Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao 61 dự án bất động sản ở TPHCM bị ‘ngâm’ hồ sơ đầu tư ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao 61 dự án bất động sản ở TPHCM bị ‘ngâm’ hồ sơ đầu tư ?

V.Dũng

(TBKTSG Online) – Trong năm 2020, trên địa bàn TPHCM có 61 dự án bất động sản đã nộp hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không dự án nào được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình UBND TPHCM để chấp thuận. Trong hội nghị “Gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền Thành phố với doanh nghiệp bất động sản năm 2021” các sở ngành liên quan đã giải thích về vấn đề này.

Vì sao 61 dự án bất động sản ở TPHCM bị ‘ngâm’ hồ sơ đầu tư ?
TPHCM đang có 61 dự án đang bị 'ngâm' hồ sơ chấp thuận đầu tư. Ảnh minh họa: Dịu Nguyễn

Cụ thể, qua rà soát 61 dự án bất động sản (BĐS) do Sở Xây dựng TPHCM thống kê như nói trên, Sở KH&ĐT TPHCM cho biết, những dự án BĐS này do nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Sở để thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.

Trong 61 dự án có 2 dự án bị trùng và 3 dự án không phải là hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư. Còn lại 56 hồ sơ nhà đầu tư đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cho 56 dự án theo Luật Đầu tư 2014.

Trong 56 dự án này có 17 dự án đã trình báo cáo thẩm định đề nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư; 18 dự án chưa nhận đủ ý kiến của các sở – ngành; 20 dự án đã yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ nhưng chưa nhận được hồ sơ bổ sung và 1 dự án nhà đầu tư rút hồ sơ.

Những hồ sơ được Sở Xây dựng chuyển sang trong tháng 1-2021, Sở KH&ĐT nhận thấy thành phần hồ sơ và việc lấy ý kiến các sở – ngành đang thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở, không sử dụng theo biểu mẫu quy định của pháp luật về đầu tư.

Trong khi đó, Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản hướng dẫn tạm thời của Bộ KH&ĐT không có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp tục sử dụng thành phần hồ sơ hoặc sử dụng ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan đã gửi cho Sở Xây dựng để tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.

Do đó, Sở KH&ĐT đưa ra hướng xử lý đối với các dự án do Sở Xây dựng chuyển sang. Theo đó, Sở sẽ có văn bản đề nghị nhà đầu tư nộp lại hồ sơ theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.

Với ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan mà cơ quan đó đã đồng thuận thì Sở tiếp tục xem xét hồ sơ, không lấy lại ý kiến. Nếu có ý kiến chưa đồng thuận, đề nghị nhà đầu tư giải trình hoặc không phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020 thì sẽ có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư giải trình bổ sung và lấy lại ý kiến của các cơ quan chưa đồng thuận. Trường hợp cơ quan nào chưa ý kiến thì sau khi nhà đầu tư nộp hồ sơ, Sở KH&ĐT sẽ đôn đốc để cơ quan đó sớm trả lời.

Trước thông tin Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, có dự án không vướng đất công nhưng Sở KH&ĐT vẫn yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ nhiều lần, chưa trình UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Sở KH&ĐT cho hay, trong quá trình xử lý hồ sơ, Sở không yêu cầu nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhiều lần. Có chăng khi lấy ý kiến, các sở – ngành yêu cầu bổ sung hoặc giải trình thì Sở mới đề nghị nhà đầu tư bổ sung hồ sơ theo ý kiến của các cơ quan.

Giai đoạn 2019 – 2020, Sở KH&ĐT TPHCM đã tiếp nhận và có báo cáo thẩm định trình UBND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư cho 75 dự án. Tất cả các dự án này đều được cấp quyết định chủ trương đầu tư, tuy nhiên UBND Thành phố yêu cầu rà soát lại 36 dự án.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, thành phố quan tâm nhất hiện nay là vấn đề quy hoạch, xem quy hoạch là công cụ quản lý. Nếu lập quy hoạch không chuẩn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn về sau. Thành phố đang giải quyết vấn đề về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sắp tới khu vực này sẽ khởi động bằng một số dự án, hiện nay đang tiến hành mời gọi các doanh nghiệp tham gia.

Ngoài ra, thành phố Thủ Đức cũng là khu vực được đặc biệt quan tâm. Hiện TPHCM đang xin bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chung, song song với thực hiện quy hoạch thành phố Thủ Đức. Những khu vực nào tại thành phố Thủ Đức không điều chỉnh quy hoạch thì sẽ lập danh mục để mời gọi đầu tư

TPHCM thống nhất quy trình đầu tư xây dựng nhà ở thương mại

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đón tin vui vì UBND TPHCM thống nhất quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại gồm bốn bước với tổng thời gian 215 ngày làm việc, tương đương 11 tháng.

Theo đó, bước 1: Thẩm định và phê duyệt thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư (35 ngày). Chủ trì là Sở Kế hoạch Đầu tư.

Bước 2: Thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị (40 ngày). Chủ trì là Sở Quy hoạch – Kiến trúc, UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện.

Bước 3: Lập thủ tục giao thuê đất (20 ngày), hoặc chuyển mục đích sử dụng đất (15 ngày) theo quy định của Luật Đất đai 2013. Chủ trì là Sở Tài nguyên Môi trường.

Bước 4: Thực hiện các thủ tục chấp thuận đầu tư (35 ngày); thẩm định thiết kế cơ sở (20 ngày) và cấp phép xây dựng (20 ngày), Chủ trì là Sở Xây dựng. Đồng thời với thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất (45 ngày). Chủ trì là Sở Tài nguyên Môi trường.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới