Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao nhiều án dân sự khó thi hành, kéo dài?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao nhiều án dân sự khó thi hành, kéo dài?

Đá Bàn

Vì sao nhiều án dân sự khó thi hành, kéo dài?

Thi hành án dân sự chậm vì thiếu nhân lực. Trong ảnh là buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long với Tổng cục Thi hành án dân sự. Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp

(TBKTSG Online) – Ngày 31-5, làm việc với Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu cơ quan này tập trung thi hành các vụ án điểm, kéo dài…

Tập trung cho án điểm

Báo cáo về công tác thi hành án dân sự, ông Mai Lương Khôi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, cho biết tám tháng qua (từ đầu tháng 11-2015 đến hết tháng 5-2016) ngành thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 252.000 vụ việc (tăng trên 13.000 vụ việc so với cùng kỳ) với số tiền trên 11.384 tỉ đồng (tăng hơn 1.734 tỉ đồng so với cùng kỳ).

Nếu nhìn vào con số và so với cùng kỳ thì thấy công tác thi hành án dân sự có sự chuyển biến theo chiều hướng tốt. Nhưng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, sự chuyển biến đó không ổn định, thiếu tính bền vững. Bởi vì, còn nhiều vụ án trọng điểm, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Một số địa phương có kết quả thi hành án thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, lượng án có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều và tăng so với cùng kỳ…

Tổng cục Thi hành án dân sự thừa nhận: năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành ở nhiều đơn vị, nhất là cấp chi cục, chậm được đổi mới; ý thức trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn hạn chế; công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với những vụ án lớn còn chưa đáp ứng yêu cầu; kết quả giải quyết các vụ thi hành án dân sự trọng điểm, các vụ việc khiếu nại phức tạp… còn kéo dài.

Vì vậy, để tăng hiệu quả công tác thi hành án dân sự, ngay trong năm 2016 này, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự phải tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp kéo dài. Muốn vậy, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thi hành án dân sự cũng như kỷ luật kỷ cương của cán bộ, công chức thi hành án dân sự phải được giám sát chặt.

Đồng thời, Bộ trưởng cho biết sẽ yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ tính toán để tăng biên chế cho một số nhiệm vụ cấp bách của tổng cục và tính toán cụ thể việc điều động luân chuyển cán bộ, nhất là cấp chi cục. “Cần thiết, tổng cục phải báo cáo lãnh đạo bộ, thậm chí Chính phủ để có biện pháp giải quyết”, Bộ trưởng nói.

Muốn tăng chấp hành viên

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành cho rằng những tồn tại hạn chế trong công tác thi hành án dân sự có một phần nguyên nhân từ việc thiếu nhân sự. Theo ông, trong khi lượng việc, số tiền phải thi hành ngày càng tăng, án liên quan đến tín dụng ngân hàng ngày càng nhiều, giá trị lớn, thi hành rất khó khăn thì biên chế ngành thi hành án không tăng mà lại giảm.

Cụ thể, hiện nay cả nước có 3.948 chấp hành viên, 598 thẩm tra viên và 1.731 thư ký thi hành án; trong khi năm 2015 cả nước có 4.128 chấp hành viên, 607 thẩm tra viên và 1.731 thư ký thi hành án.

Vì vậy, Tổng cục Thi hành án dân sự đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, bổ sung 30 biên chế cho tổng cục. Đối với địa phương, tổng cục đề nghị tăng tỷ lệ chấp hành viên từ 41% lên 53,54% trên tổng số công chức theo Đề án đã được Bộ Nội vụ thẩm định để giảm áp lực cho chấp hành viên.

Ngoài ra, để tăng hiệu quả cho công tác thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Văn Bốn đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự thường xuyên trao đổi với Cục Bồi thường nhà nước để kịp thời nắm bắt, giải quyết các việc bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến đề nghị, với việc chuyển giao thừa phát lại về Cục Bổ trợ, trước mắt cần lập tổ liên ngành xử lý giải quyết những vấn đề liên quan…

Riêng Bộ Tư pháp đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự tập trung nguồn lực con người, kinh phí để giải quyết các vụ việc trọng điểm. Tổng cục cần tăng cường công tác thông tin để kịp thời xử lý, nhất là với các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Và, để công tác thi hành án dân sự hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng tổng cục nên thiết kế phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trong toàn hệ thống để đảm bảo được thông suốt, kịp thời; cũng như đề nghị tổng cục có cơ chế thu hút nguồn nhân lực từ các đơn vị khác, cả những người được đào tạo ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thi hành án dân sự cũng cần chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ công chức trong hệ thống; tiếp tục rà soát kỹ thủ tục hành chính để đơn giản theo hướng công khai, minh bạch và thuận lợi hơn cho người dân.

Xem thêm:

Năm 2015: giải quyết 533.985 án dân sự với gần 43.000 tỉ đồng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới