Thứ Ba, 3/10/2023, 11:50
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


“Vẽ lại” bản đồ bán lẻ hàng  công nghệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Vẽ lại” bản đồ bán lẻ hàng  công nghệ

Kinh tế khủng hoảng, sức mua giảm sút khiến các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi siêu thị điện thoại phải đóng cửa một số điểm để tiết giảm chi phí. Ảnh chụp tại một siêu thị điện thoại của Viễn thông A. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Sau gần hai năm diễn ra cuộc đua sôi động của các chuỗi siêu thị bán lẻ hàng công nghệ trong nước, nay các doanh nghiệp này đang phải “vẽ lại” bản đồ phân phối của mình vì thị trường suy thoái.

Mở đầu cho tín hiệu không mấy khả quan đầu năm nay là Thế Giới Di Động và Viễn Thông A, hai doanh nghiệp đang nắm giữ hệ thống bán lẻ điện thoại di động lớn nhất tại Việt Nam, đóng cửa một loạt siêu thị. Có thể nói điều này đang chấm dứt, ít nhất là trong ngắn hạn, cuộc chạy đua về số lượng các hệ thống bán lẻ để đối phó với tình hình sức mua giảm sút.

Trước đó, cả hai công ty trên đều công bố nỗ lực thiết lập chuỗi 40 siêu thị điện thoại trong năm 2008, nhưng nay mỗi chuỗi đang dừng ở con số trên dưới 30.

Thị trường giai đoạn này cũng chứng kiến sự phát triển nhanh của Phước Lập Mobile, cuộc ra mắt ấn tượng của FPT [IN], nhưng sau gần hai năm không mấy thành công thì nay hệ thống FPT [IN] cũng được chuyển sang thương hiệu mới là FPT Shop.

Chưa hết, trong khi những chuỗi siêu thị chuyên bán điện thoại “nạp thêm” các mặt hàng di động khác như máy tính xách tay, máy ảnh, máy nghe nhạc, thì các siêu thị chuyên về hàng điện máy như Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Trần Anh… cũng “lấn sân” sang lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.

“Vẽ lại” bản đồ

Những tưởng cuộc đua sôi động này sẽ đẩy nhanh độ lớn của thị trường công nghệ thông tin – viễn thông trong nước, nhưng thị trường suy thoái đã tác động nhanh đến các doanh nghiệp này. Nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa để xác định lại thị trường, tính toán hiệu quả kinh doanh.

Ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, thừa nhận thị trường bán lẻ năm 2008 bắt đầu đình trệ, nay càng khó khăn hơn. Người tiêu dùng trong lúc khó khăn càng dè xẻn, tiết kiệm trong chi tiêu.

Theo ông Tài, việc đóng cửa bớt các siêu thị là để cắt giảm chi phí trong điều kiện doanh thu đang tụt giảm. “Quá trình suy thoái này cũng tác động đến quan điểm kinh doanh của chúng tôi. Trước đây, việc “phủ sóng” chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di dộng đi theo nhà khai thác mạng, còn hiện nay theo hướng chọn lọc hơn, tính toán theo sức mua, nơi nào sức mua cao sẽ phủ dày, còn những nơi khác thì chờ thời điểm thị trường hồi phục mới phủ rộng”, ông Tài nói.

Bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng giám đốc Viễn Thông A, cho biết công ty cũng buộc phải xác định lại độ phủ của hệ thống, cấu trúc lại bản đồ phân phối và đóng cửa một số cửa hàng. Trước đây các siêu thị có thể đặt ở ngoại thành, tại những vị trí đắc địa như gần khu công nghiệp, trường đại học đồng thời vẫn phủ dày trong nội thành.

“Khi sức mua tăng trưởng tốt thì phủ dày, phủ rộng và mở nhanh là tất yếu, vì hệ thống phải đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Nhưng nay sức mua giảm, hệ thống của chúng tôi phải giảm theo vì việc duy trì các siêu thị kinh doanh không hiệu quả làm tăng chi phí quản lý”, bà Vy nói.

“Bao giờ cho đến tháng 10”

Doanh thu của hai chuỗi siêu thị điện thoại này năm 2008 chiếm gần 20% thị phần điện thoại di động chính hãng tại Việt Nam. Vì thế, sự tác động của nó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến bức tranh thị trường hàng công nghệ hiện nay. Tham vọng mở nhanh hệ thống để tăng sự nhận diện thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ của cả hai công ty này đang gặp khó khăn do thị trường suy giảm. Sự cạnh tranh không còn được ưu tiên, thay vào đó là quay về co cụm ở những khu vực lớn, sức mua được duy trì tốt.

Bà Vy cho biết kế hoạch mở 40 siêu thị đề ra trong năm 2008 của Viễn Thông A đã thất bại. Tuy nhiên việc điều chỉnh lại kế hoạch phát triển hệ thống chỉ là trong ngắn hạn. Về dài hạn, kế hoạch thành lập 100 điểm bán lẻ trong ba năm tới của công ty vẫn giữ nguyên vì qua giai đoạn suy thoái, thị trường sẽ tăng trưởng trở lại và thị trường công nghệ tại Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng. “Khi thị trường tăng trưởng mạnh, chúng tôi lại sẵn sàng mở rộng vì mô hình cửa hàng bán lẻ vốn cơ động sẽ phát triển nhanh và dễ dàng”, bà Vy nói.  

Theo ông Tài, nhu cầu thị trường Việt Nam thực ra vẫn rất lớn, vì thế số lượng điện thoại bán ra năm nay có thể không giảm mạnh nhưng giá trị sẽ giảm mạnh, ít nhất là giảm 20% doanh thu (năm 2008 Thế Giới Di Động công bố doanh thu hơn 1.500 tỉ đồng).

Các nhân tố thị trường hiện đang bất lợi. Thứ nhất là trung bình vòng đời của sản phẩm bán ra trong năm 2007 là 24 tháng, đến năm 2008 còn 18 tháng, nay chu kỳ này đang dừng hoặc tăng lên trở lại. Thống kê của Thế Giới Di Động cho thấy giá trung bình từ một chiếc điện thoại trong vòng ba năm 2006 – 2008 giảm tương ứng là 2,6, 1,9 triệu và 1,6 triệu đồng, nay sẽ còn giảm mạnh.

Theo bà Vy, mức giá trung bình của điện thoại di động trước đây trên 2 triệu đồng thì năm 2008 còn 1,6 triệu và dự báo năm nay chỉ còn khoảng 1,3 triệu đồng. Điều này ảnh hưởng mạnh đến doanh thu (1.400 tỉ đồng sau thuế năm 2008) của Viễn Thông A.

Theo chu kỳ tiêu dùng mỗi năm thì thị trường sẽ tăng mạnh vào quí 4, đầu quí 1. Các hãng sản xuất, nhà phân phối và bán lẻ điện thoại đang tung ra những chương trình kích thích mua sắm. Điều này đã góp phần thúc đẩy sức mua trong quí 1-2009 tăng nhanh so với cuối năm 2008. Nhưng theo ông Tài, bắt đầu quí 2, thị trường sẽ sụt giảm và chỉ có thể lấy lại đà tăng trưởng từ khoảng tháng 10.

Hàng năm, các doanh nghiệp trông chờ thời điểm này để kích thích tiêu dùng và tăng doanh thu. “Nhưng với tình hình kinh tế hiện nay, còn quá sớm để có thể khẳng định lúc nào thị trường sẽ hồi phục”, ông Tài nói. “Tiết giảm chi phí, luôn duy trì tốt các kênh dịch vụ hậu mãi và đa dạng hóa các dịch vụ gia tăng cho người dùng vẫn là vấn đề ưu tiên”.

Thị trường bán lẻ nói chung được dự báo sẽ sôi động khi chính thức mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài trong năm nay, tuy nhiên thực tế đã không như kỳ vọng. Không chỉ các chuỗi siêu thị điện thoại đã đề cập ở trên mà nhìn chung những cửa hàng điện máy, viễn thông vốn có sức mua mạnh nay cũng đìu hiu. Những nhà bán lẻ nước ngoài trong cùng lĩnh vực này mới bước vào Việt Nam  như Best Carings cũng chưa thể tạo nên sức bật.

Tình hình khó khăn hiện nay tác động đến tất cả, không loại trừ doanh nghiệp nào. Doanh nghiệp nào đủ năng lực tài chính và quản lý tốt mới có thể vượt khủng hoảng và cạnh tranh về lâu dài. “Thị trường suy thoái cũng là cơ hội để chúng tôi kiện toàn hệ thống, tái cấu trúc công ty theo mô hình hiện đại và hiệu quả hơn”, bà Vy cho biết.

TUYẾT ÂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới