Vì sao nông dân “mê” lúa cấp thấp IR 50404?
Trung Chánh
(TBKTSG Online) – Một lần nữa đề xuất khống chế diện tích lúa cấp thấp (IR 50404) xuống dưới 20% diện tích sản xuất lại được đem ra bàn thảo sôi nổi tại hội nghị: “Sơ kết sản xuất vụ hè thu, thu đông và vụ mùa năm 2012, triển khai sản xuất vụ đông xuân 2012-2013 khu vực Nam bộ” tố chức tại Long An sáng nay 21-9.
![]() |
Vì sao lúa cấp thấp được nông dân chọn? Trong ảnh là nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa thu đông 2012 – Ảnh: Trung Chánh |
Tuy nhiên, đề xuất lần này có đạt được kết quả gì hay không khi còn quá nhiều chuyện phải bàn?
Xuất khẩu gạo cấp thấp vẫn là chủ yếu
Năm 2013 xuất khẩu gạo sẽ ra sao? Thế giới cần bao nhiêu gạo chất lượng cao, bao nhiêu gạo thơm, trung bình và cấp thấp? Đó là những câu hỏi khiến không ít người băn khoăn nhưng chưa một ai có thể trả lời, kể cả Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA nói: “Định hướng nhu cầu gạo cho xuất khẩu, tôi cũng xin dùng từ “định hướng” thôi vì cụ thể năm tới cần bao nhiêu tấn gạo cấp cao, bao nhiêu tấn gạo thơm, gạo trung bình… thì chưa trả lời được đâu. Trước mắt, chúng tôi chỉ đưa ra định hướng và tiếp tục cập nhật thông tin, báo cáo về các địa phương để họ có điều chỉnh cho phù hợp”.
Xét về mặt nhu cầu thị trường, chúng ta chưa biết các nước nhập khẩu sẽ cần loại gạo nào trong năm tới; xét về lợi nhuận thì thực tế đã chứng minh lúa cấp thấp vẫn ngang bằng, thậm chí hơn hẳn lợi nhuận thu được từ gieo sạ lúa chất lượng cao, lúa thơm.
Cụ thể, các giống lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 4218, OM 1490, OM 4900… hiện được thương nhân tại các tỉnh ĐBSCL mua chỉ cao hơn lúa cấp thấp 100 – 200 đồng/kí lô gam, trong khi đó năng suất thấp hơn, chi phí sản xuất cao hơn vì có thời gian thu hoạch kéo dài hơn, nguy cơ dịch bệnh cũng nhiều hơn…
Theo ông Bảy, tính đến ngày 20-9, cả nước xuất khẩu được trên 5,4 triệu tấn gạo, trị giá trên 2,4 tỉ đô la Mỹ (FOB), giảm 4,4% về lượng và 11% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng gạo cao cấp chiếm khoảng 48% (bao gồm gạo thơm và gạo 5%, 10% tấm), gạo trung bình (15% tấm) chiếm 19%, còn lại là gạo cấp thấp (25% tấm).
Tuy nhiên, trong số 48% lượng gạo cao cấp được xuất khẩu này (gạo thơm, gạo 5% và 10% tấm) có bao nhiêu phần trăm là gạo thơm, bao nhiêu phần trăm là gạo chất lượng cao thật sự?
Nói miệng, dân có làm?
Hàng năm, trước khi vào sản xuất vụ mới, ngành nông nghiệp từ trung ương đến địa phương đều đưa ra những khuyến cáo về việc gieo sạ giống lúa gì, diện tích bao nhiêu…Tuy nhiên, chưa một ai bảo đảm khuyến cao đó sẽ giúp nông dân tăng thu nhập, vì vậy, diện tích lúa IR 50404 được xuống giống hàng năm vẫn khá lớn.
Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, muốn nông dân giảm diện tích trồng IR 50404 xuống, doanh nghiệp phải đặt hàng, bao tiêu sản phẩm cho họ với giá hợp lý. “Thực tế với cách làm này, mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm của nông dân hợp tác xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) và Công ty TNHH ADC làm rất tốt việc khống chế gieo sạ lúa IR 50404”, tiến sĩ Bảnh cho biết.
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị nhấn mạnh: “Muốn khuyến cáo đi vào hiện thực, nhất thiết phải chứng minh cho nông dân thấy, họ sẽ đạt lợi nhuận cao hơn khi làm theo khuyến cáo”.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì doanh nghiệp phải nắm được nhu cầu thị trường nhập khẩu, có nghĩa là từ nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ đặt hàng nông dân sản xuất. “Mình có khách quen, họ ăn gạo cấp thấp bao nhiêu, cấp cao bao nhiêu… doanh nghiệp phải nắm nhưng hiện nay doanh nghiệp mình còn không biết lúc nào họ bán, bán cho ai”. Vì vậy, muốn thành công sẽ rất khó”, tiến sĩ Bảnh cho biết.