Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao thiếu điện?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao thiếu điện?

Cúp điện thường xuyên khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Trước đây, thủ tục đầu tư xây dựng phức tạp được ngành điện cho là nguyên nhân làm hạn chế tốc độ phát triển nguồn điện. Nhưng tình hình cũng chẳng khả quan hơn sau khi Chính phủ giải tỏa các vướng mắc thông qua cơ chế cho phép chỉ định thầu.

Thiếu điện – 1001 lý do

Đến cuối năm 2008, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam mới đạt 15.218 MW. Tính bình quân trong 15 năm qua, mỗi năm công suất nguồn chỉ tăng được khoảng 800 MW, chậm hơn so với nhu cầu của thị trường.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2009 sẽ có thêm 15 nhà máy điện mới có tổng công suất 3.570 MW được đưa vào khai thác. Nguồn bổ sung này tuy đủ để cân đối nhu cầu tiêu thụ trong nước, nhưng vẫn không thể giúp cho miền Bắc thoát khỏi nguy cơ thiếu điện trong những tháng cuối mùa khô tới.

Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, cho biết do nguồn điện ở phía Bắc không đủ, phải truyền tải từ miền Nam ra để bổ sung, nhưng hiện các đường dây 500 KV đã quá tải, nên việc tăng lượng điện cung cấp cho khu vực phía Bắc rất khó khăn.

Vấn đề đặt ra là ở miền Bắc là địa bàn tập trung những mỏ than lớn nhất nước và nếu xây một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than chỉ mất khoảng hai năm, vì vậy việc giải quyết nhu cầu điện cho các tỉnh phía Bắc có thể thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng tại sao không làm được. Đây là nghịch lý và cũng là nguyên nhân mấu chốt của tình trạng thiếu điện kéo dài trong nhiều năm qua.

Với hy vọng nhanh chóng giải tỏa tình trạng thiếu điện, từ hơn 10 năm trước, Chính phủ đã bắt đầu bật đèn xanh cho khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nguồn điện, bắt đầu là các dự án BOT của nước ngoài.

Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có những dự án thủy điện nhỏ là thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, trong khi nhiệt điện chạy bằng than mới là lời giải cho bài toán thiếu điện thì không thu hút được nhà đầu tư, trừ một số doanh nghiệp nhà nước như tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam), tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV), Tổng công ty Lắp máy (Lilama).

Vướng mắc lớn nhất là do mâu thuẫn giữa giá mua và bán điện. Năm 2008, giá bán điện bình quân của EVN cho khách hàng là 5 xu Mỹ/kWh, trong khi giá mua lại điện của PetroVietnam, TKV lên đến 8 xu Mỹ. Cá biệt có trường hợp EVN phải mua đến trên 15 xu Mỹ/kWh của Nhà máy điện Hiệp Phước. Lẽ đương nhiên, EVN không muốn mua điện giá cao để bán lại với giá thấp, trong khi EVN lại là người mua duy nhất của các nhà máy điện. Điều này khiến các nhà đầu tư tư nhân không dám bỏ vốn vào các dự án nhiệt điện.

Nhiều năm qua, EVN luôn yêu cầu Chính phủ cho tăng giá bán điện để nâng giá mua điện. Có thể tăng giá là điều cần làm, nhưng trước hết cần phải làm rõ giá thành nhiệt điện có thực sự cao như các nhà sản xuất công bố hay không.

Hiện EVN đang mua điện của PetroVietnam, TKV với giá không dưới 8 xu Mỹ/kWh, trong khi họ cũng mua điện từ Trung Quốc với giá chỉ có 780 đồng, nghĩa là dưới 5 xu Mỹ/kWh. Điều đáng chú ý là, Trung Quốc lại phải mua than của Việt Nam với giá cao hơn đến 40% so với giá TKV cung cấp cho các nhà máy điện trong nước.

Chắc chắn các công ty Trung Quốc không thể bán điện cho EVN thấp hơn giá thành họ sản xuất, thế thì tại sao các nhà máy điện trong nước không thể sản xuất được điện với giá thấp như vậy, cho dù được mua than với giá rẻ hơn rất nhiều. Đây là một trường hợp cần được mổ xẻ để có lời giải thích thuyết phục nếu không thì việc tăng giá điện khó mà lý giải được với người dân và các doanh nghiệp.

Chủ trương thu hút khu vực kinh tế tư nhân vào phát triển nguồn điện không thành công một phần do việc mở cửa thị trường chưa triệt để. Cho đến nay, chủ trương này hầu như chỉ tập trung khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực khó nuốt nhất, là nhiệt điện. Trong khi những dự án thủy điện lớn, có hiệu quả cao, thì gần như EVN vẫn thâu tóm.

Tháng 8 năm ngoái, EVN tuyên bố trả lại cho Chính phủ 13 dự án nguồn điện với lý do thiếu vốn và tất cả đều là nhiệt điện. Tổn thất điện cao cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá điện ở Việt Nam. Năm ngoái, lần đầu tiên EVN đã giảm tỷ lệ tổn thất xuống dưới 10% và đạt 9,35%. Dù vậy, con số này còn rất cao so với mức 5% của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tổn thất lớn là do hệ thống lưới điện bị xuống cấp nhưng không được khắc phục kịp thời, đồng thời còn do bố trí xây dựng nguồn điện không phù hợp. Những năm qua, hầu hết những dự án điện lớn đều tập trung ở các tỉnh phía Nam, nơi có nhiều tiềm năng về thủy điện và nguồn khí đốt. Việc phải truyền tải xa hàng ngàn ki lô mét từ Nam ra Bắc sẽ không tránh khỏi bị thất thoát lớn.

Ngoài ra, EVN cũng cần xem lại vấn đề tiêu thụ điện trong nội bộ. Năm 2008, điện do EVN sản xuất và mua là 74,175 tỉ kWh và điện thương phẩm (bán cho khách hàng) 65,93 tỉ kWh. Nếu trừ đi số bị tổn thất 9,35%, thì vẫn còn hụt khoảng 1,3 tỉ kWh. Đây chính là lượng điện dùng trong nội bộ và không loại trừ khả năng có tình trạng sử dụng lãng phí trong chính EVN.

Đến lúc phải cải cách thị trường điện

Cho đến nay, cơ chế giá điện ở Việt Nam vẫn được thực hiện theo phương thức cào bằng. Chính sách bao cấp giá điện sinh hoạt cho 100 kWh đầu tiên được áp dụng cho mọi đối tượng, mà lẽ ra nó chỉ nên dành cho những người thuộc diện cần trợ giúp xã hội. Hơn nữa, chính sách bao cấp này chưa hẳn đã đến được hết đối tượng cần trợ giúp bởi vẫn còn rất nhiều hộ gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa đang phải mua điện với giá cao hơn 2-3 lần thông qua trung gian là các hợp tác xã.

Trợ giúp người nghèo là việc phải làm, nhưng không nhất thiết thông qua trợ cấp giá điện. Việc EVN áp dụng chính sách giá điện thống nhất trên cả nước cũng chưa hẳn đã phù hợp. Thay vì áp dụng theo kiểu cào bằng, thì EVN có thể thực hiện cơ chế giá linh hoạt và có sự cạnh tranh theo cơ chế thị trường.

Theo đó, những khu vực có điều kiện kinh kế phát triển tốt, đời sống của người dân cao thì có thể bán điện với giá cao hơn, tất nhiên là phải kèm theo chất lượng dịch vụ cũng tốt hơn và bảo đảm người sử dụng điện có quyền chọn lựa nhà cung cấp. Như vậy, có thể tăng giá điện, nhưng không tăng đồng loạt, mà tăng có chọn lọc tùy theo điều kiện kinh tế, mức sống và thu nhập của người dân ở từng khu vực. Tuy nhiên để làm được như vậy, cần có nhiều nhà cung cấp.

Cho đến nay, EVN vẫn là nhà phân phối điện duy nhất và trong điều kiện hiện nay, việc kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân thiết lập mạng lưới phân phối riêng để bán điện trực tiếp đến từng gia đình gần như là không thể. Giải pháp tốt nhất, được các chuyên gia đề nghị từ nhiều năm nay, là chia nhỏ EVN ra thành các công ty độc lập, nhất là các đơn vị điện lực ở địa phương. Chỉ bằng cách đó, Việt Nam mới sớm hình thành được thị trường cung cấp điện có cạnh tranh.

TẤN ĐỨC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới