Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao Mỹ không sản xuất thêm dầu để giảm giá?

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Giá dầu trong thời gian sắp tới sẽ biến động theo hướng nào phụ thuộc vào ba yếu tố: các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC có tăng sản lượng dầu hay không; nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ như thế nào và liệu Mỹ có mở van dầu đá phiến để bình ổn giá dầu trong nước. Riêng yếu tố thứ ba buộc người ta phải đặt câu hỏi, vì sao Mỹ là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhưng vẫn để giá dầu trong nước tăng cao, gây thêm áp lực cho lạm phát?

Khủng hoảng dầu lửa năm 1973 khi các nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông cấm vận Mỹ, không cho nước này nhập khẩu dầu vì đã cung cấp vũ khí cho Israel đã làm giá dầu tăng vọt đến 300%. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon đã phải xây dựng kế hoạch tìm cách cho nước Mỹ độc lập về năng lượng để không phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài. Đến năm 2018 Mỹ trở thành nước sản xuất dầu và khí lớn nhất thế giới, về lý thuyết là đã đạt được “độc lập về năng lượng” nhưng chỉ trên mặt giấy tờ.

Giới vận động hành lang đang tung ra thăm dò một giải pháp: Mỹ bán dầu từ kho dự trữ rồi cam kết mua lại từ các nhà sản xuất trong nước trong một số năm tới, dĩ nhiên với mức giá cam kết không để doanh nghiệp dầu đá phiến lỗ.

Công nghệ khai thác dầu khí đá phiến đã giúp Mỹ sản xuất nhiều dầu hơn nhu cầu tiêu thụ trong nước nhưng cũng vì vậy làm giá dầu thế giới sụt giảm nhanh chóng. Khác với các nước OPEC, Chính phủ Mỹ không thể chủ động cắt giảm hay gia tăng sản lượng dầu một cách dễ dàng; họ cũng không thể can thiệp vào giá dầu ở thị trường trong nước.

Đại dịch Covid-19 làm nhu cầu tiêu thụ dầu khắp thế giới suy giảm trầm trọng, càng làm giá dầu sụt xuống mức kỷ lục, có khi trở về mức âm. Ngành khai thác dầu đá phiến đành phải đóng cửa nhiều dự án để cắt lỗ; nhiều công ty thua lỗ phải sáp nhập vào công ty khác. Giới đầu tư ở Wall Street không còn mặn mà rót tiền cho sản xuất dầu khí. Ngành khai thác dầu đá phiến từ chỗ hàng trăm công ty nay chỉ còn vài chục. Nguồn nhân lực trong ngành này giảm từ mức 200.000 người vào cuối năm 2014 còn 128.000 người vào tháng 2 năm nay.

Nay các chủ dự án dầu đá phiến đang hưởng “thành quả” của đợt tăng giá lần này; họ không vội vàng gì khởi động các dự án mới. Tờ The Atlantic trích lời một số nhân vật trong ngành dầu đá phiến “thề thốt” rằng họ cũng không thèm khoan dầu mới ngay cả khi giá dầu lên mức 150 đô la/thùng. Vốn đầu tư, trong tình hình Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, sẽ không dễ kiếm. Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng Mỹ sẽ không thể sớm tăng sản lượng dầu sản xuất trong nước để bù đắp vào chỗ thiếu hụt.

“Độc lập năng lượng” chỉ tồn tại trên giấy tờ cũng vì Mỹ sản xuất nhiều dầu nhưng cũng nhập nhiều dầu không kém. Mỹ sản xuất loại dầu đá phiến, nhập các loại dầu nặng hơn, rẻ hơn rồi trộn lại để cung cấp một nguồn nguyên liệu giá rẻ cho các nhà máy lọc dầu của nước này.

Chẳng hạn vào tháng 12-2021, Mỹ nhập 400.000 tấn dầu từ Nga, hơn một nửa trong số đó là loại dầu rất nặng và chua, giá rẻ. Chính vì thế mà giá dầu ở Mỹ luôn theo sát giá quốc tế; chiến sự ở Ukraine bùng nổ, giá dầu thế giới tăng – giá xăng ở Mỹ tăng theo. Đây là điều không thể tránh được vì Mỹ đã cho phép xuất khẩu dầu trở lại từ năm 2015 sau một lệnh cấm kéo dài 40 năm.

Các nhà máy lọc dầu ở Mỹ cũng được xây dựng theo công nghệ lọc loại dầu chua, nặng nhập khẩu như dầu của Nga hay dầu từ Canada trộn với loại dầu ngọt nhẹ sản xuất trong nước. Nay không có dầu nặng của Nga, họ phải tìm cách nhập dầu từ Venezuela mới đạt được mức pha trộn tối ưu để đạt giá thành tối ưu. Ngoài ra, do vấn đề vận chuyển, nhiều lúc xuất khẩu dầu thô từ Texas rồi nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông còn rẻ hơn chở dầu từ Texas đến các nhà máy lọc dầu ở bờ Đông nước Mỹ.

Giá dầu tăng đến 70% kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ đến nay nên giá dầu đang là một áp lực chính trị nặng nề, nhất là khi nước Mỹ sắp bước vào đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ. Các giải pháp Chính phủ Mỹ đang tính toán có thể bao gồm việc nới lỏng các yêu cầu về môi trường để cấp phép cho các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi. Mỹ cũng có thể mở van kho dự trữ dầu chiến lược để cung cấp nhiều dầu hơn cho thị trường.

Giới vận động hành lang đang tung ra thăm dò một giải pháp: Mỹ bán dầu từ kho dự trữ rồi cam kết mua lại từ các nhà sản xuất trong nước trong một số năm tới, dĩ nhiên với mức giá cam kết không để doanh nghiệp dầu đá phiến lỗ. Theo họ điều này sẽ giúp giảm giá dầu ngay đồng thời phục hồi sản xuất dầu đá phiến bền vững trong vài năm tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới