Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao 4%?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao 4%?

Mục đích cuối cùng của kích cầu qua bù lỗ lãi suất là làm sao để đồng vốn đến được đúng địa chỉ – Ảnh: LT.

(TBKTSG) – Ba ngân hàng lớn là Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngoại thương (Vietcombank), Công thương (Vietinbank) tuyên bố sẽ cho vay kích cầu theo cơ chế bù lãi suất khoảng 70.000 tỉ đồng/mỗi ngân hàng.

>> Kích cầu và hành vi tiêu dùng

>> Được giãn thuế vẫn lo

>> Hỗ trợ lãi suất – liệu có giảm khó khăn cho người kinh doanh?

Số tiền cho vay kích cầu đợt này của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chắc chắn sẽ lớn hơn, có thể tới 100.000 tỉ đồng do lượng khách hàng nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp của tổ chức tín dụng này rất nhiều.

Ở khối cổ phần, Ngân hàng Techcombank dự tính cho vay 50.000 tỉ đồng, ACB 35.000 tỉ đồng, VIB 25.000 tỉ đồng. Các ngân hàng cổ phần khác thấp thì 10.000 tỉ đồng, cao  thì 20.000-30.000 tỉ đồng. Tính sơ bộ, nếu giải ngân hết, khoảng 600.000 tỉ đồng vốn giá rẻ sẽ được “bơm” vào nền kinh tế.

Ngân hàng thương mại được trao quyền

Với lượng vốn dự đoán lớn như vậy, Nhà nước sẽ phải bù lãi suất khoảng 24.000 tỉ đồng, trong khi dự kiến bù của Chính phủ chỉ có 17.000 tỉ đồng, tương đương lượng vốn cho vay gần 640.000 tỉ đồng (với thời gian được hỗ trợ lãi suất là tám tháng).

Các ngân hàng nhận định nếu cho vay được khoảng 70% lượng vốn dành cho kích cầu cũng đã là một thành công lớn. Mục đích cuối cùng của kích cầu qua bù lãi suất, như vậy, không chỉ nhìn vào lượng vốn sẽ giải ngân, mà quan trọng hơn là đồng vốn đến được đúng địa chỉ.

ACB cho biết sẽ tập trung vào cho vay xuất khẩu và tài trợ ngắn hạn thương mại trong nước với lãi suất thấp nhất 1,2%/năm. Đây là mức lãi suất trong mơ mà cả chục năm nay doanh nghiệp chưa bao giờ có được. Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, hy vọng sẽ tăng nhanh dư nợ cho vay xuất khẩu nhân cơ hội này và qua đó nâng mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng lên khoảng 70% so với năm ngoái.

“Yêu cầu duy nhất của chúng tôi đối với người vay tín chấp là khách hàng chấp thuận cùng ACB kiểm soát dòng tiền từ khi giải ngân đến khi tiền quay trở lại”, ông Hải nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong Thông tư 02 ngày 3-2-2009 quy định chi tiết việc hỗ trợ lãi suất, đã khá thông thoáng khi cho phép các ngân hàng tài trợ hết nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp trong diện được hỗ trợ. Sau đó đến kỳ thu lãi tiền vay, NHNN sẽ chuyển phần bù lãi suất trên cơ sở báo cáo cho vay của ngân hàng thương mại. Với quy định này sẽ không có một rào cản nào đối với cho vay bù lãi suất. Các ngân hàng có toàn quyền quyết định và toàn quyền chịu trách nhiệm về các khoản tài trợ.

Vì sao 4%?

NHNN đã áp dụng cơ chế giống như cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng (hoàn trước hậu kiểm): bù lãi suất trước, kiểm tra sau và những đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Mục tiêu của cơ chế này là chạy đua với thời gian đẩy nhanh vốn vào lưu thông, góp phần chặn đà suy giảm kinh tế.

Tuy nhiên, các ngân hàng lại tỏ ra lo ngại. Trong thực tế có nhiều trường hợp khó có thể phân biệt rõ ràng mục đích sử dụng vốn vay bởi đơn giản sản phẩm của ngành này là nguyên vật liệu của ngành khác và chu trình khép kín của sản xuất hàng hóa không thể xé lẻ từng khâu mà đánh giá là nó có thuộc diện được ưu đãi hay không.

Nếu việc hậu kiểm sau này không quan tâm đến hiệu quả của đồng vốn vay, mà chỉ chăm chăm xem xét đối tượng được vay sai đúng, thì sẽ có không ít ngân hàng “chịu đòn”. Mặt khác, việc gia tăng tín dụng có thể khiến nợ xấu của ngân hàng tăng lên.

Sản xuất ra hàng hóa giá cạnh tranh do vay được vốn rẻ là một chuyện, còn người tiêu dùng có mua xài không lại là chuyện khác. Hàng giá rẻ mà vẫn không bán được, thì việc không trả được nợ ngân hàng vẫn xảy ra. Ông Lê Đình Long, Tổng giám đốc tập đoàn Hòa Phát, nói: “Chúng tôi nằm trong diện được vay vốn bù lãi suất, giá thành sản phẩm sẽ giảm, sức cạnh tranh tăng. Về mặt tâm lý, doanh nghiệp hồ hởi, phấn khởi hơn. Lượng cầu hàng hóa sẽ tăng, nhưng tăng đến mức nào, không chỉ phụ thuộc vào giá. Chúng tôi cũng chưa tính toán được khi được bù lãi suất, đầu ra sẽ tăng tương ứng bao nhiêu”.

Nỗi băn khoăn của ông Long cũng là của đa số doanh nghiệp. Về phía ngân hàng, trước khi cho vay kích cầu, nợ quá hạn trên tổng dư nợ năm 2008 đã tăng so với năm 2007. Một tổ chức tín dụng có quản trị tốt như ACB mà nợ nhóm hai tăng từ 1% năm 2007 lên 2,2% hiện tại, nợ từ nhóm 3 trở lên tăng từ 0,1% lên 0,9%.

Thắc mắc phổ biến được các ngân hàng và doanh nghiệp nêu lên là vì sao mức bù lãi suất là 4%. Mức bù đó dựa trên cơ sở nào? Năm 2009 tổng lượng tín dụng (không phải dư nợ cho vay) cung cấp cho nền kinh tế qua kênh ngân hàng ước 1.200.000 tỉ đồng/năm. 17.000 tỉ đồng bù lãi suất của Chính phủ sẽ tạo ra khoảng hơn 50% vốn giá rẻ của tổng lượng nói trên. Phần còn lại vay theo cơ chế thông thường.

Với thời hạn ưu đãi tám tháng, lượng vốn giá rẻ tạo được bao nhiêu vòng quay tiền cho nhà sản xuất? Điều này chưa thấy NHNN tính toán công bố.

Trong khi đó không phải chỉ lượng vốn bơm ra, mà vòng quay sử dụng vốn mới là yếu tố then chốt thúc đẩy sản xuất – tiêu dùng, tạo ra tăng trưởng. Hai thị trường tạo vòng quay sử dụng tiền nhanh nhất là bất động sản và chứng khoán đã bị loại ra khỏi đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Một sự phân tích chi tiết cho thấy phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đều thuộc lĩnh vực sản xuất (trừ công ty chứng khoán, tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư), liệu họ có được hỗ trợ vay vốn giá rẻ? Hoặc những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà cửa… là những đơn vị tạo công ăn việc làm, tạo mức tăng GDP mạnh, có được tham gia vay tiền bù lãi suất?

Không thể “bơm” vốn cho hoạt động đầu cơ, nhưng chứng khoán hay bất động sản không phải chỉ hoàn toàn là đầu cơ. Tại sao mức bù lãi suất không phải là 3% hay 2,5%/năm để tỷ lệ vốn được giải ngân trên tổng lượng tín dụng hàng năm cao hơn?

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới