Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vết nứt lòng tin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vết nứt lòng tin

Ngọc Lan

Vết nứt lòng tin
Sự cố rò rỉ nước ở đập thủy điển Song Tranh 2, tỉnh Quảng Nam.

(TBKTSG) – Cho dù chưa có kết luận cuối cùng về việc thân đập thủy điện Sông Tranh 2 có nứt hay không thì chắc chắn rằng vết nứt lòng tin của chính quyền, người dân với chủ đầu tư (EVN) đã và đang lớn dần lên theo cách giải quyết sự cố ở đây.

Sự cố rò rỉ nước ở đập thủy điện  Sông Tranh 2 (riêng tập đoàn Điện lực (EVN) muốn giảm nhẹ vấn đề nên gọi là hiện tượng thấm nước) là điều không ai muốn, nhưng đã xảy ra. Là công trình thủy điện cấp quốc gia (công suất lắp đặt 190 MW), tổng vốn đầu tư trên 5.000 tỉ đồng, qua nhiều vòng thẩm định thiết kế, giám sát của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Hội đồng nghiệm thu của chủ đầu tư EVN… dự án này phải đáp ứng yêu cầu tuổi thọ và độ an toàn mang tính vĩnh viễn. Song sự cố đầu tiên đã xảy ra sau hơn một năm vận hành nhà máy.

Để có được dự án này, hơn 1.000 hộ dân hai huyện miền núi Bắc Trà My và Nam Trà My đã phải rời khỏi nơi sinh sống. Dung tích hồ chứa của thủy điện Sông Tranh 2 là khoảng 730 triệu mét khối nước (lớn nhất miền Trung) nên mọi cảnh báo về các nguy cơ có thể xảy ra liên quan đến “túi nước” khổng lồ ấy phải được quan tâm đúng mức, kể cả ở những thời điểm bình thường.

Trong lịch sử xây dựng thủy điện ở Việt Nam, theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn Việt Nam, đã có nhiều sự cố vỡ đập, nứt đập xảy ra như vỡ đập thủy điện Hố Ô, vỡ đập thủy điện Hà Tĩnh. Chính vì vậy, sự cố rò rỉ nước ở một công trình cấp quốc gia như thủy điện Sông Tranh 2 là điều càng đáng quan tâm.

Để phát triển kinh tế, người dân Quảng Nam và nhiều vùng miền khác trong cả nước đã hy sinh rất nhiều thứ để chung tay với Nhà nước và doanh nghiệp xây dựng các dự án. Do vậy, khi xảy ra bất cứ sự cố nào, cách ứng xử của chủ đầu tư và các bên liên quan phải nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, phải đặt lợi ích của họ lên hàng đầu. Cho dù chưa có kết luận cuối cùng về việc thân đập thủy điện Sông Tranh 2 có nứt hay không nhưng chắc chắn rằng đã xuất hiện “vết nứt” lòng tin của chính quyền, người dân với chủ đầu tư (EVN) và nó đang lớn dần lên theo cách giải quyết sự cố ở đây.

Theo thừa nhận của EVN, sự cố bắt đầu xuất hiện từ tháng 2-2012. Lúc đầu, các đơn vị tại chỗ đã xử lý chống thấm nhưng không hiệu quả, nước vẫn chảy ra, vậy mà EVN vẫn không thành lập đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo giải quyết sự cố. Cho đến khi chính quyền tỉnh Quảng Nam và báo chí lên tiếng thì EVN mới nhập cuộc. Song mọi thông tin phát đi về sự cố đáng ra phải xuất phát từ đơn vị quản lý cao nhất  là tập đoàn EVN, sau quá trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ, với những chứng cứ khoa học hẳn hoi thì, thật đáng trách, nó lại được phát đi từ Ban quản lý dự án thủy điện 3 (hôm 19-3). Đây cũng là nguyên nhân khiến các chuyên gia, nhà khoa học phản ứng.

Cũng không đợi đến kết luận ban đầu của Cục Giám định nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) về sự cố ở đập thủy điện sông Tranh, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, người có hàng chục năm gắn bó với EVN và ngành điện, đã sớm chỉ ra rằng rò rỉ nước ở đập thủy điện chủ yếu vì thiết kế thiếu đường ống thoát nước kết nối từ dãy tầng hầm bên trái với dãy bên phải để thu nước dẫn về hạ lưu. Sự việc này cho thấy công trình không đạt yêu cầu kỹ thuật như đã  được khẳng định.

Vậy mà đến văn bản đầu tiên do EVN soạn thảo phát đi một tuần sau đó (hôm 26-3), tập đoàn này vẫn chưa thẳng thắn nhìn nhận sự cố mà chỉ lý giải thấm nước là do nước không được thu gom hết về các hành lang thu nước trong thân đập để dẫn ra hạ lưu, là chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ thu nước thấm trong thân đập… Việc diễn giải không đi thẳng vào tính chất sự việc cho thấy EVN chưa đánh giá đúng tầm mức vấn đề. Bởi lẽ, việc làm sai thiết kế ban đầu cần phải được giải quyết bởi các phương án căn cơ chứ không thể dùng các biện pháp đối phó tình huống như EVN đã làm.

EVN còn khẳng định đập chính chưa xuất hiện các vết nứt trong bê tông. Họ cho rằng, theo quy luật tự nhiên, các dư chấn của động đất (3,5 độ richter hồi tháng 11-2011 ở Quảng Nam) sẽ thấp hơn nhiều và giảm dần theo thời gian. Thực ra thì trách nhiệm thông tin, dự báo về động đất không phải là chức năng của EVN. Họ có thể đưa ra những thông tin về an toàn đập dựa trên những dự báo mới nhất của cơ quan chuyên môn có trách nhiệm dự báo về động đất. Làm thay việc người khác một cách vội vàng, thiếu chứng cứ càng khiến niềm tin của người dân ngày càng sa sút.

Bao giờ sự thật đầy đủ được làm rõ ở thủy điện Sông Tranh 2?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới