Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VFA muốn Tổng công ty lương thực “độc quyền” bán gạo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VFA muốn Tổng công ty lương thực “độc quyền” bán gạo

Huỳnh Văn

VFA muốn Tổng công ty lương thực “độc quyền” bán gạo
Nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Lấy lý do Tổng công lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) được Chính phủ chỉ định là đầu mối đàm phán, ký kết xuất khẩu gạo vào một số thị trường tập trung, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) vừa có văn bản yêu cầu các thương nhân khác không được bán gạo vào những thị trường này…

Cụ thể, công văn số 164/CV/HHLTVN do ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA ký hôm 6-6 về việc chuẩn bị đấu thầu và ký kết hợp đồng tập trung gửi đến các thương nhân xuất khẩu gạo nêu rõ: Vinafood 1 và Vinafood 2 là hai đầu mối được Chính phủ chỉ định, đang giao dịch hợp đồng tập trung với Bangladesh, Malaysia và chuẩn bị dự thầu mua gạo của Philippines.

VFA đề nghị: “Các thương nhân xuất khẩu gạo không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất khẩu gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung nêu trên trong thời gian từ nay (6-6-2017) đến khi hai tổng công ty kết thúc giao dịch và ký kết hợp đồng”.

VFA sẽ báo cáo Bộ Công Thương các trường hợp vi phạm được phát hiện để bộ này xem xét, xử lý theo quy định.

VFA đã dựa vào khoản 1, điều 15 của Thông tư số 44/2010/TT-BCT ngày 31-12-2010 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo để đưa ra đề nghị nói trên.

Theo đó, “thương nhân không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung trong thời gian quy định tại khoản 2 điều này, trừ trường hợp được Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản theo quy định tại khoản 3 điều này”.

Trao đổi với TBKTSG Online về công văn nêu trên của VFA, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nói rằng quy định cấm thương nhân xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung đã rất nhiều lần bị cộng đồng doanh nghiệp lên tiếng phản đối vì nó đi ngược lại xu hướng tự do thương mại. “Đã là thị trường tập trung, tức có tiếng nói của Chính phủ, tiếng nói của Bộ Công thương, thì lẽ ra việc ký kết sẽ thuận tiện hơn so với ký kết hợp đồng thương mại. Vậy tại sao lại cấm thương nhân ký hợp đồng thương mại để tập trung cho hợp đồng tập trung?”, ông Bình bức xúc nêu câu hỏi.

Ông Bình cho rằng quy định này rất khó hiểu vì Việt Nam đang rất cần bán nhiều gạo. “Từ Trung ương đến địa phương, tất cả đều kêu gọi doanh nghiệp phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, rồi trồng lúa thế này, thế kia để bán được lúa, để xuất khẩu được gạo. Vậy tại sao lại cấm?”, ông Bình tiếp tục đặt câu hỏi và nêu ra vấn đề: "Có một doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi, bán vào thị trường Malaysia. Vậy bây giờ kêu người ta dừng mấy tháng, thì có phải phá vỡ chuỗi của người ta hết hay không?”.

Thiết nghĩ, cần nhanh chóng gỡ bỏ những quy định mang tính “trói buộc”, gây cản trở cho doanh nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng sụt giảm như hiện nay. Qua đó, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp vào tất cả các thị trường, giúp ngành lúa gạo phát triển bền vững trong thời gian tới.

Muốn vậy, Bộ Công Thương, đơn vị đang chủ trì soạn thảo nghị định sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ của Chính phủ về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nên xem xét và tiếp tục điều chỉnh điều 27 về "hành vi vi phạm kinh doanh xuất khẩu gạo" tại dự thảo nghị định này.

Khoản 6, điều 27 nói trên đề cập đến hành vi: “Dự thầu, giao dịch hợp đồng xuất khẩu gạo trực tiếp hoặc gián tiếp vào thị trường có hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung trái quy định và chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”. 

Mời xem thêm:

Ngành gạo: Bàn sửa Nghị định 109

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới