Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao cần minh bạch?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao cần minh bạch?

Hình minh họa: Khều

(TBKTSG) – Từ cuối năm 2007, khi CPI đạt 12,63% so với năm trước thì câu chuyện lạm phát đã trở nên nóng bỏng hơn ở Việt Nam và nó thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi giới.

Rõ ràng vấn đề lạm phát không còn là câu chuyện của riêng các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu kinh tế, hay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư trong và ngoài nước mà còn là mối quan tâm của người lao động thuộc mọi thành phần.

Mọi người như dõi theo từng diễn biến của thị trường, từng lời phát biểu, từng động thái chính sách của Chính phủ cũng như các cơ quan hoạch định chính sách, nhất là sau khi CPI tháng 5-2008 đã lên đến 15,96%, vượt xa cột mốc của cả năm 2007.

Trong thực tế, các giải pháp kiềm chế lạm phát đang được các bộ, ngành và các cơ quan chức năng thực hiện. Tuy nhiên các giải pháp này không phải ngay lập tức phát huy hiệu quả. Những nhà phân tích, những người có chuyên môn có thể nhận ra điều này, nhưng không phải công chúng ai cũng có thể nhận ra và như vậy họ đòi hỏi phải được giải thích đầy đủ hơn.

Công chúng cần được biết những chính sách và các giải pháp đã được thực thi đến đâu, tính hiệu lực và hiệu quả của chúng ra sao. Hay nói cách khác là công chúng cần thấy được trách nhiệm của các bộ, ngành không phải qua những lời hứa hay nhận trách nhiệm chung chung mà quan trọng hơn là thể hiện qua các kế hoạch hành động cụ thể, rõ ràng, nhất quán. Rõ ràng công chúng cần sự minh bạch hơn nữa trong các chính sách. Điều này xuất phát từ những lý do cơ bản sau:

Một là, nó góp phần chia sẻ khó khăn, đồng thời củng cố lòng tin của công chúng đối với các chính sách của Chính phủ. Các chính sách này sẽ không có đủ hiệu lực và hiệu quả theo hướng mục tiêu nếu công chúng nghi ngờ rằng nó không được thực thi trong thực tế hoặc không bền vững.

Hai là, sự minh bạch luôn tạo nên sự đồng thuận và từ đó khuyến khích sự hỗ trợ của công chúng đối với các chính sách trong quá trình chúng được thực thi. Chỉ một mình Chính phủ thì không thể đủ sức hỗ trợ cho các chính sách và như vậy các chính sách còn cần phải được sự hưởng ứng của xã hội để có thể trở nên hiệu quả hơn.

Ba là, minh bạch sẽ góp phần ngăn ngừa các hành vi tham nhũng và các hình thức trục lợi khác. Trong giai đoạn khó khăn và hỗn tạp thì các hành vi tiêu cực rất dễ phát sinh, vì vậy tăng tính minh bạch sẽ tăng sức mạnh giám sát của công chúng, từ đó chặn đứng các hành vi tiêu cực. Đồng thời sự minh bạch còn góp phần hạn chế sự thất thoát tài sản công, lãng phí trong đầu tư và chi tiêu – một nguyên nhân của lạm phát và làm căng thẳng các quan hệ xã hội.

Bốn là, sự minh bạch sẽ tăng cường và gắn kết trách nhiệm của người đứng đầu trước các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó.

Và cuối cùng, sự minh bạch sẽ đảm bảo cho thông tin được cân xứng hơn. Hệ thống thông tin phải đạt được yêu cầu lan tỏa, đến được với công chúng một cách nhanh nhất, chính xác nhất và trung thực nhất, nếu không nó sẽ gây méo mó thị trường, gây nhiễu chính sách và làm giảm niềm tin của công chúng.

ĐỖ THIÊN ANH TUẤN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới