Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Verona không có Romeo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Verona không có Romeo

(TBKTSG) – Một ban công hẹn hò, một ngôi mộ, và một câu chuyện tình bước ra từ tác phẩm văn học đã giúp Verona được du khách thế giới biết đến như một điểm hẹn của tình yêu vĩnh cửu. Nhưng thành phố ở miền Bắc nước Ý không chỉ có thế.

Vài chục năm trước, danh ca người Pháp gốc Armenie, Charles Aznavour đã mượn lời “Nous irons à Vérone” để lên kế hoạch đi Verona với người yêu: Nous irons à Vérone un beau jour tous les deux au balcon qui connurent Romeo et Juliette. Puis anonymement sur leur tombe muette nous jetterons des fleurs émus silencieux… (Một ngày đẹp trời chúng ta sẽ đi Verona, đến cái ban công mà Romeo và Juliette đã gặp nhau. Và âm thầm rải lên ngôi mộ lặng im của họ những bông hoa…).

Có vẻ mọi chuyện rất thuận lợi cho du khách đến Verona, khi cái ban công hẹn hò nằm ngay khu phố trung tâm luôn cuộn chảy dòng người bộ hành. Nhiều dấu hiệu cho thấy nàng Juliette – và chàng Romeo – hiện diện tại đây: các kiosque bán đồ lưu niệm, tên khách sạn (Giulietta Romeo), tên cửa hàng bán quà (Romeo Giulietta Gifts Shop)… Trước cổng sắt có lối dẫn vào bên trong sân, du khách nhộn nhịp giúp tôi hiểu rằng đã tìm đúng địa chỉ được du lịch hóa bằng những bảng thông tin diễn giải lịch sử ngôi nhà, máy xem hình ảnh và nghe kể chuyện giọng digital voice (có giá 1 euro) bằng năm thứ tiếng tự chọn…

Lang thang qua các con đường nhỏ ở trung tâm Verona, tôi mới hiểu vì sao các hẻm dân cư chộn rộn ở Sài Gòn – Chợ Lớn thu hút du khách nước ngoài đến thế: nó bày ra một không gian sinh hoạt khu phố và gia đình không bị ngăn cách bởi tường cao cửa kín. Du khách nước ngoài đến Việt Nam thích thú quan sát đời sống thường nhật của dân địa phương, ghi hình và tìm hiểu, điều mà họ không dễ tiếp cận ở các nước phát triển do những rào cản vô hình của tự do cá nhân.

Trong sân, du khách ngước nhìn cái ban công bằng đá cẩm thạch màu hồng trên cao. Nhiều người bước đến bên bức tượng Juliette bằng đồng để chụp ảnh kỷ niệm, trong khi thấp thoáng trên ban công cặp tình nhân bằng xương bằng thịt đang hôn nhau với cái giá vài euro tiền vé vào tham quan bên trong ngôi nhà được biến thành bảo tàng Juliette. Ngôi nhà này nằm trong một cung điện thời Trung cổ, hình thành từ một tổng thể kiến trúc có vào những năm 200. Mặt tiền nguyên bản bằng gạch của nó được trùng tu lần gần đây nhất vào năm 2004…

“Cái ban công của nhà Juliette đấy à? Đó chỉ là chuyện của dân làm du lịch, làm gì có thật!”. Anh bạn đồng nghiệp Ấn Độ Antoine Lewis, biên tập viên chuyên về ẩm thực, vừa cười vừa bình phẩm “cay” như cái tên của tập đoàn báo chí Paprika mà anh đang làm việc. Thật ra, du lịch Ý hút khách chẳng cần phải “huyền thoại hóa” bi kịch tình yêu của Juliette và Romeo, khi một cẩm nang du lịch Ý mà tôi tình cờ đọc được tại khách sạn Terra & Vino ở vùng Friuli đã giải thích như sau: “Câu chuyện về đôi tình nhân trẻ Romeo và Juliette đến với chúng ta từ Vicenza, nơi Luigi da Porto đã chọn những cái tên này từ hai dòng họ địa phương. Nhà thơ Arthur Brooke (Anh) đã thể hiện câu chuyện vào năm 1562, thu hút sự chú ý của William Shakespeare, và tác phẩm của văn hào này được xem là cách thể hiện tốt nhất. Dù toàn bộ đều là hư cấu, câu chuyện vẫn thu hút du khách. Thế là thành phố Verona buộc phải tạo dựng ngôi nhà cho đôi tình nhân và ngôi mộ cho Juliette”.

Trên bản đồ du lịch, không khó để tìm ra vị trí ngôi mộ (Tomba di Giulietta) nằm cách ngôi nhà (Casa di Giulietta) khoảng 2 cây số. Bên dưới hầm mộ, không gian như cô đặc lại dưới cái lạnh của thời tiết mùa xuân và chút ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ hắt xuống quan tài rỗng bằng đá còn sót lại những cành hoa và vài mảnh giấy. So với ngôi mộ, cái ban công có sức hút mạnh hơn vì nó khởi đầu một câu chuyện tình vượt qua bất đồng của hai dòng họ thù địch nhau. Du khách bước vào bên trong sân nhà Juliette dễ như đến một điểm hẹn lãng mạn trên hành trình khám phá thành phố và ghi lại kỷ niệm bằng một nụ hôn. Trong khi đó, hầm mộ là dấu chấm hết cho bi kịch tình yêu, qua câu chuyện kể bằng 10 bức tranh khắc đồng của điêu khắc gia Sergio Penetto đặt ở phía trên cầu thang lối ra khỏi hầm mộ. Trong suy nghĩ của không ít du khách, điểm đến này kết thúc trọn vẹn tour tham quan tình yêu, như vẻ mặt hài lòng của bức tượng bán thân William Shakespeare bằng đồng đặt ở ngoài cổng. Nhưng ngôi nhà lẫn hầm mộ đều là “di Giulietta” (của Juliette). Vậy đâu là vết tích của Romeo?

Bản đồ những địa điểm tham quan mà du khách cầm trong tay không nhắc đến Romeo, nhưng quyển sách giới thiệu thành phố thì có. Ngôi nhà Romeo nằm cách quảng trường khu trung tâm Piazza delle Erbe có các sạp bán hàng chừng 150 mét, tôi đi qua hai lần mà không nhận ra. Phải đến khi có một nhóm du khách cao tuổi dừng lại và được hướng dẫn viên giải thích rằng họ đang đứng trước ngôi nhà Romeo, tôi mới chú ý thấy tấm bảng bằng đá trên tường ghi một trích đoạn trong vở diễn của Shakespeare. Thật ngạc nhiên, ngôi nhà Romeo cửa đóng then cài, hoàn toàn không có dấu hiệu của một điểm tham quan!

Verona không chỉ có Casa và Tomba di Giulietta. Thành phố bị vây bọc bởi một tường thành dài, bảo vệ những biểu tượng văn hóa tồn tại qua nhiều thời kỳ khác nhau. Đứng từ Nhà hát La Mã (Roman Theatre) nằm trên ngọn đồi San Pietro mà vết tích còn lại là một sân khấu, du khách có thể phóng tầm mắt lên khu trung tâm thành phố, với cây cầu Pietra (trong tiếng Ý, Pietra có nghĩa là đá) có từ thời La Mã bắc qua con sông nước chảy mạnh bên dưới. Bên kia cây cầu là ngôi nhà thờ bằng đá San Anastasia có bà lão da mặt nhăn nheo đang khất thực bên ngoài lối vào (có lẽ là người Rome). Việc phải mua vé tham quan nhà thờ khiến tôi do dự nghĩ đến thời gian không còn nhiều và thật sự cũng không còn hứng thú ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật trên tường tương tự ở nhiều nơi. Quay ngược ra, tôi thấy đồng 2 euro đặt vào tay bà lão có ích hơn.

Đấu trường Arena ở khu trung tâm là điểm nhấn tham quan với sự có mặt của vài võ sĩ giác đấu sẵn sàng minh chứng cho kỷ niệm của du khách đặt chân đến nơi này bằng tấm ảnh chụp chung có giá vài euro. Đi xa khỏi cổng thành Porto Nuova về phía trung tâm triển lãm Veronafiere, những công trình từ thời La Mã được xây bằng mồ hôi và cả máu của những nô lệ gần như mất hẳn. Thay vào đó là những dãy nhà máy của thời kỳ phát triển công nghiệp trước đây, nay bỏ hoang và đang chờ được tái quy hoạch trong bối cảnh kinh tế không còn thuận lợi.

Khi giúp Verona trở nên nổi tiếng qua bi kịch Romeo và Juliette, văn hào William Shakespeare chưa đặt chân đến thành phố này. Không rõ có phải vì ẩn ý này mà cuối bài hát, Charles Aznavour cũng bỏ dở kế hoạch đến Verona: Mais Vérone est bien loin (Nhưng Verona quá xa)… So với Venise, Milan, Florence… Verona có thể chưa phải là ưu tiên trong các tour du lịch đến Ý. Nhưng thành phố này là chứng nhân của tình yêu bất diệt. Ngày cuối tuần, đường phố xuất hiện nhiều đôi uyên ương đến đây làm lễ cưới. Dấu ấn thần Cupid hiện diện khắp nơi, không chỉ ở cái ban công nhà Juliette. Trên khoảng sân nhỏ của ngọn đồi San Pietro, một trụ sắt lưu giữ những ổ khóa đánh dấu lời thề non hẹn biển nào đó. Những song sắt của cây cầu đá Pietra cũng bị khóa tương tự.

Và Verona còn có “câu chuyện tình khác” của thành phố, như khẩu hiệu “Another love story of Verona” của Ban tổ chức Triển lãm Rượu vang quốc tế Vinitaly. Anh bạn đồng nghiệp Jason Liu đến từ Đài Loan vẫn còn nợ tôi câu trả lời: Tại sao lại có những chai rượu vang trong tủ kính trưng bày kim hoàn, sản phẩm thời trang… thậm chí cả cửa hàng sách?

QUANG THÁI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới