Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì đâu doanh nghiệp địa ốc vẫn báo lãi lớn bất chấp dịch bệnh?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì đâu doanh nghiệp địa ốc vẫn báo lãi lớn bất chấp dịch bệnh?

Linh Trang

(KTSG) – Ngành bất động sản có những đặc thù riêng, giúp nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đang niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh ở mức tích cực bất chấp dịch bệnh trong hai quí đầu năm nay.

Vì đâu doanh nghiệp địa ốc vẫn báo lãi lớn bất chấp dịch bệnh?
Bất động sản luôn là kênh đầu tư quan trọng trong khi nguồn cung sau dịch dự kiến ở mức thấp. Ảnh: H.P

Kết quả kinh doanh vẫn tích cực bất chấp dịch bệnh

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và kéo dài tới nay khiến nhiều tỉnh, thành trọng điểm bị phong tỏa, qua đó khiến thị trường bất động sản gần như đình trệ, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí phá sản. Tuy vậy, bức tranh lợi nhuận quí 2-2021 của nhiều doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên sàn vẫn cho thấy nhiều điểm tích cực.

Cụ thể, ở nhóm doanh nghiệp nhà ở dân cư, Công ty cổ phần (CTCP) Vinhomes (VHM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 28.725 tỉ đồng và lãi sau thuế đạt 10.303 tỉ đồng trong quí 2-2021, tăng lần lượt 75% và 202% so với cùng kỳ năm 2020.

Kế đến là CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland, NVL) công bố doanh thu thuần quí 2 đạt 2.543 tỉ đồng, lãi sau thuế 1.313 tỉ đồng, tăng mạnh lần lượt 258% và 50% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn hưởng lợi từ việc bàn giao các dự án trọng điểm như Saigon Royal, Aqua City, NovaHills Mui Ne, Victoria Village, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet; phần còn lại đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tăng và lãi do đánh giá lại phần sở hữu ở các công ty con.

Ngoài các nguyên nhân về bối cảnh vĩ mô và dòng tiền thì một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp bất động sản vẫn ghi nhận lãi tốt là chu kỳ kinh doanh của nhóm ngành này có sự khác biệt so với các ngành khác.

Đáng chú ý, tập đoàn Đất Xanh (DXG) công bố doanh thu thuần quí 2 đạt tới 3.563 tỉ đồng, tăng gấp 7,4 lần so cùng kỳ năm trước – con số cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2009.

Về lợi nhuận, Đất Xanh đạt lợi nhuận sau thuế gần 479 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ tới 468 tỉ đồng. Lý giải sự tăng trưởng đột biến này, Đất Xanh cho biết doanh thu, lợi nhuận lớn là từ các dự án mà công ty đã triển khai bán hàng thành công từ năm 2020 cũng như hoạt động môi giới, dịch vụ vẫn phát triển tốt so với cùng kỳ năm trước.

Ở nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cũng công bố con số doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty này đạt 390 tỉ đồng, tăng 37%. Việc chuyển nhượng 14% quyền tham gia đầu tư dự án Sơn Tịnh – Quảng Ngãi và ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản của công ty con đã mang về cho công ty khoản lợi nhuận sau thuế 177 tỉ đồng trong quí 2 vừa qua, tăng 88% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại cũng có lác đác một vài doanh nghiệp bất động sản có tình hình kinh doanh không thật sự khả quan. Điển hình như CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG), trong sáu tháng đầu năm 2021, công ty này ước đạt 1.765 tỉ đồng doanh thu và 549 tỉ đồng lợi nhuận, lần lượt giảm 39% và 22% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm 2021, công ty hiện mới thực hiện được 36% chỉ tiêu doanh thu và 44% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Hay như tại Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), lợi nhuận quí 2-2021 không như kỳ vọng, vì một số dự án bị gián đoạn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo lãnh đạo công ty này, nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, tiến độ giao nhận nhà sẽ được đẩy nhanh, công ty có thể ghi nhận doanh thu, lợi nhuận đột biến vào quí 4-2021.

Những đặc thù riêng

Việc nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì được kết quả kinh doanh tốt trong hai quí đầu năm nay là khá bất ngờ đối với nhà đầu tư nếu xét đến sự phức tạp của diễn biến dịch Covid-19 khiến cho nhiều hoạt động xây dựng, mở bán, tiếp thị dự án bị ảnh hưởng. Tuy vậy, nếu nhìn sâu xa hơn thì ngành bất động sản có những đặc thù riêng, giúp nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đang niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh ở mức tích cực.

Điển hình nhất là việc thị trường bất động sản hấp thụ dòng tiền rất tốt, chỉ sau chứng khoán. Vì vậy, khi các hoạt động sản xuất – kinh doanh chững lại vì dịch Covid-19 thì dòng tiền sẽ tự động tìm đến bất động sản để đầu tư. Việc lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp trong thời gian dài là yếu tố quan trọng tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, chính diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán giữa đại dịch trong thời gian qua cũng đã giúp các doanh nghiệp bất động sản niêm yết có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận khá tốt.

Ngoài các nguyên nhân về bối cảnh vĩ mô và dòng tiền thì một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp bất động sản vẫn ghi nhận lãi tốt là chu kỳ kinh doanh của nhóm ngành này có sự khác biệt so với các ngành khác. Các chu kỳ ghi nhận doanh thu, lợi nhuận và kinh doanh của ngành bất động sản là dài hơn so với các ngành như thép, chứng khoán, ngân hàng…

Đặc thù của ngành bất động sản là chỉ khi bàn giao nhà, nền đất, sản phẩm mới được ghi nhận doanh thu theo tiêu chuẩn kế toán hiện hành. Trong khi đó, trung bình một dự án từ lúc chào bán đến khi bàn giao sản phẩm thường có độ trễ một vài năm.

Với đặc thù ghi nhận doanh thu này, các doanh nghiệp niêm yết không phụ thuộc tình hình chào bán sản phẩm trong kỳ để kiểm toán mà có thể chủ động sắp xếp kế hoạch lợi nhuận theo trình tự bàn giao nhà cuốn chiếu. Điều này lý giải vì sao thị trường bất động sản trầm lắng suốt quí 2 nhưng các doanh nghiệp vẫn báo cáo doanh thu và lợi nhuận cao.

Nhìn về triển vọng trong hai quí cuối năm, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản sẽ vẫn nhận được một số yếu tố hỗ trợ. Một là, cuối năm thường là thời điểm ghi nhận doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản. Hai là, ngành này đang được hưởng lợi từ lãi suất thấp và chu kỳ tăng giá bất động sản. Ba là, chủ trương đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn cuối năm sẽ giúp nhóm cổ phiếu thượng nguồn như bất động sản và vật liệu xây dựng được hưởng lợi. Bốn là, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn duy trì ở mức thấp để kích thích kinh tế sau dịch.

Lãi suất thấp tác động tốt cả đến chi phí vay nợ của doanh nghiệp và chi phí vay mua nhà của khách hàng. Bên cạnh đó, bất động sản luôn là kênh đầu tư quan trọng trong khi nguồn cung sau dịch dự kiến ở mức thấp. Với thực trạng nguồn cung nội đô khan hiếm, nhóm bất động sản nhà ở, đặc biệt các doanh nghiệp có dự án tại vùng ven kết nối thuận lợi vào trung tâm như VHM, NVL, DXG, DIG, NLG… được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm.

3 BÌNH LUẬN

    • Nội dung này cũng bình thường bạn ạ, cho dù ghi nhận lợi nhuận nhưng dòng tiền âm vẫn là rủi ro. Nhiều doanh nghiệp có thể giấu chỉ số luân chuyển dòng tiền để dự phòng phân bổ ngược lại cho những năm có kết quả kinh doanh không tốt. Doanh nghiệp có thể báo cáo lợi nhuận hàng năm lên đến hàng trăm tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng cao, nhưng nếu nguồn tiền thu về để tài trợ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh thì sẽ phải bù đắp bằng dòng tiền đầu tư, hoặc dòng tiền hoạt động tài chính (vay nợ, huy động thêm vốn từ cổ đông, bán bớt tài sản). Trong trường hợp này, một mặt công ty phải chịu thêm chi phí lãi vay, mặt khác chịu thêm rủi ro về tài chính nếu không cơ cấu được nguồn vốn để trả các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn. Thêm nữa nhiều doanh nghiệp tạo ra quỹ đất lớn thì vẫn ghi nhận tăng dù dòng tiền âm, nếu không thanh khoản thì sẽ “chết trên đống tài sản” cũng dễ hiểu. Cảm ơn bạn!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới