Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao nhà máy đường trong nước lo ngại đường của HAGL?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao nhà máy đường trong nước lo ngại đường của HAGL?

Hùng – Hằng – Nghĩa

Vì sao nhà máy đường trong nước lo ngại đường của HAGL?
Dù hiện tại đang có sự canh tranh giữ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đường nhưng người tiêu dùng vẫn phải trả giá cao cho mỗi ký đường khi mua về. Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Mỗi năm, Công ty cổ phần đường Biên Hòa (BHS) đều nhập đường thô về tinh luyện cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, động thái muốn mua đường thô từ dự án mía đường của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại Lào để xuất khẩu đang bị sự phản ứng từ Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA).

>>> Chưa quyết định việc nhập đường từ Lào

>>> Ngành mía đường đã đến lúc phải thay đổi

>>> HAGL tìm cách bán đường cho DN trong nước

Thực tế, BHS đã nhập đường thô để sản xuất đường tinh luyện từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc BHS cho biết, lâu nay, ngoài việc nhập đường thô theo hạn ngạch được Bộ Công Thương cấp để sản xuất đường tinh luyện bán cho thị trường trong nước, công ty còn nhập thêm khoảng 30.000- 40.000 tấn đường thô mỗi năm theo dạng nhập thông thường (thuế cao hơn nhập theo hạn ngạch) để tinh luyện rồi xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực nhưng không xuất sang Trung Quốc. Những nước mà BHS nhập đường thô là Thái Lan, Philippines.

Trong năm qua, mỗi khi trong nước dư thừa đường, giá mía đường rớt thì giải pháp của các doanh nghiệp mía đường trong nước là xuất sang thị trường Trung Quốc. Và đây là thị trường xuất khẩu đường chủ yếu của Việt Nam với hàng trăm ngàn tấn đường mỗi năm.

Tuy nhiên, chỉ một số doanh nghiệp được sự đồng ý của Bộ Công Thương mới được xuất sang thị trường này theo đường tiểu ngạch với sự thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nhưng BHS không nằm trong danh sách được phép xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Vì thế, lần này, trước thông tin BHS nhập đường thô của HAGL rồi tinh luyện để xuất sang thị trường Trung Quốc thay vì các nước khác, BHS bị các nhà máy đường trong nước chỉ trích là sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu đường của các nhà máy này.

Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA, giá mía của HAGL tại Lào rất thấp chỉ 296.000 đồng/tấn. Từ đó, giá thành đường do HAGL sản xuất tại Lào đặc biệt thấp, chỉ 4.320.000 đồng/tấn đường so với giá mua mía và sản xuất trung bình tại Việt Nam lần lượt là trên dưới 1 triệu đồng/tấn mía và 13- 13,5 triệu đồng/tấn đường.

“Đường của HAGL có giá thành thấp nên khi xuất đi họ sẽ có giá bán thấp hơn các doanh nghiệp đường trong nước, như vậy, đường của các doanh nghiệp đường trong nước sẽ không xuất khẩu được, tức là ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp rồi còn gì nữa”, ông Hải nói.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết: “Đường do HAGL sản xuất tại Lào rồi chở về Việt Nam tinh luyện và xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ có giá bán cao hơn đường xuất khẩu tiểu ngạch. Các doanh nghiệp đường trong nước không có lý do để lo ngại cạnh tranh trên thị trường trong nước lẫn ở Trung Quốc”.

Song, phía VSSA lại dẫn ra rằng, trước đây, HAGL từng nói là không bán đường về Việt Nam nhưng hiện những thực tế đang chứng tỏ ngược lại. Vậy, những gì mà ông Đức khẳng định không bán đường giá rẻ qua thị trường Trung Quốc trong thời gian tới là không có gì chắc chắn.

Sở dĩ VSSA nói như vậy là vì năm 2012, ông Đức đã từng nói rằng, không có chuyện HAGL đưa đường về nước tiêu thụ như lo ngại của các doanh nghiệp đường trong nước nhưng nay thì lại có vụ việc chuẩn bị bán đường thô cho BHS.

Phát biểu lúc đó được đưa ra trong bối cảnh các thành viên của VSSA liên tục kiến nghị với cơ quan quản lý là không để HAGL bán đường về Việt Nam vì như thế sẽ ảnh hưởng đến người trồng mía.

Cụ thể, vào năm 2012, khi mới bắt đầu trồng mía ở Lào, HAGL đã có công văn đề Bộ Công Thương cấp hạn ngạch nhập khẩu đường cho công ty trong năm 2013 là 100.000 tấn và từ năm 2014 trở đi là 150.000 tấn.

Ngay sau có đề nghị này, ngày 19-4-2012 Bộ Công Thương có công văn gởi Bộ Tài chính để tham vấn chuyện nhập khẩu đường từ Lào về Việt Nam của HAGL. Sau đó, trong công văn trả lời Bộ Tài chính nói rõ, những năm qua thực tế quản lý hạn ngạch mặt hàng đường cho thấy đây là mặt hàng tương đối phức tạp, dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố (mùa vụ, thị trường, đầu cơ, cung cầu, giá cả…), vì thế, Bộ Công Thương nên cân nhắc kỹ các yếu tố liên quan để xem xét quyết định gắn với quá trình đàm phán hạn ngạch.

Cuối cùng, hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2013 là 73.500 tấn (gồm đường thô và tinh luyện) đã được cấp cho doanh nghiệp trong nước nhưng không có tên HAGL. Vì vậy, bây giờ mới có chuyện BHS và HAGL bước đầu thỏa thuận mua bán 30.000 tấn (đường thô) thông qua tiểu ngạch rồi xuất sang thị trường Trung Quốc như đã nói ở trên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới