Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Về quê tránh dịch: nên, không nên?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Về quê tránh dịch: nên, không nên?

Nhân Tâm

Về quê tránh dịch: nên, không nên?

(KTSG Online) – Các địa phương miền Trung đang tích cực hỗ trợ người dân của mình đang mưu sinh hay học tập tại TPHCM và miền Nam có nguyện vọng quay trở về trong nỗ lực giảm tải gánh nặng y tế cho các địa phương đang bùng phát dịch. Nhưng chuyện không chỉ đơn giản như thế.

Vừa qua, tại Đà Nẵng có những ý kiến trái chiều xung quanh thông tin hàng chục người sau khi quay về từ TPHCM đã không muốn ở trong khách sạn với chi phí quá đắt cho 14 ngày cách ly và xét nghiệm, đồng thời họ cũng không được hỗ trợ để ở tại các khu cách ly tập trung.

Một số ý kiến đồng cảm khi cho rằng chính quyền thành phố Đà Nẵng nên có những động thái hỗ trợ ngay, chứ không nên để tình trạng này xảy ra.

Tuy nhiên, một số người khác lại không đồng tình. Họ cho rằng Đà Nẵng đã công bố kế hoạch tổ chức các chuyến đón công dân bằng máy bay, tàu hỏa hoặc ô tô cách nhau 14 ngày, bao gồm lưu trú miễn phí hoặc giá thấp, để đảm bảo đủ cơ sở vật chất và nguồn lực y tế trong phòng chống dịch. Đầu mối liên lạc để đăng ký tham gia các chuyến đón công dân này cũng được công bố trên nhiều kênh khác nhau.

Vì vậy, theo những ý kiến trên, những người có nguyện vọng trở về lẽ ra nên đăng ký và chờ đợi các lượt sắp xếp của chính quyền. Tuy nhiên, họ lại nôn nóng, tự làm theo ý mình. Họ tự mua vé máy bay và quay trở về thì phải tự xoay xở và phải chấp nhận trả phí cao để cách ly. Nếu cùng một lúc xử lý cách ly hàng ngàn người thì vượt ngưỡng chịu đựng của y tế.

Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện khó xử trong những ngày gần đây khi các địa phương miền Trung đón công dân của mình quay trở về từ vùng dịch. Câu chuyện 5 mẹ con người Nghệ An bị bỏ lại đã về quê an toàn hay câu chuyện Công an Huế hỗ trợ 229 người từ miền Nam về quê để tránh dịch vừa gây thương cảm cũng vừa gây lo lắng việc lây lan dịch bệnh.

Tin tức cho biết, tính từ ngày 25 đến 27-7, hơn 3.000 người đi từ các tỉnh phía Nam trở về Huế qua các trạm kiểm soát tại thị trấn Lăng Cô, dưới chân đèo Hải Vân. Vấn đề là lượng người tập trung tại các trạm kiểm soát và trung chuyển khá đông, điều này không thể đảm bảo quy tắc 5K.

Thậm chí, sáng 28-7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin có 2 ca mắc Covid-19 mới của địa phương này. Cả hai bệnh nhân đều chạy xe máy từ TPHCM về đến Huế lúc 16 giờ ngày 22-7 tại chốt kiểm soát Lăng Cô (huyện Phú Lộc) khai báo y tế và cách ly tập trung. Đáng chú ý đây là 2 trong tổng số 10 ca mắc Covid-19 của Thừa Thiên – Huế có điểm chung là đi xe máy từ vùng có dịch để về quê.

Trước tình hình này, tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi người dân không nên tự ý rời khỏi tâm dịch. Người dân đang sống tại các vùng dịch hãy bình tĩnh, phối hợp với chính quyền nơi cư trú đẩy lùi dịch bệnh. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết do điều kiện cơ sở cách ly có hạn nên tỉnh không thể đón tất cả mọi người về quê mà ưu tiên đón người già, trẻ em, người mang thai, người yếu thế về quê tránh dịch.

Có thể nói, việc các địa phương miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam hay Thừa Thiên Huế tổ chức đón người dân đang sinh sống, làm việc và học tập tại các địa phương phía Nam về quê để tránh dịch vừa mang ý nghĩa nhân văn vừa giúp các tỉnh/thành phía Nam giảm bớt áp lực để phòng chống dịch hiệu quả hơn. Tuy nhiên, năng lực các địa phương có hạn. Khi số người được đưa đi cách ly vượt năng lực y tế của các địa phương thì tình hình phòng chống dịch bệnh tại những nơi này sẽ càng trở nên căng thẳng hơn và nguy cơ bùng dịch mạnh.

Vì vậy, ngoài những kế hoạch của các chính quyền địa phương miền Trung, cần có sự phối hợp từ chính những người dân muốn về quê. Họ cần nắm bắt thông tin rõ ràng từ các địa phương để có thể lên kế hoạch về quê tránh dịch trong an toàn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới