Vì sao phải chấn chỉnh hoạt động cảng hàng không Điện Biên?
Lan Nhi
(TBKTSG Online) – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản chỉ đạo Cục hàng không Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những tồn tại trong hoạt động hàng không tại Cảng hàng không Điện Biên.
![]() |
Hiện trạng sân bay Điện Biên. Ảnh: UBND tỉnh Điện Biên |
Mục đích của văn bản được Văn phòng Chính phủ công bố hôm 25-9 nhằm để nâng cao hiệu quả khai thác, giảm giá thành vận tải tại sân bay này. Bằng cách giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Cục Hàng không phối hợp với tỉnh Điện Biên khẩn trương nghiên cứu đầu tư, xây dựng mở rộng sân bay này theo đúng chỉ đạo hồi tháng 8 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến 2020, định hướng 2030 đã được phê duyệt thì sân bay Điện Biên được nghiên cứu, triển khai trong giai đoạn từ nay đến 2020. Việc sớm đầu tư và xây dựng, mở rộng sân bay nhằm gỡ nút thắt về giao thông, tạo điều kiện để Điện Biên thu hút đầu tư, phát triển du lịch, đảm bảo an ninh vùng Tây Bắc.
Chính phủ cũng nhắc rằng, sân bay thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) và sân bay Điện Biên cũng không phải ngoại lệ. Bộ GTVT đã ủng hộ đề xuất giao UBND tỉnh Điện Biên là chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên,việc đầu tư theo hình thức này phức tạp, nhất là trong lĩnh vực hàng không, do đó Chính phủ mong muốn các bộ ngành phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên nghiên cứu hình thức đầu tư, quản lý và khai thác, nhất là trong điều kiện các công trình tài sản tại đây đang được Tổng công ty cảng hàng không (ACV) và Tổng công ty quản lý bay khai thác.
Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên đề xuất lập dự án trước ngày 15-9.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được kết luận hồi tháng 8 của Chính phủ về việc sớm lập dự án mở rộng sân bay Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên đã gửi văn bản tới Chính phủ, Quốc hội cho rằng, ACV và Tổng công ty quản lý bay chưa quan tâm đến việc xây dựng, mở rộng sân bay như quy hoạch và chỉ đạo. Tỉnh này cho rằng các đơn vị đang quản lý, khai thác sân bay nói trên chỉ quan tâm đến các khu vực có thuận lợi, cho lợi ích nhóm cụ thể.
Bằng chứng là do độc quyền khai thác phục vụ kinh tế của ngành nên giá vé tuyến bay Điện Biên-Hà Nội bay trong một giờ lên đến 1,985 triệu đồng/lượt/người là rất cao, làm ảnh hưởng trực tiếp đền quyền lợi của khách hàng. Có tuần hủy chuyến bay đến 3 ngày liên tiếp, dẫn đến việc có du khách từ Sài Gòn bay lên Điện Biên phải có 2-3 lần từ Nội Bài về Hà Nội nghỉ qua đêm và hủy chuyến lên Điện Biên. Những việc này lặp đi lặp lại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội cả khu vực có tỉnh khó khăn như Điện Biên.
Cổng thông tin điện tử của tỉnh còn khẳng định sự yếu kém về hạ tầng hàng không dẫn đến mất đi nhiều cơ hội phát triển đầu tư của tỉnh.
Do đó, tỉnh Điện Biên đề nghị kiểm tra hoạt động của ACV xem có lợi ích nhóm không và nhanh chóng lập dự án mở rộng sân bay ở đây.
Thực tế thời gian từ nay đến 2020 chỉ còn 2 năm, mà kế hoạch dự kiến sân bay Điện Biên đã có quyết định nâng công suất phục vụ lên 300.000 hành khách và 500 tấn hàng hóa/năm là rất lớn. Sân bay này sẽ cải tạo để có 3 vị trí đỗ máy bay, trong đó có 2 vị trí cho máy bay ATR 72 và 1 vị trí cho máy bay A320, A321.
Dự tính đến 2030, sân bay này sẽ có công suất 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa/năm. Cũng theo quyết định được Bộ GTVT thông qua, dự kiến giai đoạn đến 2020 sân bay sẽ khai thác các tuyến: Điện Biên-Nội Bài, Điện Biên-Cát Bi và định hướng mở rộng ra Điện Biên-Đà Nẵng, Điện Biên-Tân Sơn Nhất. Tương lai sẽ tính đến kết nối với các sân bay quốc tế trong khu vực.