Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao cần tăng tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam lúc này?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao cần tăng tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam lúc này?

TS. Nguyễn Minh Phong

Giá đô la thị trường tự do sáng ngày 18-8 đã tăng lên gần mức 19.500 đồng. Ảnh: Lê Toàn.

LTS: TBKTSG Online vừa nhận được bài viết của TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội, nêu ý kiến của ông về việc điều chỉnh tăng tỷ giá giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam mới đây. Tòa soạn xin giới thiệu bài viết này.

Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ áp dụng từ ngày 18-8-2010 từ mức 18.544 đồng lên mức 18.932 đồng/đô la Mỹ (tăng gần 2,1%) là động thái cần thiết và bình thường trong đời sống kinh tế thị trường. Đồng thời, có thể coi đó là quyết định hợp lý cả về thời điểm và mục tiêu, bởi:

Trước hết, về thời điểm, sự điều chỉnh tỷ giá diễn ra khi các sức ép lạm phát ở Việt Nam dường như đang giảm bớt, nhất là khi mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 3 tháng qua liên tiếp ở mức thấp so với trung bình mọi năm và cả so với cảnh báo từ đầu năm; vì thế tác động của điều chỉnh tăng tỷ giá đối với gia tăng lạm phát được giảm thiểu.

Thứ hai, sự cố định tỷ giá đồng Việt Nam với đô la Mỹ trong suốt gần nửa năm qua đã khiến đồng Việt Nam bị định giá cao hơn đô la Mỹ tới trên 13%. Nếu cộng dồn cả những đợt điều chỉnh tỷ giá và mức lạm phát so sánh hai nước trong 3 năm qua, thì mức đắt đỏ thực tế của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ còn cao hơn nhiều, kèm theo những hệ quả nhiều mặt của nó.

Thứ ba, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp các ngân hàng cải thiện nguồn vốn ngoại tệ và từ đó cải thiện tính thanh khoản ngoại tệ của mình.

Thứ tư, sự điều chỉnh tỷ giá, không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, mà còn hạn chế nhập siêu, nhất là những sản phẩm trong nước có thể sản xuất thay thế.

Đặc biệt, sự điều chỉnh tỷ giá đã thu hẹp chênh lệch tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do, tức giúp cải thiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam do không phải gia tăng bán đô la Mỹ theo tỷ giá thấp, giảm bớt kỳ vọng đầu cơ và cả hoạt động buôn bán vốn và ngoại tệ lòng vòng kiếm lời dựa trên chênh lệch giữa 2 tỷ giá.

Điều này còn giúp tăng cường tập trung và quản lý kinh doanh ngoại tệ trên thị trường có tổ chức. Đồng thời, nó cũng giúp cho các doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ chi phí vốn ngoại tệ trong bảng hạch toán kinh doanh của mình, mà trước đó thường phái che giấu, hợp lý hóa các khoản mua đô la Mỹ trên thị trường tự do với giá cao hơn giá chính thức.

Đương nhiên, sự điều chỉnh tỷ giá lần này cũng không tránh khỏi những hệ lụy, nhất là có thể tạo ra cái gọi là rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh và tín dụng của những doanh nghiệp vay đồng Việt Nam lãi suất cao và phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất…

Trong thời gian tới, cần tiếp tục xu hướng điều hành linh hoạt tỷ giá theo các tín hiệu và nguyên tắc thị trường. Trong đó, lưu ý rằng, thực tế cho thấy cần tránh tín điều và kỳ vọng đầu cơ gắn với xu hướng chỉ có điều chỉnh tăng một chiều tỷ giá và tăng với giá sốc, biên độ hẹp sau khi neo cố định tỷ giá kéo dài.

Nói cách khác, cần điều chỉnh tỷ giá có lên, có xuống, thời gian ngắn và nhanh hơn, với mức điều chỉnh thấp hơn và biên độ giao dich có thể rộng hơn…thì bớt tạo sốc tỷ giá và những hệ lụy mặt trái của điều chỉnh tỷ giá hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới