Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao tôi phải bỏ nghề toán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao tôi phải bỏ nghề toán

TS. Mai Huy Tân (*)

LTS: Sau các bài “Vì sao bổ đề cơ bản?”và “Hiệu ứng Ngô Bảo Châu”, TBKTSG nhận được bài viết chia sẻ về cuộc sống của người làm toán ở Việt Nam từ những chiêm nghiệm cá nhân của TS. Mai Huy Tân, cũng là một độc giả thường xuyên của TBKTSG.

Thời kỳ 1966-1988: 22 năm học toán và làm toán

Khi tôi còn là học sinh cấp 3 ở Hà Nội, Việt Nam chưa có lớp chuyên toán. Tôi nhớ khi đó tôi được trường phổ thông 3A Hà Nội chọn và cho đi dự ngoại khóa toán một số chuyên đề dành cho học sinh giỏi như: “hình học phi Ơclit” (do thầy Lê Văn Thiêm giảng) hay chuyên đề “Nhập môn lý thuyết tập hợp” (do cô Hoàng Xuân Sính giảng). Năm 1966, tôi vào học năm thứ nhất, khoa toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng khi đó do chiến tranh phá hoại, nên trường sơ tán tại huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên).

Cũng năm đó, GS. Tạ Quang Bửu, khi đó là Bộ trưởng Bộ Đại học và THCN cho thành lập các lớp phổ thông chuyên toán thuộc khoa toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi vẫn còn nhớ một vài bạn học sinh phổ thông chuyên toán đầu tiên thời ấy cũng học ở nơi sơ tán, như bạn Nhung, bạn Kiếm, bạn Hùng, bạn Quát, bạn Thi… Các bạn đó sau khi tốt nghiệp phổ thông, có người được đi học đại học ở nước ngoài, nhưng phần lớn đều trở thành sinh viên khoa toán, Đại học Tổng hợp ở nơi sơ tán như tôi.

Suốt những năm học toán ở Đại Từ, sinh viên không biết tới đèn điện là gì, ăn sáng trước khi lên lớp là một thứ xa xỉ mà sinh viên ít khi dám mơ tới, thầy và trò học toán cao cấp dưới mái tranh tre nứa lá.

Hồi ấy, cũng trong điều kiện gian khổ của chiến tranh, chúng tôi còn được nghe GS. Grothendieck, nhà toán học người Pháp đoạt giải thưởng Fields, giảng về lý thuyết Topo đại số, mà trên đầu ông vẫn đội chiếc mũ rơm do GS. Lê Văn Thiêm tặng (ông chấp nhận lời mời của Việt Nam sang trao đổi toán học và giảng dạy toán tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh rất ác liệt)…

Giờ đây, tôi vẫn ghi nhớ công ơn các thầy Lê Văn Thiêm, Hoàng Tuỵ, Phan Đức Chính, Hoàng Hữu Đường và các thầy khác đã dạy chúng tôi nên người. Và tôi vẫn cho rằng tiền bạc, cơ sở vật chất là quan trọng, nhưng không phải yếu tố quyết định hàng đầu đến chất lượng giáo dục, mà là THẦY và TRÒ. THẦY giỏi, yêu nghề và hết lòng vì học sinh, TRÒ chăm chỉ, say mê khoa học mới là những yếu tố quan trọng nhất và quyết định nhất.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân toán của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970, tôi được nhận công tác tại Phòng Toán kinh tế – Bộ Điện và Than. Ngay khi mới ra trường, tôi đã theo chân các bậc đàn anh như anh Thái, anh Thiều hăng hái xuống thực tế để làm các đề tài nghiên cứu toán ứng dụng như: xây dựng các hàm sản xuất trong điều độ tại mỏ than Cọc Sáu, sơ đồ PERT trong đại tu lò hơi nhà máy điện Yên Phụ…

Một số nghiên cứu ban đầu còn đang dở dang thì tôi nhập ngũ vào tháng 9-1971, tham gia mặt trận Quảng Trị 1972, và công tác tại Cục Quản lý xe máy, Tổng cục Hậu cần – Bộ Quốc phòng từ năm 1973.

Lúc đó, cũng như ông Ngô Huy Cẩn (thân sinh GS. Ngô Bảo Châu), các cán bộ khoa học, dù là cử nhân hay tiến sĩ, đều gia nhập quân đội với lon binh nhì và phụ cấp 5 đồng một tháng.

Khi tôi còn ở trong quân ngũ, Cục trưởng Cục Quản lý xe Vũ Văn Đôn đã gọi tôi đến để trình bày xem ứng dụng toán kinh tế như thế nào. Rồi tôi cũng đề xuất và được cử đi làm đề tài ứng dụng toán kinh tế trong hợp lý hóa chi phí sửa chữa xe máy tại nhà máy Z151…

Sau khi rời quân ngũ, tôi được trở về công tác tại Phòng Toán kinh tế – Bộ Điện & Than. Thời kỳ đó, toán kinh tế rất được chú trọng, đặc biệt trong nghiên cứu và ứng dụng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cho thành lập Viện Toán kinh tế trực thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Viện điều khiển học, trong đó có điều khiển học kinh tế, cũng được thành lập.

Chúng tôi thường hăng hái say mê tham dự các seminar khoa học ở Viện Toán học, Viện Toán kinh tế, Viện Điều khiển học… Các đề xuất nghiên cứu ứng dụng như: ứng dụng toán học trong cân bằng năng lượng, xây dựng các hàm sản xuất phục vụ cân đối dây chuyền khoan – nổ – xúc – tải ở các mỏ than lộ thiên… đều được Bộ Điện & Than tạo mọi điều kiện để các cán bộ toán kinh tế trẻ tuổi chúng tôi nghiên cứu triển khai.

Rồi sau đó tôi thi đỗ nghiên cứu sinh và được cử sang làm luận án tại Trường Đại học Tổng hợp Martin Luther, thành phố Halle, CHDC Đức. Bộ môn toán ứng dụng trong kinh tế của trường này (thuộc Khoa Kinh tế) do GS. Lassmann là chủ nhiệm bộ môn, ông cũng là người thầy trực tiếp hướng dẫn luận án cho tôi.

GS. Lassmann có quan hệ khoa học mật thiết với GS. Toán học Leonid Kantorovich, Viện sĩ Viện hàm lâm khoa học Liên Xô (ông là Giáo sư toán nhưng được trao giải thưởng Nobel kinh tế vì những công trình toán ứng dụng cho nghiên cứu kinh tế). Tôi có vinh dự được gặp Giáo sư Viện sĩ Kantorovich trong một hội nghị khoa học về toán kinh tế ở CHDC Đức do GS. Lassmann tổ chức.

Năm 1986, tôi bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài “Các phép toán tối ưu ứng dụng trong lập kế hoạch sản xuất xí nghiệp công nghiệp…” và được hội đồng khoa học chấm điểm Summa cum laude (xuất sắc).

Do đó, GS. Lassmann đã đề nghị với Đại sứ quán Việt Nam để tôi được làm tiếp Habilitation (tiến sĩ khoa học), nhưng tiếc là lời đề nghị này không được đáp ứng, và tôi trở về nước năm 1986. Khi đó Phòng Toán máy tính Bộ Điện & Than đã không còn nữa sau những lần thay đổi tổ chức. Tôi đã thử tìm cách xin về Phòng Toán kinh tế thuộc Uỷ ban phân vùng kinh tế Nhà nước để có điều kiện tiếp tục các hoạt động nghiên cứu ứng dụng toán kinh tế, nhưng nguyện vọng này không được chấp nhận, vì Bộ Đại học nhất quyết phân công tôi trở về nhận công tác tại Bộ Năng lượng, là nơi đã cử tôi đi nghiên cứu sinh.

Thế là tôi chấp hành sự phân công của tổ chức và nhận công tác tại Trung tâm Thông tin KHKT, Bộ Năng lượng, với nhiệm vụ chính là dịch thuật và chọn lọc thông tin. Sau đó, tôi cố đề xuất và được Bộ giao cho chủ trì một đề tài khoa học “Ứng dụng các phương pháp toán kinh tế để xây dựng và lượng hóa mối tương quan giữa giá điện, giá than với giá các sản phẩm chủ chốt khác của nền kinh tế quốc dân, làm cơ sở xây dựng chính sách giá năng lượng”. Đề tài được nghiên cứu hơn một năm, nhưng rồi kết quả cũng bỏ đấy, vì không có khả năng ứng dụng.

Năm 1988 là một thời điểm rất khắc nghiệt của giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới. Tại cơ quan tôi công tác, Bộ cắt bớt một nửa quỹ lương, nên cơ quan phải tự làm kế hoạch 3 để lo lương cho một nửa số cán bộ còn lại. Với ý thức tự trọng của một nhà khoa học và tâm đắc với lời kêu gọi “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, tôi tự nguyện xung phong vào số phải tự lo lương bằng các hoạt động khác, đương nhiên là “phi toán học”.

Thời kỳ 1988 đến nay: 22 năm bỏ nghề toán, theo các nghề phi toán học

Hoạt động đầu tiên của tôi là dịch thuật và xuất bản sách. Nhờ các kiến thức và khả năng ngoại ngữ nên những cuốn sách đầu tiên về marketing, kinh tế thị trường hay tin học đều bán chạy, mang lại doanh thu và lợi nhuận.

Nhưng rồi Bộ Năng lượng cũng không còn tồn tại nữa khi sáp nhập với các bộ khác thành Bộ Công nghiệp. Tôi lại phải tự tìm lấy chỗ đứng của mình khi cùng với một số bạn bè trí thức học ở Đức về tự lập ra Trung tâm giao lưu Việt – Đức về văn hóa, ngôn ngữ và công nghệ (ZKST). Trung tâm này đã chủ động thiết lập quan hệ với Đại sứ quán CHLB Đức, Viện Goethe ở Munich, Viện Max Planck và nhiều tổ chức khoa học, trường đại học của Đức, qua đó đã triển khai được nhiều hoạt động giao lưu văn hóa khoa học mà không cần lệ thuộc vào nguồn ngân sách nhỏ bé của cơ chế xin – cho.

Dần dần mạng lưới quốc tế mà tôi kiên trì từng bước xây dựng đã dẫn tôi tới một nghề mới: tư vấn đầu tư cho các công ty của Đức ở Việt Nam (Mercedes Benz: công nghiệp ô tô, FER: công nghiệp phụ trợ, PETKUS: công nghiệp xử lý hạt giống và xử lý nước thải…).

Quá trình tư vấn đầu tư, cũng là quá trình học hỏi kinh nghiệm phong phú của các nhà quản lý Đức, đã dẫn tôi tới một nghề mới: nghề kinh doanh và tự mình trở thành doanh nhân. Năm 2000, tôi cùng một vài người bạn (Đức và Việt Nam) lập ra Công ty TNHH Đức Việt và bắt đầu thử nghiệm sản xuất xúc xích Thueringen của Đức.

Sự thành công ban đầu đã dẫn tới sự ra đời của Công ty liên doanh Đức Việt với một nhà máy chế biến xúc xích ở tỉnh Hưng Yên. Năm 2008, chuyển thành Công ty cổ phần thực phẩm Đức Việt chuyên sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch, trong đó có các loại xúc xích Đức với thương hiệu “THỰC PHẨM ĐỨC VIỆT” nhiều năm được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao, được trao Cúp Tự hào thương hiệu Việt và Danh hiệu Sao Vàng Đất Việt.

Thay lời kết

Qua câu chuyện kể về 22 năm học toán và làm toán, rồi 22 năm phải bỏ nghề toán và nhiều lần chuyển nghề, chắc các bạn cũng có thể chia sẻ suy tư của tôi về nguyên nhân các nhà toán học ở Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn đến vậy trong phát triển nghề nghiệp của mình, cả trong nghiên cứu lý thuyết lẫn trong nghiên cứu ứng dụng.

Vào dịp kỷ niệm 50 năm khoa toán cơ tin học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (tức khoa toán Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây), GS. TSKH. Phạm Kỳ Anh, Chủ nhiệm khoa, có đề nghị tôi phát biểu và đọc báo cáo tại lễ kỷ niệm tổ chức ở Nhà hát lớn Hà Nội.

Tôi ngại ngùng từ chối vì đã bỏ nghề toán lâu rồi. Nhưng GS. Phạm Kỳ Anh nói rằng, chính đặc điểm đó của tôi là lý do ông muốn mời tôi phát biểu với hàm ý rằng người học toán, có tư duy toán học, có thể thành công không những trong lĩnh vực toán học, mà còn cả trong những lĩnh vực khác, ví dụ kinh tế hoặc kinh doanh. Còn GS. Phan Văn Hạp (nguyên Chủ nhiệm khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội) thì nói đùa rằng: khoa ta có hai Đức Việt, anh Hồ Đức Việt nay là Ủy viên Bộ Chính trị, còn anh Tân Đức Việt là doanh nhân sản xuất xúc xích.

Cuối cùng tôi muốn nhắn nhủ một điều với các bạn trẻ: hãy yêu toán, học giỏi toán thì các bạn nhất định sẽ thành công trong cuộc sống.

_____________________________________________________________

(*) Chủ tịch HĐQT & Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới