Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm dù tin xấu dồn dập?

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm ba phiên liên tiếp bất chấp tin xấu dồn dập từ lạm phát, lãi suất tăng cho đến thị trường nhà suy yếu và rủi ro kinh tế suy thoái.

Tuy nhiên Phố Wall lại nhìn thấy một bức tranh khác: Đó là lợi nhuận của một số doanh nghiệp hàng đầu vẫn tăng trưởng tốt và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm dừng tăng lãi suất. Hơn nữa, giới đầu tư định giá cổ phiếu dựa vào triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai và đang kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ ổn định trở lại vào nửa cuối năm 2023.

Các nhân viên giao dịch theo dõi bảng điện trên Sàn giao dịch chứng khoán New York – Ảnh: AP

Chốt phiên giao dịch hôm 25-10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, theo dõi giá cổ phiếu của 30 công ty đại chúng nổi bật của Mỹ, tăng gần 340 điểm, tương đương 1,1%. Chỉ số này đã tăng khoảng 11% trong tháng này. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 1,6% và 2,3%. Đà tăng điểm của thị trường cổ phiếu Mỹ đã kéo dài sang phiên thứ ba.

Vậy tại sao thị trường lại phục hồi mặc dù người tiêu dùng đang lo lắng về việc giá cả mọi hàng hóa đều tăng? Có hai lý do chính để giải thích điều này.

Đầu tiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn của Mỹ vẫn khá tốt. Hãng xe General Motors (GM), Tập đoàn nước giải khát Coca-Cola và hãng giao nhận UPS (UPS) là một vài trong số các công ty biểu tượng của Mỹ báo cáo lợi nhuận và doanh số bán hàng mạnh mẽ trong quí 3.

Lợi nhuận của GM đạt 2,25 đô la/cổ phiếu, tăng 48% so với một năm trước đó, tốt hơn nhiều so với mức dự báo 1,88 đô la của các nhà phân tích. Doanh thu của GM tăng 52% lên mức kỷ lục 41,9 tỉ đô la. GM cho biết các nhà máy ở Bắc Mỹ của hãng đã hoạt động với 103% công suất trong suốt quí qua. Đây là sự cải thiện đáng kể so với một năm trước đó khi chúng chỉ có thể vận hành 60% công suất vì thiếu chip và các vấn đề chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, Coca-Cola cho biết doanh thu ròng tăng 10% lên 11,1 tỉ đô la trong quí 3, cao hơn kỳ vọng của giới phân tích, giúp lợi nhuận tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quí vừa qua, lợi nhuận và doanh thu của UPS lần lượt đạt 3,1 tỉ và 24,16 tỉ đô la, đều tăng so với cách đây một năm.

Điều đó cho thấy, dù người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể chịu sức ép áp lực giá cả nhưng vẫn đang chi tiêu. Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn có thể cầm cự cho đến khi niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm mạnh và lạm phát cao thực sự làm ảnh hưởng đến nhu cầu và lợi nhuận doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có một yếu tố khác đang diễn ra, đó là sự kỳ vọng Fed sẽ sớm kết thúc chiến dịch thắt chặt tiền tệ. Tin xấu đang đến dồn dập, từ lạm phát, cao, xung đột ở Ukraine leo thang, các dấu hiệu cảnh báo kinh tế suy thoái kinh hoàng. Tuy nhiên, sự hội tụ của các thông tin tiêu cực như vậy có thể khiến Fed xem xét giảm tốc độ tăng lãi suất.

Các nhà đầu tư kỳ vọng vào điều đó vì cho rằng, việc Fed lãi suất quá mạnh sẽ khiến nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái sâu và kéo dài. Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong mỗi cuộc họp trong số ba cuộc họp chính sách gần đây nhất để chống lạm phát. Fed có khả năng tăng lãi suất ở quy mô như vậy một lần nữa vào cuộc họp đầu tháng 11 tới nhưng sau đó chưa rõ thế nào.

Dù Phố Wall kỳ vọng GDP Mỹ, thước đo rộng nhất của nền kinh tế, sẽ tăng trưởng trong quí 3 nhưng các hồi chuông cảnh báo suy thoái vẫn tiếp tục vang lên. Theo một báo cáo khảo sát của S&P Global về chỉ số nhà quản trị mua hàng trong ngành sản xuất và dịch vụ Mỹ, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm trong tháng này, cho thấy chiến dịch tăng lãi suất của Fed đang tạo ra hiệu quả như mong muốn.

“Kinh tế Mỹ suy yếu rõ rệt trong tháng 10, trong khi niềm tin vào triển vọng tăng trưởng cũng xấu đi đáng kể. Sự yếu này là do hoạt động của ngành dịch vụ suy giảm trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng và các điều kiện tài chính thắt chặt”, Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng S&P Global nói.

Bên cạnh đó, thị trường nhà đất của Mỹ bắt đầu hạ nhiệt khi lãi suất vay thế chấp tăng đột biến. Tăng trưởng sản xuất cũng đã chậm lại. Giá năng lượng tăng có thể kìm hãm nhu cầu của người tiêu dùng.

Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều hy vọng rằng, nếu nền kinh tế bắt đầu có nhiều dấu hiệu suy yếu hơn và lạm phát cuối cùng cũng hạ nhiệt, Fed có thể chỉ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 12.

Hơn nữa, Fed có thể tạm dừng việc tăng lãi suất vào năm 2023 để chờ xem các đợt tăng lãi suất tác động như thế nào đến nền kinh tế. Một số nhà phân tích ở Phố Wall thậm chí còn đặt cược rằng, Fed có thể đảo ngược hướng đi và bắt đầu cắt giảm lãi suất trở lại vào cuối năm sau nếu nhận thấy việc tăng lãi suất đã đi quá xa và khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Với việc mua mạnh cổ phiếu trong những ngày gần đây, có vẻ như các nhà đầu tư đang đặt tầm nhìn dài hạn. Cổ phiếu đã giảm khá mạnh khi tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ được dự báo sụt giảm trong năm nay và trong nửa đầu năm 2023.

Nếu thời kỳ tồi tệ nhất do ảnh hưởng của lạm phát và tăng lãi suất thực sự kết thúc vào nửa cuối năm sau thì Phố Wall nên đặt cược vào điều đó. Phố Wall định giá cổ phiếu dựa vào thu nhập của doanh nghiệp trong tương lai.

Vì vậy, mặc dù người tiêu dùng có thể đang sống trong một môi trường kinh tế ảm đạm hiện tại nhưng các nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm hoặc hy vọng những thời điểm tốt đẹp hơn vào cuối năm 2023 và 2024.

Theo CNN, Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới