Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Về hay ở’ không quan trọng bằng tình cảm đối với đất nước

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dù đã trải qua nhiều thế hệ với biết bao nhiêu thăng trầm, có lẽ một trong những trăn trở với nhiều du học sinh Việt Nam vẫn là câu hỏi nên ở lại xứ người hay trở về quê hương sau khi đã học hành xong. Câu trả lời đã rõ ràng hơn nhiều sau lời phát biểu của Thủ tướng Việt Nam trong chuyến thăm gần đây của ông đến Luxembourg.

Có lẽ cũng nên công nhận một thực tế là trong rất nhiều trường hợp, các tiện nghi trong cuộc sống ở xứ người nơi học sinh du học có phần tốt hơn so với trong nước. Vì thế, sau khi tốt nghiệp, du học sinh đáp ứng được các yêu cầu về làm việc, sinh sống của nước sở tại thường có khuynh hướng chọn con đường ở lại xứ người. Thiết nghĩ, trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, điều này không có gì sai nếu xét đến một điều là theo lẽ tự nhiên, con người có khuynh hướng chọn chỗ ở là nơi mang lại sự thoải mái cho mình về việc làm, thu nhập, tiện nghi v.v…

Trước đây, trong nước vẫn tồn tại suy nghĩ cho rằng chỉ khi trở về nước sau khi học hành ở nước ngoài, du học sinh Việt Nam mới đóng góp được cho đất nước. Trong một chừng mực nào đó xét đến hoàn cảnh ngày xưa của Việt Nam, điều này cũng không hẳn là sai. Tuy nhiên, như lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính được báo chí Việt Nam tường thuật trong buổi gặp gỡ cộng đồng kiều bào người Việt tại Luxembourg vừa qua, trở về nước không còn là con đường duy nhất để các du học sinh đóng góp cho đất nước. “…hiện nay, chúng ta có rất nhiều công cụ để có thể đóng góp cho đất nước từ xa nếu yêu nước thực sự, trái tim, khối óc, tình cảm, trách nhiệm, hành động luôn hướng về đất nước”, Thủ tướng nói(1).

Có lẽ câu trả lời của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho câu hỏi “nên về hay nên ở” của một bạn du học sinh tại Luxembourg là một trong những ý kiến rõ ràng nhất về vấn đề này cho đến nay. Theo ông, “về hay ở” vẫn là một điều băn khoăn, trăn trở với nhiều du học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng đây không còn là vấn đề lớn vì quyền chọn lựa của mỗi người nên được tôn trọng(2). “Điều quan trọng là mỗi người có được cuộc sống hạnh phúc, ấm no để lo cho gia đình, lo cho đất nước, luôn có trái tim và tình cảm đóng góp xây dựng cho đất nước”.

Ông khẳng định, “… yêu nước không hạn chế phạm vi, địa bàn, trong nước hay ngoài nước, miễn đóng góp cho đất nước là yêu nước”(3).

Không thể dùng vũ lực bắt buộc một người yêu nước mà chỉ có thể giáo dục, hun đúc tinh thần yêu nước cho công dân. Theo lẽ thường, con người sinh ra có sự gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn. Trong nhiều trường hợp, lòng yêu nước đến với mỗi người một cách tự nhiên khi họ sinh ra. Nhưng tình yêu đó có lớn lên hay không, có trở nên nồng nàn hay không thường bắt nguồn từ việc sợi dây tình cảm với đất nước có nảy nở theo thời gian hay không.

Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố; và theo người viết, một trong những yếu tố quan trọng nhất là tình cảm với đất nước phát triển khi một công dân cảm thấy đất nước này đã cưu mang mình, đối xử công bằng với mình và gia đình mình. Khi ấy, lòng yêu nước sẽ đến tự nhiên như hơi thở. Khi ấy, lòng yêu nước sẽ khiến công dân sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, thậm chí chia sẻ, hy sinh khi đất nước gặp khó khăn.

Có người kể câu chuyện sau. Anh là một du học sinh người Việt từng được học bổng tại một trường đại học ở Manila, Philippines. Sau khi tốt nghiệp về nước, trong một thời gian rất dài, cứ gần đến ngày sinh nhật, anh lại nhận được một bức thư chúc mừng từ ngôi trường cũ. Ngoài lời chúc mừng sinh nhật, bức thư không quên nhắc nhở anh rằng nếu có điều kiện, anh nên đóng góp phần mình vào quỹ học bổng của trường nhằm giúp đỡ một số sinh viên khó khăn hoàn tất chương trình học. Anh cho rằng lời kêu gọi đó là hoàn toàn đúng đắn bởi lẽ khi con người có cảm giác mình được cưu mang bởi một ai đó – có thể là người khác, một tổ chức nào đó hay chính đất nước mình – thì chuyện đóng góp trở lại vừa là bổn phận vừa xuất phát từ tình cảm hoàn toàn tự nhiên và tự nguyện.

Trở lại với câu chuyện “nên ở hay nên về” của các du học sinh Việt Nam nêu ở đầu bài viết này. Có lẽ các bạn đã hoàn toàn thoải mái giải quyết vấn đề của mình sau câu trả lời của Thủ tướng. Các bạn cứ an tâm với lựa chọn của mình nếu như các bạn không quên sợi dây tình cảm nối mình với nơi mình sinh ra.

—————

(1)https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-du-o-dau-dong-gop-duoc-cho-dat-nuoc-la-yeu-nuoc-post989699.vov

(2), (3)https://tuoitre.vn/du-hoc-sinh-ban-khoan-ve-hay-o-thu-tuong-noi-du-o-dau-cu-dong-gop-cho-dat-nuoc-la-yeu-nuoc-20221210214604495.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Về là chấp nhận, là lựa chọn của con tim hơn là lý trí. Ở là bổn phận, là sự cân bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi. Về hay ở, cũng được thôi. Đó là cách nói. Còn cách làm phải khác. Khi nào cũng phải đặt mình ở vị trí người đang phân vân giữa về và ở.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới