Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao xăng dầu tăng giá liên tục?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao xăng dầu tăng giá liên tục?

Minh Tâm

Vì sao xăng dầu tăng giá liên tục?
Giá bán lẻ xăng dầu tác động lớn lên người tiêu dùng, giá các mặt hàng tiêu dùng. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG Online) – Trong vòng nửa tháng qua giá xăng trong nước đã tăng hai lần liên tiếp với tổng mức tăng 3.150 đồng/lít khi giá nhập khẩu biến động khá mạnh. Phải chăng, mặt hàng xăng dầu (mà đến 70% là hàng nhập khẩu) đã tuân thủ đúng nguyên tắc bình thông nhau giữa thị trường trong nước và thị trường thế giới?

Hai lần tăng giá liên tiếp

Lần tăng giá gần nhất vừa diễn ra hôm 20-5 (với hai nấc thời gian khác nhau là 20 giờ và 24 giờ), giá xăng được điều chỉnh tăng thêm 1.200 đồng/lít, lên mức 20.430 đồng/lít; dầu diesel tăng thêm 500 đồng/lít, lên mức 16.380 đồng/lít. Riêng mặt hàng dầu hỏa giảm 60 đồng/lít về còn 15.750 đồng/lít.

Cách thời điểm này 15 ngày, vào ngày 5-5, giá xăng bán lẻ đã điều chỉnh tăng 1.950 đồng/lít lên mức 19.230 đồng/lít; còn mặt hàng dầu diesel giữ nguyên và dầu hỏa thì giảm giá nhẹ (260 đồng/lít).

Các mức tăng này, theo công bố của cơ quan điều hành là liên bộ Công Thương – Tài chính, vẫn chưa tương ứng với mức tăng của giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong thời gian vừa qua. Cụ thể, giá xăng RON 92 thành phẩm bình quân 15 ngày trên thị trường Singapore đã tăng từ 67,93 đô la Mỹ/thùng (giai đoạn từ 29-3 đến 12-4) lên 81,34 đô la Mỹ/thùng (giai đoạn từ 5-5 đến 19-5). Theo đà tăng này, chênh lệch giữa giá cơ sở (gồm giá nhập khẩu cộng với thuế, phí… làm cơ sở tính giá bán lẻ) so với giá bán lẻ mặt hàng xăng RON 92 trong nước cũng tăng từ mức 997 đồng/lít lên 2.260 đồng/lít (xem chi tiết trong bảng dưới).

Bảng: Giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore bình quân 15 ngày:
Đơn vị tính: đô la Mỹ/thùng

 

Giai đoạn từ 29-3 đến 12-4

Giai đoạn từ 20-4 đến 4-5

Giai đoạn từ 5-5 đến 19-5

Giá xăng RON 92

67,93

77,66

81,34

Giá dầu DO 0,05S

69,2

75,1

79,13

Giá dầu hỏa

68,73

74,91

78,83

Chênh lệch giá cơ sở/giá bán lẻ mặt hàng xăng RON 92

997 đồng/lít

3.393 đồng/lít

2.260 đồng/lít

Nguồn: Bộ Công Thương

Để bù đắp phần chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ nói trên, ngoài việc quyết định cho phép tăng giá bán lẻ thêm 1.200 đồng/lít xăng trong đợt tăng giá hôm qua, cơ quan điều hành đã phải cho sử dụng (xả) từ quỹ bình ổn giá xăng dầu mức 1.054 đồng/lít (đối với xăng); 328 đồng/lít (đối với dầu diesel) khi giá thế giới liên tục tăng. Còn trong đợt trước, ngày 5-5-2015, mức xả quỹ là 1.437 đồng với xăng, 322 đồng/lít đối với dầu diesel.

Trước hai lần tăng giá này, cơ quan điều hành đã cho phép sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp toàn bộ phần chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ ở các mặt hàng nhằm giữ nguyên giá bán lẻ trong nước tại các thời điểm “nhạy cảm” như Tết Nguyên đán (tháng 2 -2015) hay đợt tăng giá điện (tăng bình quân 7,5% hồi tháng 3)… Mục tiêu của việc giữ giá bán lẻ này, theo cơ quan điều hành, là để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô…

Điều hành theo giá bình quân 15 ngày

Từ ngày 1-11-2014 , giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước đã bắt đầu được điều hành theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT – BTC-BTC.

Theo các văn bản này, giá bán lẻ được điều chỉnh bình quân 15 ngày một lần (tối thiểu là 15 ngày với trường hợp tăng giá và tối đa là 15 ngày với trường hợp giảm giá) sau khi cơ quan điều hành là Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu (với hai thành phần chính là đại diện của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính) công bố giá cơ sở. Giá cơ sở được tính bằng giá nhập khẩu bình quân 15 ngày sát với chu kỳ tính giá cộng với các chi phí thuế, phí, phí môi trường v.v…

Trong trường hợp giá thế giới biến động tác động lên giá bán lẻ trong nước khiến giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ dưới 7% thì  cơ quan điều hành được trực tiếp quyết định mức tăng, còn nếu giá cơ sở tăng cao hơn giá bán lẻ trên 7% thì mức tăng cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bên cạnh đó, cơ quan điều hành còn có các công cụ khác là giảm thuế nhập khẩu, cho sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu (do người dân đóng khi mua xăng) để kéo giảm chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ, thậm chí xóa nhòa hết các chênh lệch này nếu muốn không tăng giá, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kềm chế lạm phát.

So với quy định cũ (Nghị định 84/2009/NĐ-CP) được áp dụng trước ngày 1-1-2014, giá cơ sở đã được tính sát hơn với diễn biến giá thế giới. Bởi theo nghị định cũ, bình quân 10 ngày giá bán lẻ sẽ được điều chỉnh tăng/giảm nhưng giá cơ sở được tính bằng giá bình quân 30 ngày, tương ứng với thời gian dự trữ lưu thông bắt buộc. Vì thế, trước đây giá bán lẻ ở nhiều thời điểm được điều chỉnh tăng trong khi giá thế giới đang giảm và ngược lại.

Giá thế giới giảm rồi lại tăng

Trên thực tế, trong thời gian từ tháng 11-2014 đến nay, giá xăng dầu thế giới diễn biến theo hai hướng ngược nhau.
Từ tháng 11 năm ngoái đến cuối tháng 1 năm nay, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore liên tục đi xuống, kéo giá cơ sở giảm sâu so với giá bán lẻ. Trong giai đoạn này, cơ quan điều hành đã đồng thời giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng và tăng thuế nhập khẩu xăng dầu để ngân sách nhà nước có thêm nguồn thu khi giá dầu thô xuất khẩu trượt dốc; tăng mức trích lập vào quỹ bình ổn để tạo nguồn lực.

Ở thời điểm ngày 5-2-2015, giá xăng bán lẻ chạm mức 15.670 đồng/lít; dầu diesel mức 15.170 đồng/lít và dầu hỏa mức 15.650 đồng/lít sau 6 lần giảm giá liên tiếp, tiếp đà giảm giá đã bắt đầu từ giữa tháng 7 -2014 trước đó.

Còn từ đầu tháng 2 đến nay, giá xăng dầu thành phẩm tăng dần. Đến nay, giá các mặt hàng đã quanh ngưỡng 80 đô la Mỹ/thùng, cao hơn hàng chục đô la so với hồi tháng 1-2015 (mức 50 – 60 đô la Mỹ/thùng). Vì vậy, giá bán lẻ trong nước đã điều chỉnh tăng trở lại. Trong đó, xăng có 3 lần tăng không liên tiếp rơi vào ngày 11-3 (tăng 1.610 đồng/lít); ngày 5-5 (tăng 1.950 đồng/lít) và 20-5 (1.200 đồng/lít). Dầu diesel có hai lần tăng giá không liên tiếp (hôm 11-3 tăng 710 đồng/lít và hôm 20-5 tăng 500 đồng/lít).

Linh hoạt vì mục tiêu bình ổn thị trường

Tuy bám sát giá thế giới hơn nhưng mức tăng giảm của giá bán lẻ xăng dầu trong nước hoàn toàn không tương ứng với giá thế giới bởi lẽ cơ quan điều hành còn nhắm tới mục tiêu ổn định thị trường trong nước nên khá linh hoạt khi ban hành quyết định. Có nhiều thời điểm như Tết Nguyên đán, đợt tăng giá điện, cơ quan điều hành đã quyết định không tăng giá bán lẻ xăng dầu mà sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp chênh lệch; còn như hiện nay, cơ quan điều hành vừa cho phép tăng giá bán lẻ, vừa cho sử dụng quỹ bình ổn thay vì chỉ đơn thuần tăng giá bán lẻ cho bằng giá cơ sở.

Bên cạnh đó, có một yếu tố đáng chú ý là trong khoảng thời gian này, các sắc thuế liên quan đến xăng dầu lại có tăng có giảm. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường (tính số tuyệt đối) đã tăng gấp 3 lần (trừ dầu hỏa) từ ngày 1-5. Xăng động cơ và nhiên liệu bay tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít; dầu diesel tăng 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít để bù đắp ngân sách nhà nước. Ngược lại, thuế nhập khẩu các mặt hàng lại liên tiếp được Bộ Tài chính điều chỉnh giảm nhiều điểm phần trăm, thực hiện theo cam kết giữ giá bán lẻ xăng dầu “cơ bản không chịu tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường”.

Nhận xét với TBKTSG Online về tình hình điều hành xăng dầu hiện nay, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phía Nam nói rằng, nhìn một cách khách quan, điều hành giá xăng dầu trong nước từ khi có Nghị định 83 đã bám sát giá thế giới hơn, giá bán lẻ minh bạch, công khai. Tuy nhiên, ở nhiều thời điểm, cơ quan điều hành tỏ ra lạm dụng một số công cụ, ví dụ như quỹ bình ổn giá. Chính vì vậy, giá xăng mỗi lần tăng đều tăng nhiều khiến người tiêu dùng bức xúc. "Đây là sự hiểu lầm không đáng có. Nhưng người tiêu dùng thường nhớ những lần xăng tăng nhiều chứ mấy ai nhớ chuyện cơ quan nhà nước đã nhiều lần giữ giá bán lẻ bằng cách cho sử dụng quỹ bình ổn giá hay giảm thuế nhập khẩu như đã từng làm", ông nói.

Bên cạnh đó, người dân còn bức xúc hơn vì mỗi lần giá xăng dầu tăng nhiều như vừa qua lại tạo cơ hội cho giá nhiều mặt hàng khác "dựa hơi" để tăng theo.

Người tiêu dùng có thể theo dõi giá xăng

Để theo dõi diễn biến giá xăng dầu thành phẩm và các quyết định điều hành từ cơ quan nhà nước, người tiêu dùng có thể truy cập website của Bộ Công Thương ở địa chỉ: www.moit.gov.vn và vào mục công khai minh bạch giá xăng dầu.

Tại đây, có nhiều thông tin về giá thị trường Singapore, báo cáo về số dư quỹ bình ổn, quyết định điều hành… được đăng tải.

Trước đó, theo quy định về kinh doanh xăng dầu, cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu phải công khai, minh bạch các thông tin để người dân theo dõi và giám sát.

 

Xem thêm:

Tăng thêm 1.200 đồng, giá xăng vượt mức 20.000 đồng/lít

Áp lực tăng giá xăng rất lớn

Kinh tế thị trường nhìn từ câu chuyện "té nước theo giá xăng"

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới