Vệ sinh kém đang “ăn” vào thành quả tăng trưởng
![]() |
Thu gom rác thải trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) – Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng thiệt hại kinh tế nói chung do vệ sinh môi trường kém bằng khoảng 1,3% GDP của Việt Nam hàng năm, tương đương 780 triệu đô la Mỹ!
Với dân số 84,2 triệu người, trong đó 61,4 triệu người sống ở khu vực nông thôn và 22,8 triệu người ở thành thị (theo số liệu của WB trong báo cáo nghiên cứu “Tác động kinh tế của vệ sinh môi trường ở Việt Nam” hồi tháng 2-2008), chỉ có 50% số hộ gia đình ở nông thôn tiếp cận được với các dịch vụ vệ sinh cải thiện, ở thành thị là 92%. Tại thành thị, cũng chỉ có 14% lượng nước thải được xử lý.
Báo cáo nói trên do Chương trình Nước và Vệ sinh (WSP) khu vực Đông Á – Thái Bình Dương thuộc WB tiến hành trong khuôn khổ dự án “Đánh giá khía cạnh kinh tế của vệ sinh môi trường” nhằm đưa ra bằng chứng về tác động của tình trạng vệ sinh môi trường kém và lợi ích khi vấn đề này được cải thiện tại năm nước: Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines và Việt Nam. Báo cáo đã lượng hóa sự tác động của vệ sinh môi trường kém đối với các lĩnh vực y tế, nguồn nước, môi trường, du lịch và các phúc lợi khác.
Báo cáo cho biết thiệt hại về tài chính tại Việt Nam (dưới dạng các khoản chi phí hoặc thu nhập bị mất đi do vệ sinh môi trường kém gây ra) trung bình tương đương khoảng 0,5% tổng sản phẩm quốc dân (GDP) hàng năm, tức khoảng 290 triệu đô la Mỹ, tổn thất về kinh tế nói chung bằng 1,3% GDP, tức 780 triệu đô la Mỹ (xem bảng).
Ông Phạm Ngọc Thắng, chuyên gia tư vấn của WSP tại Việt Nam kiêm Trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng bên cạnh thói quen sinh hoạt của người dân, một trong những nguyên nhân của thực trạng vệ sinh môi trường kém chính là sự thiếu quan tâm đúng mức của Nhà nước.
“Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho vệ sinh môi trường chỉ đủ đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu thực tế”, ông Thắng khẳng định.
Mặc dù, 15 năm qua mức độ tiếp cận các dịch vụ vệ sinh của người dân đã tăng lên khá ổn định song vệ sinh môi trường vẫn còn là một vấn đề chưa được chú ý và nó đang gây ra nhiều hệ quả xấu. Một ví dụ: Năm 2004, tỷ lệ sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn ở khu vực nông thôn và thành thị lần lượt là 50% và 92%, tức là vẫn còn khoảng 30 triệu người dân chưa có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ vệ sinh cơ bản.
![]() |
Theo tính toán của WSP, với mức tăng trưởng dân số hơn 1,3%/năm thì mỗi năm có một triệu người Việt Nam cần được đáp ứng nhu cầu về cơ sở và điều kiện vệ sinh cần thiết cho mình.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa phát triển kinh tế và đảm bảo vệ sinh môi trường đang ngày càng gia tăng và đây là khía cạnh bị sao nhãng trong quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Trong tổng thiệt hại kinh tế do vệ sinh môi trường kém, thiệt hại đối với y tế ước tính là 262 triệu đô la Mỹ/năm và được chia ra ba nhóm (chi phí cho chăm sóc y tế, mất sức lao động và thiệt hại về người).
Kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu chỉ ra vệ sinh môi trường kém là thủ phạm gây ra 7,05 triệu ca mắc bệnh tiêu chảy mỗi năm (nhiều nhất) và căn bệnh này cũng là nguyên nhân chính dẫn tới 4.576 trường hợp tử vong hàng năm.
Tiếp đó, có tổng số 2,4 triệu ca bệnh ghẻ, giun sán, viêm gan A và đau mắt hột và 0,9 triệu ca liên quan đến suy dinh dưỡng hàng năm trên cả nước.
Liên quan đến nguồn nước, mỗi năm đất nước bị thiệt hại 287,3 triệu đô la Mỹ do tổn thất về ô nhiễm nguồn nước. Theo WSP, tại Việt Nam hàng năm có khoảng 2,3 triệu tấn phân, 46 triệu mét khối nước tiểu và 610 triệu mét khối nước thải sinh hoạt gia đình đổ vào các nguồn nước trong đất liền.
THÀNH TRUNG
Nên tăng đầu tư cho vệ sinh môi trường Ông Phạm Ngọc Thắng, Trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo “Tác động kinh tế của vệ sinh môi trường ở Việt Nam” của Chương trình Nước và Vệ sinh (WSP) tại Việt Nam, cho rằng nguyên nhân của vấn đề vệ sinh môi trường kém, về phía Nhà nước là do chính sách và đầu tư không thỏa đáng, cũng như việc tổ chức thực hiện không tốt; về phía người dân là do sự hiểu biết kém về vệ sinh môi trường, cũng như nhận thức còn hạn chế về lợi ích thu được khi quan tâm và đầu tư cho lĩnh vực này. Thói quen vệ sinh cá nhân có vai trò quan trọng nên các hoạt động cải thiện thói quen này cần được lồng ghép trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện các chương trình vệ sinh. Bộ Y tế cần tiếp tục đóng vai trò trung tâm đối với khía cạnh y tế của các chương trình vệ sinh. Theo ông Thắng, khi nguồn lực tài chính còn khan hiếm, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho bộ phận dân cư chưa có nhà vệ sinh mặc dù biết rằng hiệu quả đầu tư sẽ thấp do họ nghèo và nhận thức còn hạn chế. Ngoài ra, việc tăng ngân sách đầu tư cho vệ sinh môi trường là rất cần thiết. Trước mắt, Nhà nước cần chú trọng vào những vấn đề có thể thực hiện, không phức tạp nhưng có tác động lớn, tập trung vào đối tượng trẻ em, chẳng hạn như thiết kế các nhà vệ sinh đơn giản và an toàn, có biện pháp cách ly các nguồn thải và cải thiện thói quen vệ sinh cá nhân. T.T |