Chủ Nhật, 15/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vì sao lãi suất huy động tiền đồng liên tục tăng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao lãi suất huy động tiền đồng liên tục tăng?

Phan Thanh Tịnh

Các ngân hàng hiện đang tăng lãi suất để giữ chân khách hàng. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Những ngày gần đây, các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục tăng lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng Việt Nam. Điều này được một số chuyên gia nhận định là do tính thanh khoản thấp tại các ngân hàng. Tuy nhiên, một vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói với TBKTSG Online rằng, “Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thanh khoản tại các NHTM vẫn rất ổn và hoàn toàn bình thường”.

Vị lãnh đạo nói trên mặc dù thừa nhận các ngân hàng thương mại đang thực hiện một cuộc chạy đua về lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng, nhưng giải thích rằng, hiện tượng này là do tác động của việc Kho bạc nhà nước, các doanh nghiệp đã và đang phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn khiến các NHTM phải tăng lãi suất để đảm bảo yếu tố cạnh tranh.

Theo thông tin tổng hợp từ Hiệp hội Ngân hàng, tuần trước, ít nhất có 10 ngân hàng công bố tăng lãi suất huy động tiền đồng và hầu hết trong số này đều là các ngân hàng có quy mô nhỏ.

Trong khi đó, thống kê từ phía Ngân hàng Nhà nước cho biết kể từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động vốn ngắn hạn có xu hướng tăng liên tiếp, bình quân của tháng 1 là 7,5%; tháng 2 là 7,2%; tháng 3 là 7,73%; tháng 4 ở mức 7,74%; tháng 5 là 7,85%; tháng 6 là 8,01% và tháng 7 là 7,87%. Mặc dù, tháng 8 chưa được công bố, song nhiều người cho rằng, với việc tăng lãi suất của nhiều ngân hàng, mức lãi suất huy động ngắn hạn trung bình trên thị trường sẽ ở mức cao hơn cả tháng 6.

Một chuyên gia là viện trưởng, nghiên cứu về chính sách tiền tệ tại Hà Nội nói với TBKTSG Online, sẽ không bao giờ có chuyện tính thanh khoản rơi vào trạng thái của đầu năm 2008, bởi theo bà các ngân hàng thương mại cũng như Ngân hàng Nhà nước đều rút ra những bài học quý báu trong công tác điều hành và hiện nay, trường hợp đó rất khó lặp lại. “Năm 2008, các ngân hàng thương mại đã mạo hiểm khi cho vay quá mức dự trữ bắt buộc.

Có trường hợp đã cho vay gần hết quỹ dự trữ. Điều này là thực sự mạo hiểm và vượt quá khuyến cáo của Ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay họ (các ngân hàng thương mại- PV) đã rút ra nhiều bài học từ vấn đề này”.

Tuy nhiên, nguồn tin này cho rằng việc phát hành trái phiếu từ kho bạc không thể là yếu tố dẫn đến việc các ngân hàng thương mại tăng lãi suất bởi trái phiếu được phát hành chủ yếu là “nhắm” vào doanh nghiệp, trong đó các ngân hàng thương mại chiếm một tỷ trọng lớn trong việc mua trái phiếu.

Về phía các NHTM, ông Lê Đăng Khoa, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB), cho biết hoàn toàn không có chuyện thanh khoản kém hay có vấn đề. Chuyện tăng lãi suất ở đây là do lãi suất thị trường nói chung tăng, buộc các ngân hàng cũng phải tăng lãi suất để giữ khách. “Đây là điều rất bình thường”, ông Khoa nói.

Ông Khoa cũng giải thích rằng, việc tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng trước hết là do chính sách tiền tệ thời gian vừa qua thắt chặt hơn. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán đang “ấm lại” phần nào đã tạo ra sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Mặc dù các khoản tiền này vẫn nằm trong các NHTM, song do vòng quay chậm lại nên tiền sẽ ở lại lưu thông nhiều hơn là trong tài khoản ngân hàng.

Cũng theo ông Khoa, khác với thời gian đầu của năm 2008 khi thanh khoản của các ngân hàng xuống mức thấp, ở thời điểm hiện nay, tất cả các ngân hàng đều có sự cân đối giữa vốn huy động và vốn cho vay, vì thế ngân hàng luôn đảm bảo được tính thanh khoản.

Trong khi đó, bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) cũng cho rằng hoàn toàn không có chuyện bất ổn trong thanh khoản tại các ngân hàng. Bà Nga giải thích, việc tăng lãi suất của các ngân hàng hầu như xuất phát từ khả năng huy động vốn đang trở nên khó hơn do phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác đang khá hấp dẫn như vàng, chứng khoán , bất động sản… trong khi nhu cầu vay của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm rất lớn.

Vì vậy các ngân hàng phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng đều đang chuẩn bị vốn cho khả năng Chính phủ sẽ tung ra gói kích cầu thứ hai và cũng nhằm thực hiện Quyết định 15 về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vào đầu năm 2010. Bên cạnh đó, cũng có ngân hàng đang gặp khó khăn về cơ cấu nguồn vốn cần phải điều chỉnh để đảm bảo an toàn.

Cũng theo bà Nga, do tâm lý của người dân còn e ngại lạm phát nên kênh gửi tiết kiệm không phải là lựa chọn được ưu tiên. Hơn nữa, người dân cũng có tâm lý chờ lãi suất tăng tiếp nên chưa muốn gửi tiết kiệm vào thời điểm này hoặc không gửi dài hạn.

Việc huy động vốn từ các doanh nghiệp cũng hạn chế bởi thời điểm này các doanh nghiệp đều không có vốn dư thừa do phải đáp ứng nhu cầu vốn cho các hợp đồng trong 6 tháng cuối năm, chi trả cổ tức hoặc đầu tư mới. Cũng không loại trừ có những ngân hàng nhỏ, thương hiệu chưa mạnh nên đang có khó khăn nhất định về thanh khoản, tuy nhiên không trầm trọng như năm 2008.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới