Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao Lâm Đồng thu hồi biệt thự đã giao cho HAGL?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao Lâm Đồng thu hồi biệt thự đã giao cho HAGL?

Nhất Hùng thực hiện

Ông Nguyễn Văn Yên

(TBKTSG Online) – Ngày 13-9, luật sư của Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã đến Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng nộp đơn khởi kiện Sở Tài chính Lâm Đồng vi phạm hợp đồng thuê tài sản liên quan đến các biệt thự bị thu hồi.

>>Xây khu du lịch “Vườn địa đàng” ở Đà Lạt

Nhân vụ việc này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Yên, Giám đốc Sở Tài chính Lâm Đồng – đơn vị trực tiếp ký kết hợp đồng cho thuê tài sản với HAGL – xung quanh vụ việc này.

TBKTSG Online: Sở Tài chính Lâm Đồng đã chuẩn bị gì để đối phó với vụ kiện của HAGL về việc vi phạm hợp đồng?

– Ông Nguyễn Văn Yên: Việc UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định thu hồi 11 căn biệt thự (7 căn đã bàn giao và 4 căn chưa bàn giao) của HAGL là đúng quy trình và đảm bảo theo quy định pháp luật hiện hành. Điều này căn cứ vào Quyết định số 53 ngày 2-3-2005 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành quy chế cho thuê biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Tại khoản 12, điều 1 của quyết định này nêu rõ: trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được ký hợp đồng cho thuê phải đưa biệt thự vào hoạt động theo đúng dự án được duyệt. Tại khoản 12, điều 38 Luật đất đai năm 2003 cũng quy định: không sử dụng đất trong thời gian 12 tháng liền thì phải thu hồi.

Ngày 22-5-2008, UBND tỉnh Lâm Đồng gửi HAGL văn bản số 3592/UBND-XD để yêu cầu HAGL trong vòng hai tháng, đến hết 20-7-2008 phải tổ chức nâng cấp, sửa chữa các biệt thự nói trên. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh được yêu cầu phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt và các cơ quan có liên quan kiểm tra tiến độ và nếu quá thời hạn quy định trên mà công ty không thực hiện sửa chữa, nâng cấp các biệt thự thì báo cáo đề xuất UBND tỉnh thu hồi các biệt thự nêu trên.

Tại khoản 3 của văn bản số 1068 do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành ngày 24-2-2009 cũng yêu cầu HAGL khẩn trương đầu tư nâng cấp các biệt thự được giao trong năm 2007 và 2008, và nếu sau 12 tháng kể từ ngày được bàn giao biệt thự mà không tổ chức triển khai thì UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ thu hồi theo quy định hiện hành.

Trên thực tế, HAGL đã để các căn biệt thự mà tỉnh đã giao xuống cấp và mất mát tài sản của nhà nước là đã đủ điều kiện để trình thu hồi chứ không cần thiết là để quá 12 tháng, trong khi đã kéo dài quá 3 năm. Như vậy, việc thu hồi này là chúng tôi làm đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật.

Nhưng phía HAGL nói việc chậm trễ trên là do Lâm Đồng giao biệt thự không đúng thời hạn ghi trong hợp đồng?

-Trong hợp đồng không có điều khoản nào quy định rằng chúng tôi phải giao hoàn tất mặt bằng vào năm 2006, mà chỉ thể hiện rằng chúng tôi sẽ giao từ năm 2006 mà thôi. Theo hợp đồng, việc cho thuê 18 (sau này điều chỉnh thành 20) biệt thự được chia làm 4 giai đoạn, gồm 4 biệt thự trong giai đoạn 1; 4 biệt thự trong giai đoạn 2 năm 2004; 5 biệt thự của giai đoạn 3 từ năm 2005, và 5 biệt thự thuộc giai đoạn 4 từ năm 2006. Như vậy, trong hợp đồng chỉ có giai đoạn 1 và 2 có thời hạn trong năm 2004, còn giai đoạn 3 và 4 chỉ có thời điểm bắt đầu năm 2005 và 2006 chứ không đề cập thời gian kết thúc bàn giao.

Thực tế, tỉnh đã bàn giao cho HAGL 2 nhóm biệt thự của giai đoạn 1 và 2 ngay từ năm 2004, và 7 biệt thự đã được giao trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2008. Tuy nhiên, HAGL không đầu tư mà bỏ hoang nên khiến các biệt thự này xuống cấp trầm trọng.

Dự án đã được phê duyệt thiết kế từ trước, sửa chữa và nâng cấp là việc thực hiện riêng lẻ từng biệt thự. Do đó, HAGL căn cứ vào lý do chưa giao đủ mặt bằng nên không thể triển khai dự án là không có cơ sở. Việc thu hồi 11 căn biệt thự của HAGL là một chủ trương bình thường nhằm đảm bảo hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế, nếu như HAGL cho rằng chúng tôi vi phạm hợp đồng thì có quyền khởi kiện ra tòa án, chúng tôi đã sẵn sàng hầu tòa để tranh luận.

HAGL cho rằng Lâm Đồng còn nợ HAGL gần 1 tỉ đồng mà công ty đã ứng trước cho việc bồi thường giải tỏa các biệt thự. Điều này có đúng không, thưa ông?

-Số tiền HAGL ứng trước để hỗ trợ việc đền bù vẫn còn đó. Sở Tài chính tỉnh đã ít nhất 5 lần gửi giấy mời cho HAGL, mời đến giải quyết vụ việc, nhưng đã 4 lần HAGL không hồi đáp. Duy nhất một lần HAGL cử một cán bộ không có đủ thẩm quyền đến làm việc nhưng không ký vào biên bản. Lần gần đây nhất là ngày 16-4-2010, Sở Tài chính đã có văn bản số 600 đề nghị HAGL phối hợp để kiểm kê, bàn giao tài sản nhưng HAGL không hợp tác.

Tính đến ngày 10-9-2010, HAGL còn nợ ngân sách tỉnh Lâm Đồng với tổng số tiền thuê biệt thự là 112.488,5 đô la Mỹ.

Xin cảm ơn ông!

Trong đơn khởi kiện Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, HAGL cho rằng cơ quan này không thể bàn giao 5 biệt thự đúng hạn và hiện nay lại tiếp tục vi phạm nghiêm trọng hợp đồng (Hợp đồng thuê tài sản số 818/HĐ-TTS) đã ký. Điều này không những ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của tập đoàn còn gây nên sự hoang mang cho các cổ đông và các nhà đầu tư chiến lược của HAGL. Do đó, HAGL đề nghị Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về danh dự uy tín cho doanh nghiệp.

Trong đơn khởi kiện, HAGL đề nghị tòa án buộc Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng phải tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê tài sản số 818 đã ký. Trong trường hợp cơ quan này không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng thì phải tiến hành thanh lý hợp đồng, thanh quyết toán các khoản tiền HAGL đã tạm ứng, bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp do hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Tuy nhiên, HAGL không đưa ra mức bồi thường thiệt hại.

Bình Nguyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới