Thứ Ba, 21/03/2023, 07:57
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Vì sao dịch vụ gì cho doanh nghiệp cũng thu tiền?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao dịch vụ gì cho doanh nghiệp cũng thu tiền?

Tư Hoàng ghi

Vì sao dịch vụ gì cho doanh nghiệp cũng thu tiền?
Ông Nguyễn Đình Cung. Ảnh TG

(TBKTSG Online) – "Tôi không hiểu sao dịch vụ gì cho doanh nghiệp cũng thu tiền, cái gì cũng thu tiền dù doanh nghiệp, người dân đã đóng thuế. Một quả trứng cũng đóng dấu thu tiền"

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung trao đổi với báo chí như vậy bên lề Hội nghị tập huấn Nghị quyết 19 ngày 30-7 tại Hà Nội. Theo ông Cung, Nghị quyết 19 phải làm giảm bớt các thủ tục, giấy tờ không cần thiết, bớt đi các khoản thu quá nhiều từ doanh nghiệp. Sau đây là các trao đổi cụ thể:

– Một số bộ ngành ví dụ như Bộ Y tế vẫn đưa ra dự thảo chính sách trái với Nghị quyết 19 như dự thảo kiểm tra thực phẩm xuất nhập khẩu. Theo phản ánh của Tổng cục Hải quan, yêu cầu này sẽ làm tăng thời gian thông quan lên 2 ngày? Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo Chính phủ xử lý những chính sách ngược dòng cải cách này như thế nào?

Có 2 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp là các quyết định về điều kiện kinh doanh, và các quy định về quản lý xuất nhập khẩu chuyên ngành. Các quyết định về điều kiện kinh doanh chủ yếu liên quan đến kinh doanh nội địa; còn các quy định về quản lý hoạt động thông quan liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu. Hai nhóm qui định này rất lạc hậu về nội dung, về cách thức quản lý, về công cụ, điều kiện kỹ thuật quản lý nên năng lực của nó không đáp ứng. Cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 năm nay là nhằm vào hai nhóm này.

Tuy nhiên, cho đến nay, đánh giá công bằng thì một số bộ trưởng các bộ như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Tài chính, Tổng cục trưởng Hải quan cũng khá tích cực trong việc cải cách thủ tục thông quan xuất nhập khẩu. Cải cách những lĩnh vực giúp hoạt động xuất nhập khẩu mới thuận lợi. Còn lại các bộ khác, theo tôi, họ chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của cải cách các nhóm quy định liên quan đến môi trường kinh doanh và liên quan trực tiếp đến Nghị quyết 19. Thậm chí một số bộ còn ban hành những văn bản trái về nội dung, trái về thẩm quyền, tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp.

Trong các cuộc họp Chính phủ, họp chuyên đề, tôi thấy Thủ tướng luôn lưu ý triển khai, nhưng yêu cầu này chưa được truyền xuống tất cả các bộ. Thậm chí bên dưới còn có nhiều nơi có phản ứng, chưa hoặc lùi thời gian triển khai với những lý do: năm nay trong chương trình chưa đặt ra. Đó là những điều phải thay đổi.

– Nghị quyết 19 năm 2014 có đem lại chuyển động nhưng kết quả thực hiện Nghị quyết 19 lần 2 (năm 2015) có vẻ mờ nhạt?

Nếu cảm nhận thì không sai. Nhưng Nghị quyết 19 lần 1 là đi từ số không đến có nên thấy những tác động của nó rất nhanh, nhìn thấy rõ ràng, đo lường được. Còn với Nghị quyết 19 lần 2 đòi hỏi những cố gắng, thay đổi nhiều hơn nữa thì mới có thể nhìn thấy rõ ràng. Năm nay cũng khó hơn. Năm ngoái giảm 400 giờ nộp thuế là đã làm được rất nhiều. Nhưng năm nay, nếu chỉ thay đổi trên văn bản là không đủ mà phải thay đổi cả kỹ năng, quy trình thì lúc đó mới thay đổi được. Hiện nay, giảm 50 giờ làm thủ tục nộp thuế còn khó hơn nhiều giảm 100 giờ của năm trước.

– Tình trạng này là do thiếu chế tài với địa phương, bộ ngành không tích cực hưởng ứng?

Tôi không thích tư duy cứ không làm gì là phạt. Tư duy đó đẩy vào thế đối trọng chứ không phải đối tác. Chúng ta cũng cần tiếp cận mới là tuyên truyền, làm thay đổi cách nghĩ, cách tư duy, cách làm việc. Đương nhiên cũng phải tạo áp lực. Và cách trừng phạt hiệu quả nhất là làm sao cho công khai, minh bạch, ai làm được thì đánh giá làm được, ai chưa làm thì bảo nơi đó chưa làm, làm chưa tốt thì hiệu quả hơn là yêu cầu kỷ luật ông này, xử phạt anh kia.

Trong các địa phương, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh khá chủ động, tích cực thực hiện Nghị quyết 19. Họ triển khai ngay, bằng việc phổ biến nội dung cho các lãnh đạo các đơn vị của địa phương để yêu cầu họ thực hiện.

– Các địa phương hưởng ứng tinh thần Nghị quyết 19 như thế nào, theo ông?

Vấn đề triển khai các quy định pháp luật như thế nào là do địa phương thực hiện. Với Nghị quyết 19, tuy cùng một ngôn ngữ, nhưng cách tiếp cận nó khác. Tôi lấy ví dụ như với giấy phép xây dựng, khi nói cấp phép không chỉ có công đoạn duy nhất là cấp giấy phép xây nhà mà thực tế còn có 9 yếu tố khác liên quan: cấp điện, cấp nước, đăng ký tài sản…để tòa nhà vận hành được, hay là một tài sản có thể bán, chuyển nhượng.

– Môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện trong các báo cáo của World Bank, theo ông vì sao?

Môi trường kinh doanh vẫn chưa thuận tiện. Doanh nghiệp vẫn phải xin nhiều giấy phép, vẫn nhiều rào cản. Nền tảng kinh tế thị trường của Việt Nam chưa vững chắc. Chi phí còn đè nặng doanh nghiệp, và doanh nghiệp vừa và nhỏ không lớn được trong nhiều năm nay. Tôi không hiểu sao dịch vụ gì cho doanh nghiệp cũng thu tiền, cái gì cũng thu tiền dù doanh nghiệp, người dân đã đóng thuế. Một quả trứng cũng đóng dấu thu tiền. Cơ quan nhà nước có động lực để thu nên sinh ra kiểm tra nhiều. Điều đó phải thay đổi, phải bớt kiểm tra, thu tiền. Đó là công việc nhà nước phải làm. Do đó, đây là yêu cầu mà Nghị quyết 19 đặt ra.

Xem thêm:

Thủ tướng không hài lòng về cải thiện môi trường kinh doanh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới