Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì đâu nên nỗi?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì đâu nên nỗi?

Trung Chánh

Nông dân tổ hợp tác sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, đang thu hoạch sản phẩm. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG) – Vừa qua, hàng loạt thị trường nhập khẩu hàng nông-lâm-thủy sản của Việt Nam đều lên tiếng cảnh báo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không đạt tiêu chuẩn. Rõ ràng đang có sự lơi lỏng trong quản lý và kiểm tra chất lượng đối với nguồn hàng xuất khẩu quan trọng này của đất nước.

Đừng để “nước đến chân…”

Năm 2011, xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch đến 25 tỉ đô la Mỹ, thặng dư thương mại toàn ngành đạt 9,2 tỉ đô la Mỹ. Trước những con số ấn tượng này, ngành nông nghiệp đã đề ra mục tiêu cao hơn nữa là đạt kim ngạch xuất khẩu 25,5-26 tỉ đô la Mỹ trong năm 2012.

Tuy nhiên, chỉ trong tháng 1-2012, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, khi chỉ đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ. Sản lượng sụt giảm đã đáng lưu ý, điều quan trọng hơn là hàng loạt thị trường nhập khẩu trọng yếu đều đưa ra lời cảnh báo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhập từ Việt Nam.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã có công điện số 05/CĐ-BNN-BVTV yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật đối với các loại rau, quả mà Việt Nam xuất sang thị trường các nước khối Liên hiệp châu Âu (EU).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu (EC) còn đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng rằng, nếu phát hiện thêm năm trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật (tính từ ngày 15-1-2012), EU sẽ cấm nhập khẩu rau, quả từ Việt Nam.

Không chỉ rau, quả bị cảnh báo, trong năm 2011, các lô hàng cá tra phi lê và tôm đông lạnh cũng bị EU, Mỹ và Nhật Bản – ba thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam – lên tiếng cảnh báo tình trạng nhiễm dư lượng kháng sinh. Nhật Bản và Mỹ đều yêu cầu kiểm tra 100% chất Enrofloxacin của các lô hàng tôm xuất khẩu sang nước họ. Gần đây nhất, 600 tấn mật ong của Việt Nam cũng bị Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ trả lại do nhiễm chất Carbenzamin (thuốc trừ nấm).

Vì đâu nên nỗi?

Để đạt kim ngạch xuất khẩu 25,5-26 tỉ đô la Mỹ năm 2012, trong bối cảnh chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang bị “báo động đỏ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra sản phẩm trước khi xuất đi. Song song đó, đẩy mạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch và an toàn nhằm bảo đảm việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe của đối tác về chất lượng.

Tại cuộc hợp “Tổng kết tình hình nuôi tôm nước lợ 2011 và bàn giải pháp kế hoạch sản xuất năm 2012” vừa được tổ chức tại Cà Mau vào đầu tháng 2, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhận định: “Tình hình nuôi trồng thủy sản của Việt Nam còn mang tính tự phát, không được tổ chức theo hình thức nuôi với quy mô công nghiệp; không được quản lý chặt chẽ bằng quy trình nuôi an toàn; người nuôi tùy tiện sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong xử lý ao nuôi và phòng trừ bệnh cho thủy sản; thời gian ngưng sử dụng thuốc kháng sinh để thu hoạch cũng không bảo đảm…”, là những nguyên nhân dẫn đến chất lượng thủy sản của Việt Nam còn kém.

Ở góc độ khác, ông Trần Văn Của, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp ấp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, Cà Mau, cho biết chính cách mua bán của các doanh nghiệp thu mua chế biến và xuất khẩu thủy sản đã góp phần dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp. Ông Của nói: “Tôm nguyên liệu của những hộ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn được các doanh nghiệp chế biến mua đồng giá với những hộ nuôi bình thường. Vậy người nông dân nuôi tôm theo tiêu chuẩn an toàn để làm chi? Sản phẩm tôm xuất khẩu bị cảnh báo là phải rồi”. 

Còn ông Trương Văn Cho, Trưởng phòng trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang), cho biết: “Thiếu quy hoạch, hoặc quy hoạch các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, nhưng không thực hiện triệt để mà cứ để nông dân tự sản xuất, tự sử dụng phân thuốc, chất kích thích… thì đó cũng là nguyên nhân làm chất lượng trái cây của Việt Nam thấp”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới