Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao Trung Quốc hạn chế nhập gạo ST của Việt Nam?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao Trung Quốc hạn chế nhập gạo ST của Việt Nam?

Trung Chánh

(KTSG Online) – Trung Quốc gần đây đã giảm nhập khẩu gạo ST của Việt Nam. Theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào Trung Quốc, ST của Việt Nam đang đối mặt với một ứng cử viên tương tự từ Pakistan nhưng với giá cạnh tranh hơn.

Gạo ST25 bị bảo hộ tại Mỹ, vấn đề cần làm ngay lúc này là gì?

Vì sao Trung Quốc hạn chế nhập gạo ST của Việt Nam?
Gạo ST được giới thiệu đến người tiêu dùng. Ảnh: HD

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II, cho biết tại Trung Quốc có một giống bản địa cho gạo khá giống với gạo ST của Việt Nam khi xét về hình dạng hạt. “Trước đó, Trung Quốc rất “chuộng” và nhập khá nhiều gạo ST của Việt Nam để về đấu trộn với gạo bản địa của họ do giá thành mình rẻ hơn”, ông Khoa cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, thời gian gần đây, nhờ thời tiết, khí hậu ở Trung Quốc thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên sản lượng gạo bản địa (loại tương tự ST của Việt Nam – PV) của quốc gia này gia tăng. Trong khi đó, Pakistan có giống PK386 cũng tương tự với gạo ST của Việt Nam về hình dạng hạt, nhưng giá chỉ khoảng từ dưới đến 400 đô la Mỹ/tấn so với giá 700-800 đô la Mỹ/tấn của Việt Nam nên Trung Quốc chuyển sang nhập từ quốc gia này.

Theo ông Khoa, thương nhân Trung Quốc thường thực hiện đấu trộn gạo nhập giá rẻ vào gạo bản địa để bán. "Ví dụ, gạo bản địa chiếm tỷ lệ 60%, 20% nhập gạo PK386 của Pakistan và 20% là ST của Việt Nam để có giá thành rẻ, nhưng chất lượng vẫn ở mức cho phép”, ông dẫn chứng.

Chính vì vậy, ông Khoa cho biết, khi Trung Quốc mua vào, giá gạo ST có thể tăng lên mức 18.000-20.000 đồng/kg, nhưng có khi cũng bị rớt xuống còn 12.000-13.000 đồng/kg.

Ông Khoa cho biết, đầu ra của gạo ST vào thời điểm hiện tại là không quá lớn, do các thị trường, như Singapore, Hồng Kông, Philippines “chuộng” loại gạo có kích cỡ hạt lớn, trong khi dòng ST cho gạo hạt dài, thon nhỏ.

Từ đó, doanh nghiệp tìm cách “chinh phục” sang các thị trường khó tính, như: Mỹ, châu Âu – vốn là những thị trường ăn gạo có “tên tuổi”. Thế nhưng, đây là những thị trường đòi hỏi rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. “Muốn vào đó, phải đảm bảo chất lượng, phải được xông trùng các thứ”, doanh nhân này dẫn chứng và cho rằng, nếu phát hiện côn trùng, thì buộc phải tiêu hủy và doanh nghiệp chịu toàn bộ chi phí. Thậm chí, gạo bán trong siêu thị, nếu trong ba tháng không bán được phải đưa trở về Việt Nam, chứ không được đưa ra ngoài bán rẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới