Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vicofa kiến nghị thu phí xuất khẩu cà phê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vicofa kiến nghị thu phí xuất khẩu cà phê

Ngọc Hùng

Hiện cả nước chỉ có 4 công ty chế biến cà phê hòa tan với năng suất 20.000 tấn năm. Ảnh: Văn Tân

(TBKTSG Online) – Để có nguồn vốn giúp ngành cà phê phát triển bền vững, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) kiến nghị chính phủ thu phí xuất khẩu cà phê với số tiền 10 đô la Mỹ/tấn, nếu giá cà phê trên thị trường thế giới cao hơn 1.800 đô la Mỹ/tấn.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa đã đưa ra kiến nghị trên tại buổi họp Quy hoạch phát triển ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 do Viện quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TPHCM, ngày 28-2.

Theo ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm quy hoạch nông nghiệp thuộc Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, để nâng năng suất cà phê trung bình hiện nay là gần 2,1 tấn/héc ta lên 2,4 tấn/hécta, phải đầu tư ít nhất 14.137 tỉ đồng, trong đó gần 50% là nguồn vay để cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông, điện và tái canh gần 180.000 héc ta diện tích cà phê già cỗi.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, theo ông Tự chính phủ nên tính đến phương án thu phí xuất khẩu, khoảng 10 đô la Mỹ/tấn nếu giá cà phê trên thị trường thế giới ở mức 1.800-1.900 đô la Mỹ/tấn. “Nếu làm được như vậy, mỗi năm ngành cà phê có khoảng 10 triệu đô la Mỹ để tái đầu tư phát triển mà không lo thiếu nguồn vốn”, ông Tự nói.

Trong lúc đó, ông Hoàng Đình Thiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe), cho rằng ngoài việc tìm nguồn vốn ổn định để phát triển thì ngành cà phê Việt Nam cần chú ý đến việc nâng cao sản lượng cà phê hòa tan 3 trong 1, cà phê rang xay từ 20.000 tấn/năm lên 100.000 tấn/năm trong thời gian tới. “Chúng ta không thể cứ bán cà phê nhân hoài được. Nếu muốn ngành cà phê Việt Nam phát triển, nhất thiết phải đầu tư mạnh vào chế biến cà phê hòa tan vì đây là xu hướng tiêu dùng của thế giới”, ông Thiêm nói. Vì vậy, ông đề nghị chính phủ có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư chế biến cà phê hòa tan.

Đồng ý kiến với ông Thiêm, nhưng ông Tự cũng khuyến cáo các doanh nghiệp có ý định đầu tư dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan nên tập trung nghiêm cứu thị hiếu của người tiêu dùng tại các nước ASEAN và Trung Quốc. “Hiện những quốc gia tiêu thụ cà phê hòa tan nhiều như EU, Nhật Bản đều có chính sách bảo hộ ngành chế biến cà phê của họ. Cụ thể, Nhật Bản đánh thuế nhập khẩu cà phê hòa tan là 15%, các nước EU thì đánh thuế cà phê qua chế biến là 2 euro/1kg. Vì vậy, cà phê chế biến của Việt Nam khó xâm nhập vào các thị trường nói trên mặc dù đây là thị trường tiêu thụ cà phê hòa tan lớn”, ông Tự nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới