Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao Quảng Nam gặp khó trong giải ngân đầu tư công?

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu lên những khó khăn vướng mắc về việc mới chỉ giải ngân hơn 60% tổng vốn đầu tư công năm 2021.

Một góc Quảng Nam nhìn từ trên cao. Tỉnh miền Trung đang gặp khó trong việc giải ngân tổng vốn đầu tư công năm 2021. Ảnh: Nguyễn Như Nam

Mới đạt hơn 60%

Đến hết ngày 24-11-2021, Quảng Nam giải ngân gần 4.825 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 61,1% kế hoạch ban đầu (hơn 7.307 tỉ đồng), theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam.

Trong đó, việc giải ngân các dự án do địa phương quản lý là hơn 4.681 tỉ đồng còn lại là từ các dự án sử dụng vốn do Trung ương quản lý. Tuy nhiên, qua rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, tổng vốn đầu tư công năm 2021 các dự án do địa phương quản lý đã giải ngân tăng lên thành hơn 4.749 tỉ đồng, đạt 65% so với tổng vốn đầu tư công năm 2021.

Những con số này được đề cập trong Báo cáo Tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 được UBND tỉnh Quảng Nam gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuối tuần qua.

Trong báo cáo, tỉnh Quảng Nam dự tính đến hết ngày 31-12-2021, tổng vốn đầu tư công năm 2021 được giải ngân là hơn 6.587 tỉ đồng, đạt 90,1%. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2021 được giải ngân là gần 4.369 tỉ đồng, đạt 87,1%. Khoảng một tháng sau đó, kế hoạch vốn năm 2021 sẽ được giải ngân tăng lên hơn 4.595 tỉ đồng, đạt 91,6% so với kế hoạch vốn 2021 sau khi điều chỉnh, đạt 95,4% so với kế hoạch vốn năm 2021 trong trường hợp Trung ương thống nhất cắt giảm 200,726 tỉ đồng kế hoạch vốn nước ngoài ngân sách Trung ương cấp phát.

Theo những con số trên, tỉnh miền Trung này sẽ phải giải ngân thêm hơn 1.700 tỉ đồng vốn đầu tư công trong tháng cuối cùng của năm 2021 mới đạt được kế hoạch.

Nhiều vướng mắc

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận hiện nay có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư công năm 2021, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Bờ kè chống xói mòn, lũ lụt tại thành phố Hội An là một trong những dự án có nhiều khó khăn trong giải ngân. Ảnh: Nhân Tâm

Thứ nhất, nguồn vốn kéo dài năm 2020 sang năm 2021 lớn (hơn 2.290 tỉ đồng), ảnh hưởng đến công tác giải ngân kế hoạch vốn năm 2021. Nợ xây dựng cơ bản tuy có giảm nhưng vẫn còn lớn, cần phải bố trí nguồn vốn của kế hoạch năm sau để xử lý, tạo ra áp lực đối với ngân sách các cấp.

Thứ hai là các dự án chuyển tiếp gặp vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác quản lý hiện trạng, thỏa thuận áp giá đền bù, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất. Các dự án khởi công mới năm 2021 đã được phân bổ kế hoạch vốn triển khai thực hiện và chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm; tuy nhiên, đến 30-9-2021, một số dự án vẫn chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư nên đã bị cắt giảm kế hoạch vốn năm 2021.

Bên cạnh đó, một số dự án ODA vẫn đang triển khai các thủ tục thực hiện đấu thầu các gói thầu dự án (Liên kết vùng miền Trung, Cải thiện môi trường Chu Lai Núi Thành) hoặc đang trong giai đoạn chờ nhà tài trợ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An) và lựa chọn nhà thầu thực hiện thẩm định giá, cơ quan thẩm định dự toán (Nâng cao năng lực ngành Y tế); công tác đền bù, di dân và giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc (Hồ chứa nước Lộc Đại, Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn Nam Trà My); đồng thời, một số dự án đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán và thanh toán kế hoạch vốn.

Một số dự án hoàn thành dở dang, chậm bàn giao, quyết toán, dẫn đến tình trạng kéo dài tiến độ, hiệu quả chưa cao, gây lãng phí nguồn lực trong đầu tư. Công tác đấu thầu có nơi còn thiếu sự giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng.

Ngoài những nguyên nhân trên, giá vật liệu xây dựng tăng cao và tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp là những nguyên nhân khách quan cho vấn đề giải ngân thấp của tỉnh Quảng Nam.

Xin kéo dài thời gian giải ngân

Để có thể đáp ứng yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh chủ động thực hiện các dự án, tỉnh Quảng Nam đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài ngân sách Trung ương cấp năm 2021 và kéo dài thời gian giải ngân đối với kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2020.

Một nhóm người dân khai thác gỗ tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam sau đợt bão lũ năm 2020. Trồng rừng tại các huyện miền núi Nam Trà My nằm trong kế hoạch đầu tư công của tỉnh Quảng Nam

Theo đó, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam được giao từ đầu năm là hơn 1.421 tỉ đồng, bao gồm hơn 569 tỉ đồng vốn nước ngoài ngân sách Trung ương cấp phát và gần 852 tỉ đồng ngân sách tỉnh vay lại). Căn cứ kết quả giải ngân của các dự án, nhằm sử dụng hiệu quả kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021, UBND tỉnh đã điều chỉnh giảm gần 577 tỉ đồng vốn nước ngoài ngân sách tỉnh vay lại và điều chuyển 130 tỷ đồng vốn nước ngoài ngân sách Trung ương cấp phát giữa các dự án. Theo đó, tổng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 sau khi điều chỉnh là hơn 844 tỉ đồng.

Vì vậy, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, thống nhất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài ngân sách Trung ương cấp phát năm 2021 theo đề nghị của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, Quảng Nam đề nghị cho phép kéo dài thời gian giải ngân đối với kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của dự án Trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phòng chống lũ, sạt lở đất gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bảo vệ dân cư một số khu vực trọng điểm thuộc huyện Nam Trà My.

Cụ thể, kế hoạch vốn nước ngoài ngân sách Trung ương cấp phát năm 2020 (theo Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh) phân bổ cho dự án là 63,22 tỉ đồng, đến hết ngày 31-01-2020 giải ngân 9,390 tỉ đồng, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2020 được phép kéo dài sang năm 2021 là 54,031 tỷ đồng. Tính đến ngày 20-11-2021, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2020 được phép kéo dài đã giải ngân 1,750 tỉ đồng, còn lại 52,281 tỉ đồng.

Tỉnh Quảng Nam cũng xin xem xét lại cơ chế giải ngân vốn ODA của dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020 cũng như đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài đến 31-12-2021 đối với kế hoạch vốn ngân sách tỉnh năm 2019 không giải ngân hết.

Việc kéo dài này được giải thích là do những nguyên nhân khách quan, chủ quan (các dự án thuộc cấp xã quản lý và đang trong quá trình quyết toán hoàn thành; ảnh hưởng bởi thời tiết mưa lũ của năm 2020, không triển khai thực hiện được nên không có đủ khối lượng giải ngân và có phần do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19) của các đơn vị quản lý kế hoạch vốn đầu tư công thuộc kế hoạch vốn ngân sách tỉnh năm 2019 đã phân bổ thực hiện các chương trình, dự án đến hết ngày 31-12-2020 vẫn chưa giải ngân hết hơn 30,676 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới