Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Venezuela – những ngày khốn khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Venezuela – những ngày khốn khó

Đức Tâm

(TBKTSG Online) – Nước và lương thực trở nên khan hiếm và đắt đỏ, bệnh viện thiếu hụt ngay cả kim tiêm và danh sách người khám bệnh chờ đợi kéo dài hàng tháng, những cánh đồng bị bỏ hoang, nhà máy bị bỏ không … còn người dân phải mang cả những bao tiền để đi mua thực phẩm thiết yếu tại chợ đen mà chưa chắc đã có để mua. Đây là hình ảnh phổ biến diễn ra khắp nơi tại Venezuela những ngày này, nơi con người đang cố gắng tồn tại hơn là sống.

Venezuela - những ngày khốn khó
Một con đường ở Venezuela. Đất nước này phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ và khi giá dầu xuống thấp kéo dài thì Venezuela khó tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ. Ảnh NYT

Những ngày buồn u ám

Ngày 9-2, ngày cuối trong 30 ngày đầu tiên tác nghiệp trên hành trình dọc đất nước Venezuela khi quốc gia này chìm sâu vào khủng hoảng, Nicholas Casey, phóng viên báo The New York Times, gặp Rodolfo Palencia, một người chủ trại gia súc đang nằm trên võng hát những bài hát anh ấy viết về bang Barinas, quê hương anh, mảnh đất nông nghiệp màu mỡ nhất của đất nước, theo lời bài hát.

Nhưng đó là những bài hát nói về một khoảng thời gian khác. Còn hiện tại, những cánh đồng trồng các loại đậu đã bị bỏ hoang và cỏ dại mọc đầy. Gần đó, một ruộng mía đã chết và nhà máy đường được chính phủ Venezuela xây dựng vào đầu những năm 2000 không thể vận hành.

Đường không có, và sữa cũng không có. Trớ trêu thay, cách đây một thập kỷ, tại khu vực này từng có một nhà máy sản xuất 126.000 lít sữa mỗi năm. Ngày nay, tại đó, chỉ có duy nhất một người bảo vệ gác cổng. Hệ thống làm lạnh của nhà máy bị rỉ sét và những con dơi đã xuất hiện.

Cách đó vài dặm là một nhà máy sản xuất thức ăn cho cá với những thiết bị hàng nghìn đô la, chưa từng được sử dụng nhưng đã rỉ sét trong khi những người chăn nuôi không có thực phẩm để cho cá ăn. Tài liệu hướng dẫn vận hành vẫn còn nằm trong một cái túi nhựa có khóa. Những hóa đơn vương vãi trên sàn nhà máy cho thấy thiết bị được nhập từ một công ty ở Đức có tên Andritz Feed & Biofuel.

Thật là một sự lãng phí, Palencia nói và cố gắng kềm chế sự tức giận của mình. Lỗi tại ai? Cựu tổng thống Hugo Chaves, người đã mất vào năm 2013, hay lời nguyền rủa của dầu mỏ?

Trước đó, ngày 30-1, tại Merida, một thị trấn vùng núi thuộc khu vực Andes, nơi từng có tuyến cáp treo nổi tiếng cùng tên, Nicholas Casey và đồng nghiệp Meridith Kohut – một phóng viên ảnh đi cùng, gặp Frank Tirado, một nhà thiết kế trẻ chủ động bắt chuyện cùng anh để luyện tiếng Anh.

Frank có một nụ cười rạng rỡ và cách nói chuyện ấm áp, ngây thơ nhưng nếu không gặp may mắn, có lẽ giờ đây anh ấy đã trở thành một người bị bại liệt.

Vài tháng trước, Frank bị đau đầu và mất dần thị giác. Anh đến một bệnh viện tại Perto Ordaz được bác sĩ khoa thần kinh cho biết có một khối u trong não mà nếu không phẫu thuật sớm thì sẽ bị tê liệt.

Đó là một vấn đề nghiêm trọng nhưng còn có một vấn đề khác khó khăn không kém: danh sách người chờ khám tại bệnh viện công kéo dài hơn một tháng; chưa kể những bệnh viện công trên cả nước đều rơi vào tình trạng khủng hoảng do thiếu thuốc kháng sinh và những thiết bị y khoa cơ bản.

Liệu Frank có đủ tiền để trả cho dịch vụ từ một bệnh viện tư nơi anh ấy có thể được phẫu thuật ngay lập tức, như lời đề nghị của một bác sĩ phẫu thuật? Câu trả lời với hầu hết người dân Venezuela là không thể.

Tuy vậy Frank may mắn khi có hai người dì ở Mỹ gửi cho 400 đô la Mỹ để chi trả chi phí phẫu thuật và đủ dư một chút để sử dụng trong quá trình hồi phục. Sức khỏe Frank đã khá hơn mặc cho vết sẹo vẫn còn trên đầu như dấu ấn của những tháng khó khăn nhất trong cuộc đời.

Dĩ nhiên cuộc sống vẫn không hẳn dễ chịu và như rất nhiều người khác, khi Frank vẫn chưa tìm được việc làm trong khi giá mua một túi đậu đen trên đường phố, một thực phẩm thiết yếu nhưng đã trở nên vô cùng khan hiếm, đã lên tới 3.000 bolivar – đơn vị tiền tệ của Venezuela, đắt gấp 200 lần đơn giá trong cửa hàng tạp hóa do nhà nước quản lý cách đây một năm, và chiếm hơn một tuần lương làm việc.

Trên đây chỉ là vài câu chuyện trong số rất nhiều câu chuyện mà Nicholas viết. Có lẽ chàng phóng viên của New York Times cần cả một cuốn sách để có thể ghi lại giai đoạn lịch sử này của Venezuela.

Bầu trời vẫn đầy mây đen

Tình trạng u ám tại Venezuela là điều ai cũng nhận ra khi nhìn qua tít của một số tờ báo quốc tế. Trên tờ The Washington Post ngày 29-1, trong bài báo mang tựa đề “Venezuela trên bờ vực sụp đổ kinh tế”, cây bút Matt O’Brien thậm chí còn đặt câu hỏi liệu chính phủ Venezuela hay nền kinh tế sẽ sụp đổ trước.

Financial Times cũng đặt vấn đề tương tự hôm ngày 3-2 khi cho rằng có thể đã quá trễ để tránh một thảm họa tại Venezuela.

Tuy vậy, một câu hỏi có lẽ quan trọng hơn, đó là liệu thảm họa này kéo dài trong bao lâu và Venezuela mất bao lâu để khôi phục lại nền kinh tế cùng sự ổn định tại đất nước.

Thật khó để trả lời câu hỏi này khi giá dầu thế giới vẫn chưa cho thấy dấu hiệu tăng trở lại một cách rõ ràng và bền vững trong khi Venezuela quá phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này. Mặt khác, chính bản thân chính phủ Venezuela cũng không đưa ra được những kế hoạch thuyết phục để giải quyết vấn đề bất ổn hiện nay.

Cụ thể, trong bài viết trên tờ Financial Times nêu trên, Ricardo Hausmann, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Phát triển quốc tế tại trường Đại học Harvard phân tích, nếu giá dầu ở mức trung bình như trong tháng 1 vừa qua, doanh thu xuất khẩu dầu thu về trong năm 2016 của Venezuela sẽ không đến 18 tỉ đô la Mỹ, trong khi khoản nợ phải trả là hơn 10 tỉ đô la. Như vậy, chỉ còn dư chưa đến 8 tỉ đô la dành cho nhập khẩu hàng hóa, con số khá nhỏ so với tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này trong năm 2015 là 37 tỉ đô la. Khoảng dự trữ ròng thấp hơn 10 tỉ đô la và Venezuela lại không tham gia vào thị trường tài chính quốc tế.

Trong hoàn cảnh như vậy, chính quyền đã không thông báo bất kỳ kế hoạch nào để cân bằng vấn đề thanh toán. Venezuela cũng không có chiến lược tìm sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế. Họ thậm chí còn không tăng giá xăng từ mức hiện tại, với 1 đô la Mỹ mua được 10.000 lít xăng, Ricardo Hausmann viết.

Chưa hết, về chính trị, khi đã giành quyền kiểm soát quốc hội, đảng đối lập đang đấu tranh để giành lấy quyền lực và tầm ảnh hưởng. Giữa khủng hoảng chính trị, mọi thứ chắc chắn sẽ trở nên thực sự lộn xộn.

Và theo đó, những quốc gia láng giềng Venezuela cũng như nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng. Colombia đã cảm nhận được ảnh hưởng bởi quyết định vào tháng 9-2015 đưa ra bởi Nicolas Maduro, người kế nhiệm Hugo Chavez ở vị trí tổng thống, khi đóng cửa biên giới để tránh buôn lậu. Các nhà xuất khẩu đến Venezuela đang bị nợ hàng chục tỉ đô la Mỹ.

Dưới những điều kiện như vậy, theo Ricardo Hausmann, việc Venezuela vỡ nợ ở quy mô tương tự như cuộc khủng hoảng tại Argentina gần như không thể tránh khỏi. Và khi đó, không chỉ mỗi mình người dân Venezuela bị tổn thương.

Kết thúc bài viết, Ricardo cho rằng có lẽ quá trễ để Venezue tránh một thảm họa. Nhưng để giảm sự tác động do thảm họa này gây ra, các quốc gia cần thông qua một kế hoạch kinh tế hợp lý để có thể kêu gọi sự hỗ trợ tài chính từ quốc tế. Đã không còn thời gian để các quốc gia tiếp tục đứng bên lề cuộc khủng hoảng tại Venezuela.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới