Nam vào năm máy định vị GPS, anh Phương sau đó chia đoàn ra thành năm nhóm với lời hứa hẹn một phần quà hấp dẫn cho nhóm nào tìm ra điểm cực Nam đầu tiên.

Máy GPS bắt đầu khởi động, chỉ ra điểm cực Nam chỉ cách nơi cả đoàn dừng chân khoảng 2 ki lô mét và cả đoàn bắt đầu đi dọc bãi biển dài hơn 3 ki lô mét về phía tay trái. Không khí lúc xuất phát thật vui khi vài thành viên quyết tâm tranh tài đã rảo bước chạy một quãng khá xa so với các thành viên còn lại đang đùa giỡn đuổi bắt nhau trên bãi cát vàng và nắng ấm.

Tuy vậy, không ai trong đoàn có thể ngờ sau một chuyến đi suôn sẻ từ khi tìm được cửa sông Ba Thắc đã mất tại cù lao Dung cho đến lúc này rằng phía trước là một quãng đường khó khăn. Đi được chừng hơn nửa ki lô mét, đoàn bỗng gặp phải một rừng cây đước và cây mắm chắn ngang. Không còn cách nào khác đoàn đành phải đi xuyên qua rừng cây lấn biển này.

Càng đi vào sâu, rừng cây càng dày đặc, không hề thấy một lối mòn nào chứng tỏ có người từng qua lại. Cả đoàn phải vẹt cây mà đi, đất dưới chân sình lầy và nhão. Một anh đi xuyên qua cành lá quá dày đặc bị rớt mất điện thoại di động lúc nào không biết, may có những người trong đoàn đi sau tình cờ phát hiện ra bên vệ đường. Một vài người trong đoàn hăm hở đi dò đường phía trước gặp phải một bãi đất lún, ngập dần phải nhờ những người đi sau kéo lên.

Đoàn du khảo ra thăm mũi Cà Mau – Ảnh: Thùy Nguyên

Lúc này cả đoàn mới thận trọng hơn dò dẫm từng bước chân tránh những bãi lầy nguy hiểm. Tuy vậy, một tốp cũng đã vượt lên dẫn đầu, bứt phá xa dần bốn đội còn lại. Dò dẫm trong rừng chừng được hai tiếng thì tốp dẫn đầu dừng lại ở một vùng bãi biển trống, bối rối khi thiết bị GPS chỉ ra tốp này chỉ còn cách điểm cực Nam theo lý thuyết (8° 33’ 903’’ độ vĩ bắc và 104° 50’ 798’’ độ kinh đông) khoảng 160 mét nhưng mũi tên chỉ đường trên thiết bị này lại chỉ hướng thẳng tới một vùng đất nằm dưới lớp nước biển sâu không thể nào ra được.

Tốp dẫn đầu quyết định dừng chân chờ cả đoàn đến. Cả đoàn sau khi tụ họp đông đủ đã phát hiện ra vùng đất có điểm cực Nam vừa mới bị sạt lở và tiến hành đo đạc lại điểm thực tế  xa nhất về phía nam của bãi Khai Long tại tọa độ 8° 33’ 953’’ độ vĩ bắc và 104° 50’ 720’’ độ kinh đông, thấp hơn một chút so với tọa độ lý thuyết nhưng cũng nằm ngay tại vùng đất lở ngoài khơi xa.

Cả đoàn quyết định dừng cuộc tìm kiếm tại đây, tuy chưa thỏa mãn nhưng cũng hài lòng vì một chuyến tìm kiếm thú vị. Cả đoàn quay về trong tinh thần vui vẻ và vì đi lại những lối mòn do mình tạo ra nên đường về dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.

Cả đoàn sau khi trả phòng không về thành phố ngay mà quyết định ghé thăm mũi Cà Mau gần đó, thăm mốc tọa độ quốc gia GPS với mốc tọa độ 001, lên Vọng Hải Đài quan sát toàn cảnh Đất Mũi, nhìn biểu tượng Mũi Cà Mau hình con thuyền ghi tọa độ 8° 37’ 30’’ độ vĩ bắc và 104° 43’ độ kinh đông.

Ắt hẳn nhiều người trong đoàn cũng thầm nghĩ cuối cùng mình cũng đã được thỏa nguyện đặt chân đến mỏm đất cuối cùng của vùng cực Nam đất nước, nơi đất bãi bồi cứ mãi rắn chắc với thời gian nhờ sự bồi đắp phù sa của các dòng hải lưu và các loài cây lấn biển. 

THÙY NGUYÊN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới