Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao ‘siêu lừa’ rút được hơn 430 tỉ đồng của 3 ngân hàng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao ‘siêu lừa’ rút được hơn 430 tỉ đồng của 3 ngân hàng?

Vân Phong

(TBKTSG Online) – Bị can Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm đã câu kết với một số cán bộ ngân hàng để giả mạo chữ hồ sơ của người gửi tiền tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VAB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), rồi chiếm đoạt hơn 430 tỉ đồng của ba ngân hàng và một số cá nhân khác, theo Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội.

Vì sao 'siêu lừa' rút được hơn 430 tỉ đồng của 3 ngân hàng?
Một trụ sở của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: H. Thắng

Hứa hẹn trả lãi suất cao bên ngoài

Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) thành phố Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố với các bị can: Nguyễn Thị Hà Thành – sinh năm 1984, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, Nguyễn Thanh Tùng – sinh năm 1977, Giám đốc Công ty TNHH cơ điện, xây dựng Jeongho Landmark Việt Nam, cùng 23 bị can khác về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Cụ thể, bị can Nguyễn Thị Hà Thành đã tìm cách tiếp cận, dụ những người có tiền cùng Thành đầu tư dự án xây dựng với điều kiện họ phải bỏ tiền ra chứng minh năng lực tài chính bằng cách gửi tiền vào ngân hàng với hình thức đồng sở hữu với Hà Thành.

Để đối tác tin tưởng và bỏ tiền cùng gửi đồng sở hữu, bà Hà Thành đã nhờ bà Đặng Thị Quỳnh Hương – Trưởng phòng quan hệ khách hàng cá nhân Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VAB) giúp vay “nóng” tiền để lừa đối tác rằng mình cũng bỏ tiền đầu tư. Bên cạnh đó, bà Hà Thành cũng hứa hẹn với bị can Hương sẽ trả lãi suất cao cho khoản vay trong ngày. Vì vậy, bị can Hương đã liên hệ với một số khách hàng cá nhân do mình quản lý để vay nóng.

VKSND thành phố Hà Nội cho biết, bị can Hà Thành kinh doanh thua lỗ trong thời gian từ năm 2016 tới năm 2018 nên đã nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của nhiều người theo phương thức vay tiền của người sau để trả cho người trước.

Thời gian đầu Hà Thành tạo được lòng tin với người cho vay và cán bộ ngân hàng do trả nợ đúng hạn. Như sau đó bị can này đã lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên hợp đồng tín dụng để vay các ngân hàng với số tiền lớn. Từ đó các ngân hàng đều coi bị can Hà Thành là "khách VIP".

Nhân viên ngân hàng 'giúp sức' cho tội phạm

Giai đoạn từ tháng 6-2018 tới tháng 11-2018, bị can Hà Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn. Vì vậy bị can này đã phối hợp cùng nhiều đồng bọn, trong đó có cả nhân viên ngân hàng để làm giả các loại giấy tờ, chiếm đoạt tiền của nhiều cá nhân, rồi rút tiền ra sử dụng. Điển hình là trường hợp của ông Đặng Nghĩa Toàn.

Trụ sở PVcomBank ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: H. Thắng

Theo đó, ông Toàn có ý định đấu giá dự án khu đô thị Đông Hương, thành phố Thanh Hóa vào tháng 10-2018. Vì vậy ông này đã nhờ bị can Hà Thành và bị can Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc Công ty Jeongho Landmark Việt Nam sử dụng Công ty MHD để lấy tư cách pháp nhân tham gia đấu giá nhưng không thành công.

Biết ông Toàn có tiền, bị can Thành đề nghị ông Toàn cho mình vay bằng hình thức gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng, rồi giao sổ tiết kiệm cho mình giữ.

Tại PVcomBank, ông Đặng Nghĩa Toàn đã gửi số tiền 52 tỉ đồng vào ngân hàng và lập ba sổ tiết kiệm, một sổ có giá trị 12 tỉ đồng mang tên ông, hai sổ còn lại – mỗi sổ giá trị 20 tỉ đồng mang tên vợ ông. Nhưng ba sổ tiết kiệm này sau đó đều ông Toàn được giao cho bị can Hà Thành giữ.

Tiếp đó, bị can Hà Thành và bị can Tùng làm giả hồ sơ mua bán thép giữa Công ty Jeongho Việt Nam và Công ty Hoàng Nguyên để vay PVcomBank hơn 49 tỉ đồng với tài sản thế chấp là ba sổ tiết kiệm trên.

Về phía PVcomBank, hai nhân viên của ngân hàng là Bùi Văn Tuấn và Nguyễn Thu Trà đã đưa hồ sơ cho bị can Thành đi lấy chữ ký của vợ chồng ông Toàn để làm hồ sơ thế chấp ba sổ tiết kiệm.

Cuối cùng Nguyễn Thị Hà Thành đã giả chữ ký và điểm chỉ vân tay của mình giả làm vân tay của vợ chồng ông Toàn rồi dùng hồ sơ giả này để vay tiền PVcomBank.

VKSND thành phố Hà Nội việc bị can Thành có thể thực hiện những hành vi này một phần tới từ sự thiếu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng.

Kết quả, PVcomBank đã giải ngân hơn 49 tỉ vào tài khoản của Công ty Hoàng Nguyên. Còn bị can Hà Thành đã rút toàn bộ số tiền này để chi tiêu cá nhân.

Sổ tiết kiệm 12 tỉ đồng do ông Đặng Nghĩa Toàn đứng tên, mở tại PVcomBank. Ảnh: H. Thắng

Tại NCB, bà Hà Thành cũng yêu cầu ông Toàn gửi 50 tỉ đồng vào ngân hàng rồi đưa sổ tiết kiệm cho mình giữ.

Sau đó, bị can Hà Thành và bị can Tùng đã sử dụng pháp nhân của một công ty để lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, biên bản đối chiếu công nợ với Công ty Eurocell và Công ty TNHH Thương mại Hoàng Nguyên, rồi vay tiền của NCB với tài sản thế chấp là sổ tiết kiệm của ông Toàn. Đáng chú ý, Công ty Eurocell đã chấm dứt hoạt động từ năm 2017. Kết quả, NCB đã giải ngân cho vay số tiền 47,5 tỉ đồng.

Theo VKSND thành phố Hà Nội, số tiền do vợ chồng ông Toàn gửi tiết kiệm tại NCB được bị can Hà Thành chiếm đoạt thông qua thủ đoạn giả chữ ký – tương tự thủ đoạn đã áp dụng ở PVcomBank.

Một điểm giao dịch của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á. Ảnh: VAB

Tại VAB, bị can Hà Thành tìm những người có tiền để vay với lãi suất cao hoặc rủ hợp tác làm ăn. Do không có tài sản đảm bảo để đề nghị đưa tiền trực tiếp nên Thành gợi ý họ gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng VAB, rồi tìm cách vay hoặc rút tiền từ ngân hàng để sử dụng.

Để thực hiện kế hoạch này, bị can Hà Thành tiếp cận Nguyễn Thị Thu Hương – Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp của phòng giao dịch Đông Đô, thuộc Ngân hàng VAB – rồi đề nghị sẽ đồng sở hữu gửi số lượng tiền tiết kiệm lớn hoặc mượn sổ.

Cuối cùng, bị can tiến hành giả chữ ký rồi rút tiền hoặc sử dụng pháp nhân lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa để vay vốn và dùng sổ tiết kiệm là tài sản thế chấp.

Đáng chú ý, VKSND thành phố Hà Nội xác định bị can Nguyễn Thị Thu Hương đã che giấu, lập giấy đề nghị phong tỏa tài sản đảm bảo đưa cho khách hàng để họ tin tiền của mình đã được ngân hàng phong tỏa, dù biết bị cáo Hà Thành giả chữ ký của các đồng sở hữu sổ tiết kiệm để vay tiền tại VAB. Đây là nguyên nhân khiến khách hàng không biết sổ tiết kiệm do mình đồng sở hữu bị mang đi thế chấp hoặc tiền trong sổ bị rút khi sự việc xảy ra.

VKSND thành phố Hà Nội cũng cho rằng, bị can Hương đã giúp bị can Hà Thành thực hiện 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 273,9 tỉ đồng của VAB và 63 tỉ đồng của bốn cá nhân khác. 

Còn bị can Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark được cơ quan kiểm sát xác định là đồng phạm khi đã cùng Thành dùng pháp nhân công ty để lập khống các hợp đồng mua bán hàng hoá, biên bản đối chiếu công nợ để chiếm đoạt của NCB, PVcomBank số tiền lần lượt là 47,5 tỉ đồng và 49,4 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, bị can Tùng đã giả chữ ký của ông Đặng Nghĩa Toàn nhằm giúp bị can Hà Thành chiếm đoạt của VAB số tiền 174,5 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới