Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao người dân TPHCM không đi xe buýt?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao người dân TPHCM không đi xe buýt?

Anh Quân

TPHCM hiện có gần 3.000 xe buýt nhưng mới chỉ đáp ứng được 7,3% nhu cầu đi lại của người dân – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, chất lượng dịch vụ xe buýt tại TPHCM được người dân đánh giá chưa cao và có xu hướng giảm xuống. Việc phải chờ đợi lâu, đi bộ xa, xe chạy không đúng giờ… là những nguyên nhân khiến người dân không chọn xe buýt là phương tiện đi lại.

>>TPHCM tăng giá vé xe buýt từ 1-1-2011

Chờ đợi lâu, đi bộ xa…

Tại buổi hội thảo “Làm thế nào để vận tải hành khách công cộng trở thành phương tiện đi lại chính của người dân TPHCM” diễn ra ngày 28-4, nhiều nhà khoa học và nhà quản lý cho rằng đã đến lúc phải đổi mới, sắp xếp lại hoạt động của xe buýt.

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM nói rằng từ năm 2000 những người quản lý đô thị chỉ mới vẽ quy hoạch đường mà chưa tính toán đến diện tích dành cho vận tải hành khách công cộng. Do đó dẫn đến tình trạng, thiếu diện tích dành cho phương tiện vận tải này.

Trong những năm qua, vận tải hành khách công cộng ở TPHCM luôn ở trong tình trạng xe buýt thì nhiều và rất rộng chỗ nhưng khách thì ít, trong khi đó xe máy thì chen chúc nhau trên các tuyến đường. Kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, nguyên nhân khiến hành khách không thích đi xe buýt là do phải chờ đợi lâu chiếm 32,9 %, phải đi bộ xa 28,9%, xe chạy không đúng giờ chiếm 26,5%, chật chội, mùi xăng chiếm 28,5%…

Năm 2010, xe buýt của TPHCM mới đáp ứng được khoảng 7,3 % nhu cầu đi lại của người dân, trong khi tỷ lệ này ở thành phố Hà Nội là 15%. Do chưa thu hút được hành khách đi xe buýt nên hoạt động của xe buýt tại TPHCM hiện nay chưa hiệu quả, tính trung bình mới chỉ đạt 2 lượt hành khách/km lăn bánh (trong khi chỉ tiêu này ở các nước châu Âu là trên 4).

Sẽ thực hiện những giải pháp đồng bộ

Hầu hết các ý kiến tại buổi hội thảo đều tập trung vào vấn đề cần nâng cao hơn nữa chất lượng xe buýt để thu hút người dân đi lại bằng phương tiện này. Ông Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế – xã hội Hà Nội chia sẻ, hiện nay TPHCM còn áp dụng việc mua vé tháng tập, có lẽ hình thức này là một trở ngại đối với người dân. Như ở Hà Nội người dân đi xe buýt thường xuyên sẽ được làm thẻ tháng, họ đi tháng nào thì dán tem của tháng đó, tem vé tháng liên tuyến sẽ có giá trị trên tất cả các tuyến buýt trong thành phố.

Bên cạnh vấn đề trợ giá cho hành khách, ông Dư Phước Tân, Trưởng phòng nghiên cứu đô thị, Viện nghiên cứu phát triển thành phố cho rằng, trước tiên thành phố phải có thêm những điểm trung chuyển giữa những tuyến đường nhỏ với trạm xe buýt lớn để tạo điều kiện cho người dân. Bởi ở nhiều tuyến đường hẻm kéo dài, người dân muốn đi xe buýt nhưng lại ngại đi bộ.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cho thấy, việc đi xe máy vẫn là rẻ nhất so với các phương tiện khác chỉ vào khoảng 500 đồng/km. Ông Nguyên cho rằng, sự lựa chọn phương tiện đi lại của người dân TPHCM sẽ thay đổi mà không cần vận động hay áp dụng biện pháp hành chính chỉ khi nào thu hẹp được hoạt động của “ kinh tế vỉa hè” và “ kinh tế mặt tiền”; khi nào hình thành các khu chức năng rõ ràng hơn thì khi đó người dân sẽ lựa chọn phương tiện công cộng.

Về phía chính quyền TPHCM, Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài, cho rằng để thu hút được người dân đi xe buýt nhiều hơn thì cần phải có một giải pháp đồng bộ cả về phía doanh nghiệp vận tải, chính quyền cũng như người dân.

Ông tài cho biết, sắp tới thành phố sẽ thực hiện thay mới xe buýt, lập lại các luồng tuyến, tăng cường xe nhỏ để phù hợp với diện tích mặt đường. Đồng thời, thành phố cũng đang thử nghiệm việc áp dụng công nghệ tự động vào việc bán vé…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới