Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì đâu lợi nhuận ngân hàng phân hóa mạnh trong quí 3?

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tính đến cuối tuần qua, đã có 13 ngân hàng thương mại (NHTM) trên sàn chứng khoán công bố báo cáo tài chính quí 3. Trái với các dự báo cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ chịu tác động tiêu cực trong quí 3, thực tế cho thấy nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục ăn nên làm ra, dù kết quả giữa các ngân hàng vẫn có sự phân hóa nhất định.

Techcombank nổi lên như là ngân hàng đang tạo ra mức lợi nhuận lớn nhất trong hệ thống.

Sự phân hóa

Tổng lợi nhuận trước thuế (LNTT) của 13 ngân hàng này tính riêng trong quí 3 là gần 11.000 tỉ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ, trong đó riêng Techcombank đã chiếm hơn 50% với mức lợi nhuận hơn 5.562 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng, 13 ngân hàng này đạt mức LNTT hơn 35.000 tỉ đồng, tăng mạnh 63% so với cùng kỳ, trong đó riêng Techcombank chiếm tỷ trọng 49% với mức lãi gần 17.100 tỉ đồng.

Khi các NHTM gốc quốc doanh như Vietcombank, VietinBank hay BIDV chưa công bố báo cáo tài chính tính tại thời điểm cuối tuần qua, Techcombank nổi lên như là ngân hàng đang tạo ra mức lợi nhuận lớn nhất trong hệ thống. Trước đó, hồi giữa tháng 10, Công ty Chứng khoán SSI dự báo Techcombank sẽ vượt Vietcombank để trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống trong quí 3-2021.

Nhóm NHTM gốc quốc doanh được cho là khó có sự đột phá trong quí 3 này, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ chậm lại, mà diễn biến giá cổ phiếu của nhóm này thời gian qua liên tục đi xuống đã phần nào phản ánh những dự báo này. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh không chỉ có sự phân hóa giữa nhóm NHTM tư nhân và NHTM gốc quốc doanh, mà giữa các NHTM tư nhân với nhau cũng chứng kiến sự tăng trưởng khác biệt. Một số ngân hàng chứng kiến lợi nhuận suy giảm, nhưng có những ngân hàng tiếp tục báo cáo lãi khủng và tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong khi các ngân hàng như Quốc dân có LNTT riêng quí 3 tăng hơn 1.400% so cùng kỳ; PGBank tăng 358%; SeaBank tăng 111%; KienLong Bank tăng 74%; OCB tăng 71%; Bắc Á tăng 58%; Techcombank và TPBank cùng tăng 40%, thì ngược lại có những ngân hàng chứng kiến sự suy giảm trong quí 3 như Bản Việt giảm 36%; VietBank giảm 21%, hoặc tăng rất thấp như LienVietPostBank chỉ tăng 4%, SaiGonBank tăng 11%, ABBank tăng 16%.

Đáng lưu ý là trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí 3, những ngân hàng có thể tạo ra lợi nhuận hàng quí từ 1.000 tỉ đồng trở lên ngoài Techcombank còn có hai tên tuổi mới gia nhập là TPBank và OCB. Đây cũng là hai ngân hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua, nhờ vào lộ trình tái cấu trúc tích cực và kết quả chuyển đổi chiến lược kinh doanh thành công trong những năm gần đây.

Mỗi cây mỗi hoa – mỗi nhà mỗi cảnh

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng khiến lợi nhuận giữa các ngân hàng có sự phân hóa lớn đến vậy trong quí 3 vừa qua. Đầu tiên, nhóm NHTM gốc quốc doanh từ trước đến nay ngoài nhiệm vụ kinh doanh còn có nhiệm vụ chính trị là hỗ trợ cho nền kinh tế giữ được sự ổn định, cũng như luôn là đầu tàu thực thi những định hướng chính sách của cơ quan quản lý.

Vì vậy, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng vừa qua, các ngân hàng gốc quốc doanh phải đi đầu trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ nền kinh tế nói chung và khách hàng nói riêng. Thực tế là trong hơn một năm qua, các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank hay BIDV đã phải hy sinh một phần lợi nhuận đáng kể thông qua các chính sách hỗ trợ giảm, miễn lãi cho khách hàng.

Ngoài ra, không như các NHTM tư nhân khi giảm lãi suất cho vay thường có sự chọn lọc khách hàng, hoặc chỉ áp dụng lãi suất ưu đãi cho khách hàng vay mới, nhóm NHTM gốc quốc doanh luôn mạnh tay cắt giảm lãi suất cho vay nhiều hơn trong thời gian qua, và những mức cắt giảm hay lãi suất ưu đãi thường áp dụng luôn cho cả khách hàng hiện hữu.

Cụ thể, theo thông tin mà Ngân hàng Nhà nước công bố hồi cuối tháng 9, trong đợt đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ giữa tháng 7, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế cho khách hàng là 8.865 tỉ đồng(1), đạt 43,01% so với cam kết, trong đó riêng bốn ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank đã giảm số tiền lãi là 7.558 tỉ đồng, chiếm đến 85%.

Yếu tố thứ hai là phân khúc khách hàng mà các ngân hàng theo đuổi cũng có sự tác động khác nhau lên kết quả kinh doanh giữa các ngân hàng trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Với những ngân hàng bán buôn như nhóm NHTM gốc quốc doanh, rõ ràng dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ điêu đứng và do đó buộc các ngân hàng này phải có chính sách hỗ trợ kịp thời, không chỉ là giảm, miễn lãi mà còn phải tái cơ cấu nợ với số lượng lớn, theo đó không thể tiếp tục ghi nhận lãi dự thu cũng như gây áp lực lên chi phí trích lập dự phòng.

Ngược lại, những NHTM tư nhân lại tập trung vào phân khúc bán lẻ với nền tảng là phát triển khách hàng cá nhân trong suốt nhiều năm qua, do đó mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ thấp hơn. Đơn cử những ngân hàng như Techcombank hay VIB có thế mạnh về các sản phẩm cho vay mua nhà, mua ô tô, với phân khúc khách hàng cá nhân thuộc tầng lớp trung lưu, làm việc văn phòng, và nhóm khách hàng này lại ít bị ảnh hưởng nhất trong dịch bệnh vừa qua do vẫn có thể làm việc tại nhà và duy trì được nguồn thu nhập thường xuyên.

Quá trình số hóa và tối ưu chi phí vốn

Yếu tố thứ ba đến từ quá trình số hóa trong hoạt động, theo đó những ngân hàng như TPBank, OCB cũng như cả Techcombank những năm gần đây đã đẩy mạnh các dịch vụ, kênh giao dịch trực tuyến, do đó giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua trở thành cơ hội tuyệt vời cho những ngân hàng này bứt phá, chiếm lĩnh khách hàng, cũng như giảm được chi phí hoạt động.

Đơn cử như OCB, theo Công ty Chứng khoán SSI, OCB hiện nằm trong số những ngân hàng có tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) thấp nhất nhờ đầu tư số hóa từ năm 2018 và gặt hái được những quả ngọt đến thời điểm này, bất chấp tác động của đại dịch. Cụ thể, tỷ lệ CIR của OCB tiếp tục giảm từ 31,9% của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 29,1% vào quí 3 năm nay. Còn theo lãnh đạo của OCB, tỷ lệ giao dịch trực tuyến tại ngân hàng từ đầu năm đến nay tăng 269%, với số lượng khách hàng đăng ký sử dụng OCB OMNI đã đạt hơn 1 triệu người.

Hay như tại TPBank, một đại diện từ ngân hàng này cho biết, nhờ đã thực hiện xong số hóa toàn bộ quy trình và kênh giao tiếp với khách hàng, lượng giao dịch trực tuyến của ngân hàng này cũng tăng mạnh. Hiện số lượng giao dịch trực tuyến tại TPBank nửa đầu năm nay đã chiếm tới 92% tổng số lượng giao dịch của toàn ngân hàng này. Chỉ một lượng rất nhỏ, 8% là còn giao dịch tại các phòng giao dịch truyền thống.

Một yếu tố quan trọng khác là một số NHTM tư nhân trong quí 3 đã tiếp tục giảm mạnh lãi suất tiền gửi, theo đó càng kéo giảm chi phí vốn đầu vào, tạo cơ hội cho hệ số biên lãi ròng tiếp tục được mở rộng. Cụ thể tính đến thời điểm cuối tháng 9, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn, đơn cử như kỳ hạn một tháng, của các ngân hàng như Techcombank, MBBank, Sacombank hay MSB còn thấp hơn cả nhóm ngân hàng gốc quốc doanh.

Ngoài ra, với việc tăng mạnh được vốn điều lệ thông qua các hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, cũng như phát hành các trái phiếu kỳ hạn dài 2-3 năm với lãi suất còn thấp hơn lãi suất huy động trong những tháng qua, nhóm NHTM tư nhân lớn không chỉ giảm sự phụ thuộc quá lớn vào kênh huy động tiền gửi, mà còn có điều kiện tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Ngược lại, việc tăng vốn của nhóm NHTM gốc quốc doanh lẫn các NHTM tư nhân nhỏ thường mất nhiều thời gian hơn, do đó đã ảnh hưởng lên hệ số an toàn vốn cũng như tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này.

————

(1) https://thanhnien.vn/16-ngan-hang-da-giam-tien-lai-cho-khach-post1116659.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới